Đà Nẵng những ngày chống dịch đặc biệt

.

Bài 2: Thần tốc truy vết, khoanh vùng và lấy mẫu xét nghiệm

Trong giai đoạn Đà Nẵng thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”, ngành y tế và các địa phương tăng tốc thực hiện truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại các điểm nóng, đồng thời đẩy nhanh xét nghiệm diện rộng, bao phủ toàn thành phố để tìm ra các F0. Từ đó, đánh giá kịp thời, chính xác mức độ nguy cơ dịch bệnh theo từng khu vực để lãnh đạo thành phố quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp...

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chạy đua xét nghiệm trong thời gian thành phố thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”.					               Ảnh: LÊ HÙNG - Đồ họa: MAI ANH
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chạy đua xét nghiệm trong thời gian thành phố thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”. Ảnh: LÊ HÙNG - Đồ họa: MAI ANH

Tăng tốc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng

Để công tác xét nghiệm đạt hiệu quả cao nhất, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố yêu cầu các địa phương rà soát, lập danh sách đúng, đủ các đối tượng, với mức độ bao phủ rộng. Song song đó, ngành y tế triển khai lấy mẫu xét nghiệm theo kế hoạch đúng tiến độ, không để xảy ra tình trạng trùng lặp, bỏ sót đại diện hộ gia đình.

Bắt đầu từ ngày 16-8, ngành y tế và các địa phương đồng loạt lấy mẫu xét nghiệm diện rộng với tần suất 3 ngày/lần theo nguyên tắc cuốn chiếu tại tổ dân phố, bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết: “Để làm được điều này, ngành y tế và các địa phương phải chạy đua và gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Cao điểm có ngày thành phố lấy mẫu xét nghiệm gần 130.000 lượt người. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay trên địa bàn Đà Nẵng. Thành phố huy động toàn bộ 9 labo xét nghiệm trên địa bàn. Khi nhận mẫu bệnh phẩm từ các địa phương, cán bộ, nhân viên y tế các labo nhanh chóng xét nghiệm, nhập dữ liệu. Tất cả đều làm việc trong tâm thế chạy đua với thời gian để sớm có kết quả, đáp ứng khẩn cấp công tác phòng, chống Covid-19”.

Theo lãnh đạo CDC Đà Nẵng, từ 18 giờ ngày 31-7, khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 05/CT-UBND, bình quân số mẫu xét nghiệm được xử lý là 48.626 mẫu/ngày. Từ 8 giờ ngày 16-8, khi bắt đầu thực hiện Quyết định số 2788/QĐ-UBND, số mẫu xét nghiệm bình quân mỗi ngày được lấy và xử lý lên tới 104.786 mẫu/ngày.

Qua 7 đợt lấy mẫu xét nghiệm hộ gia đình, thành phố phát hiện 277 ca mắc trong cộng đồng. Từ những ca mắc này, các hoạt động truy vết, cách ly, xét nghiệm những F1, F liên quan tiếp tục được triển khai kịp thời, nhanh chóng. Chỉ trong vòng một tháng, thành phố ghi nhận hơn 2.700 ca mắc Covid-19. Nếu không giãn cách nghiêm ngặt, xét nghiệm trên phạm vi rộng, 2.700 F0 sẽ lây lan nhiều hơn, nguy cơ lây nhiễm của thành phố ở mức báo động.

“Thành phố áp dụng các biện pháp phòng, chống phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn. Công tác xét nghiệm kịp thời và đúng đối tượng phát hiện nhiều F0, đồng thời xử lý triệt để các trường hợp F1, F2 và F liên quan theo quy định. Ngoài việc triển khai xét nghiệm toàn dân, để ngăn chặn dịch lây lan từ bên ngoài, Đà Nẵng tổ chức test nhanh kháng nguyên tất cả những người vào thành phố tại các chốt kiểm soát nơi cửa ngõ thành phố. Cũng nhờ vậy, thành phố phát hiện 9 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 từ vùng dịch trở về”, bác sĩ Tôn Thất Thạnh khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết, bình quân mỗi đợt, ngành y tế phải lấy mẫu xét nghiệm từ 350.000-370.000 lượt người. Đây là áp lực lớn. Nếu trước đây, sau một đợt lấy mẫu diện rộng, ngành y tế có khoảng trống nghỉ ngơi, thì tháng cao điểm vừa qua rất khác. Cứ lấy xong đợt này, nhân viên y tế phải quay lại lấy đợt tiếp theo với cường độ liên tục. Bộ phận lấy mẫu, xét nghiệm và phân tích dữ liệu làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm.

“Nhiều đơn vị, địa phương chạy đua với thời gian, rút ngắn được thời gian lấy mẫu xét nghiệm từ 3 ngày xuống còn 2,5 ngày, thậm chí 2 ngày trong mỗi đợt. Đó là sự phấn đấu lớn của lực lượng y tế và các địa phương, vì cùng thời điểm còn phải triển khai công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Kết quả, số ca mắc ghi nhận giảm liên tục. Qua thời gian dài nỗ lực, đến ngày 18-9, sau 70 ngày, lần đầu tiên thành phố không phát hiện F0 ngoài cộng đồng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến nói.

Thần tốc truy vết tại khu công nghiệp

Một trong những yếu tố giúp Đà Nẵng dập dịch nhanh trong các khu công nghiệp là xét nghiệm diện rộng, thực hiện truy vết, cách ly thần tốc. Còn nhớ, khi phát hiện ổ dịch tại Công ty TNHH TM và DV Trường Minh (đường số 2, Khu công nghiệp Đà Nẵng), quận Sơn Trà truy vết và đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung ngay trong ngày, lấy mẫu xét nghiệm cho gần 12.000 người liên quan đến Khu công nghiệp Đà Nẵng chỉ trong vòng 24 giờ. Quận Sơn Trà khẩn trương huy động toàn bộ lực lượng, từ thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, công an, trật tự đô thị quận, tình nguyện viên, ngành y tế địa phương đến các tổ Covid-19 cộng đồng ở địa bàn khu dân cư tham gia công tác dập dịch.

Bí thư Quận ủy Sơn Trà Trần Thắng Lợi cho biết, để khoanh vùng khẩn cấp, các lực lượng tiến hành thiết lập vùng cách ly y tế đối với Khu công nghiệp Đà Nẵng và 4 cụm dân cư liên quan ngay trong đêm. Bên cạnh đó, các lực lượng tiến hành chốt chặn, phối hợp tổ chức phun khử khuẩn, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ cao nhằm nhanh chóng sàng lọc, phát hiện các ca nghi nhiễm. Ngoài những người lao động trong khu công nghiệp, các hộ dân sống lân cận cũng được ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm. Trong thời gian chờ kết quả, quận lo ăn uống cho toàn bộ công nhân trong khu công nghiệp. Khi tất cả có kết quả âm tính, thành phố cho dỡ phong tỏa để khu công nghiệp hoạt động bình thường, chỉ phong tỏa hẹp khu vực Công ty Trường Minh.

“Với sự vào cuộc khẩn trương của các lực lượng, trong 24 giờ chạy đua, các ca mắc tại Khu công nghiệp Đà Nẵng được kiểm soát, xử lý kịp thời. Đây cũng là kinh nghiệm để địa phương triển khai thực hiện các biện pháp khi xuất hiện ổ dịch tiếp theo tại âu thuyền Thọ Quang và một số doanh nghiệp thời gian kế tiếp. Có thể khẳng định, trong những đợt dịch cao điểm xảy ra trên địa bàn quận, cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế quận đã làm việc với tâm huyết chứ không đơn thuần là trách nhiệm. Họ làm việc không ngừng nghỉ với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu xét nghiệm lên mức cao nhất để địa phương sớm nhận định mức độ, nguy cơ dịch bệnh, từ đó đưa ra những biện pháp phù hợp. Sự phản ứng nhanh, kịp thời, hiệu quả của lực lượng y tế góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống Covid-19 của quận Sơn Trà”, Bí thư Quận ủy Sơn Trà Trần Thắng Lợi khẳng định.

Giữa tháng 7-2021, khi phát hiện trường hợp công nhân Công ty Murata Manufacturing Việt Nam Đà Nẵng (còn gọi Công ty TNHH điện tử Việt Hoa) tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) dương tính với SARS-CoV-2, lập tức Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng phối hợp Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, CDC Đà Nẵng tổ chức cách ly tại chỗ và lấy mẫu xét nghiệm 1.700 người tại đây. Ngay sau đó, lực lượng chức năng tiếp tục thần tốc lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 3.000 công nhân làm việc tại Công ty TNHH điện tử Việt Hoa; đồng thời khẩn trương truy vết những người liên quan để thực hiện các biện pháp dịch tễ, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Các F1 được truy vết kịp thời và cách ly theo quy định.

Bí thư Đảng ủy phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) Lưu Thị Hiền cho biết, khi Công ty TNHH điện tử Việt Hoa xuất hiện ca mắc Covid-19, tình hình dịch bệnh trên địa bàn phường bắt đầu diễn biến phức tạp. Thời gian sau đó, có ngày trên địa bàn phường ghi nhận hơn 10 ca mắc mới. “Ngành y tế phối hợp địa phương nhanh chóng truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng. Mỗi đợt chúng tôi lấy mẫu xét nghiệm cho gần 22.000 trường hợp, trong đó chú trọng đến số công nhân lưu trú tại các khu nhà trọ. Nhằm tránh tình trạng sót lọt trường hợp lấy mẫu, địa phương cử lực lượng giám sát, quản lý từng giấy mời phát ra, bảo đảm đúng, đủ số lượng được yêu cầu lấy mẫu. Đối với những khu vực kiệt, hẻm nguy cơ cao, khu nhà trọ chật chội, chúng tôi thực hiện biện pháp phòng, chống dịch phù hợp nhất, tránh tình trạng lây nhiễm chéo”, bà Lưu Thị Hiền cho biết.

Quyết định kịp thời, đúng đắn

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, giai đoạn từ 8 giờ ngày 16-8, khi thực hiện Quyết định số 2788/QĐ-UBND, đơn vị tổ chức lấy mẫu mở rộng đối tượng hộ gia đình nhưng tỷ lệ mắc Covid-19 vẫn không giảm so với giai đoạn trước đó (chỉ tập trung lấy mẫu các khu vực, đối tượng nguy cơ cao). Điều đó chứng tỏ thời gian qua có sự gia tăng ca nhiễm trong cộng đồng và việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND thành phố và đỉnh điểm là việc “phong tỏa cứng” toàn thành phố theo Quyết định 2788/QĐ-UBND là kịp thời, phù hợp. Cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh là phát hiện nhanh, kịp thời các ổ dịch và tổ chức truy vết, sàng lọc, không bỏ sót trường hợp nguy cơ.

Hợp tác, ủng hộ chủ trương

Ông Lê Văn Cường (trú tổ 57, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà): “Tính từ cuối tháng 7, thời điểm Sơn Trà trở thành điểm nóng về Covid-19, trong đó có phường Nại Hiên Đông, tôi trải qua 12 lần xét nghiệm để sàng lọc SARS-CoV-2. Người dân đều đồng tình, ủng hộ chủ trương này, bởi dịch bệnh quá phức tạp, khả năng lây lan rất cao. Chỉ có xét nghiệm thì mới có thể sàng lọc hết nguy cơ trong cộng đồng, cách ly, điều trị kịp thời các trường hợp mắc Covid-19, sớm trở lại cuộc sống bình thường. Hoạt động này cũng cho thấy thấy sự nỗ lực, cố gắng và trách nhiệm của ngành y tế. Nhân viên y tế không quản khó khăn, vất vả, áp lực để hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ”.

L.HÙNG - P.CHUNG - N.PHÚ

;
;
.
.
.
.
.