Chính trị - Xã hội

Khẩn trương khắc phục mưa lũ, ứng phó mưa lớn và sạt lở đất

15:17, 26/10/2021 (GMT+7)

ĐNO - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu các địa phương tiếp tục động viên, hỗ trợ nhân dân ổn định tâm lý, đời sống sau những trận mưa lũ liên tiếp, sạt lở đất và khẩn trương ứng phó với mưa lớn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: PV
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: P.V

Ngày 26-10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với 9 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và các bộ, ngành để khẩn trương triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ khu vực miền Trung.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị 3 tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên quan tâm bảo đảm an toàn cho người lao động trên các lồng bè, tránh xảy ra trường hợp bị tai nạn.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sẽ có mưa lớn ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Do vậy, các địa phương thuộc các khu vực nêu trên không được chủ quan, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, có biện pháp rà soát, kiểm tra việc sơ tán dân từ các khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn.

Trước nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở đất ở khu vực miền núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục động viên, hỗ trợ bà con ổn định tâm lý và đời sống, nhất là sau nhiều lần di dời, tránh trú thiên tai, để khẩn trương ứng phó với mưa lớn.

Bên cạnh đó, 2 tỉnh Ninh Thuận và Phú Yên cần tận dụng đợt mưa lớn trên diện rộng này để tích trữ nước tối đa cho các hồ chứa nhằm sử dụng cho mùa khô sắp tới, tránh nguy cơ xảy ra hạn hán ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, các tỉnh phía nam Tây Nguyên… quan tâm vấn đề sạt lở đất, nhất là khu vực đã có cảnh báo. Các địa phương cần bố trí người ứng trực để báo động, thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Các địa phương cũng tổ chức ứng trực, khắc phục, thông các tuyến đường bị ngập lụt, sạt lở đất nhanh nhất có thể nhằm bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, nhất là bối cảnh Covid-19.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, hiện tại các tuyến quốc lộ, tuyến đường Hồ Chí Minh và đường sắt Bắc - Nam đã được các đơn vị chức năng thông tuyến. Các tỉnh lộ, huyện lộ cũng đã được khắc phục được các sự cố sạt lở.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 13 giờ ngày 26-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,5 độ vĩ bắc, 110,8 độ kinh đông, cách Khánh Hòa khoảng 196 km, cách Ninh Thuận khoảng 177 km, với sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9.

Dự báo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây với tốc độ khoảng 15 km/giờ rồi đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc với tốc độ từ 10-15 km/giờ, đi vào đất liền khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Từ hôm nay đến hết ngày 27-10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Bình Thuận, phía bắc Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ từ 100-200mm, có nơi hơn 200mm; từ Bình Định đến Ninh Thuận và phía nam Tây Nguyên từ 150-250mm, có nơi hơn 300mm.

Từ ngày 27 đến 30-10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió đông.

HOÀNG HIỆP

.