Phòng, chống Covid-19: Chuyện giờ mới kể - Bài cuối: Những ân tình còn lại

.

Cuối tháng 7-2021, khi bệnh viện dã chiến Khu ký túc xá phía tây thành phố đi vào hoạt động, gần 800 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng cùng các bệnh viện trên địa bàn thành phố xung phong lên tuyến đầu, ngày đêm chăm sóc, điều trị, hỗ trợ, chia sẻ cùng bệnh nhân Covid-19.

Các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến tại Khu ký túc xá phía tây thành phố trực tiếp ra khu vực tiền sảnh để chia tay bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi và xuất viện.Ảnh: LÊ HÙNG
Các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến tại Khu ký túc xá phía tây thành phố trực tiếp ra khu vực tiền sảnh để chia tay bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi và xuất viện. Ảnh: LÊ HÙNG

Giành giật sự sống cho bệnh nhân

Gần 80 ngày qua, những chuyến xe cấp cứu vào, ra liên tục tại địa chỉ 507 Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu). Phía trong bệnh viện, 24 giờ mỗi ngày, những y, bác sĩ, nhân viên y tế khoác đồ bảo hộ kín mít, làm việc không ngừng trong guồng quay thăm khám, điều trị, theo dõi sức khỏe từng bệnh nhân Covid-19. Những bữa ăn vội, những giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của nhân viên y tế diễn ra ngay bên hành lang bệnh viện, chiếu nghỉ cầu thang.

Có thời điểm, bệnh viện phải theo dõi, chăm sóc cùng lúc gần 3.000 bệnh nhân Covid-19. Với số lượng bệnh nhân đông, mỗi bác sĩ điều trị 100-200 bệnh nhân, mỗi điều dưỡng theo dõi, chăm sóc 80-100 bệnh nhân. Mỗi kíp trực phải làm việc liên tục gần 16 tiếng đồng hồ. Không như những đợt dịch trước, bệnh nặng và nguy kịch tập trung ở nhóm bệnh nền, người lớn tuổi; với chủng Delta lần này, bất cứ F0 nào cũng có thể trở nặng và nguy kịch nhanh, kể cả người trẻ, có sức khỏe tốt. Điều này buộc các y, bác sĩ phải theo sát bệnh nhân xuyên suốt cả ngày lẫn đêm.

Bác sĩ Nguyễn Duy Thành (Bệnh viện Đà Nẵng) tâm sự, khi bệnh nhân trở nặng, ê-kip làm việc không còn khái niệm thời gian, cảm giác thiếu ngủ nhiều ngày, sự mệt mỏi của cơ thể lập tức biến mất, tất cả chỉ tập trung chạy đua để hồi sức tích cực, quyết tâm giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Không chỉ làm công tác chuyên môn, những y, bác sĩ nơi đây còn đóng vai trò tư vấn viên, luôn bên cạnh tâm sự, chia sẻ cùng người bệnh. Họ đồng thời còn là bảo mẫu của những đứa trẻ theo cha mẹ mắc Covid-19 vào viện, là người đồng hành với những F0 già yếu. Họ lưu ý suất ăn của từng bệnh nhân, độ mặn nhạt được gia giảm với bệnh nhân huyết áp, tiểu đường, bệnh nhân nào ăn chay, em bé nào chỉ ăn cháo, cụ già nào phải ăn mềm... được nhân viên y tế thuộc nằm lòng để giúp người bệnh vui vẻ ăn hết phần ăn của mình, từ đó nâng cao sức đề kháng, sớm chiến thắng bệnh tật. Có những em bé mới vài tháng tuổi phải theo mẹ vào viện. Các nhân viên y tế lại vui vẻ chăm sóc, bế bồng các con.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thuyền (công tác tại Bệnh viện đa khoa Vinmec Đà Nẵng) cho biết: “Sợ các bé lây Covid-19 từ mẹ, nhân viên y tế tình nguyện thay nhau túc trực 24/24 giờ. Chúng tôi trò chuyện, cho bú bình, thay tã, vỗ về đưa các con vào giấc ngủ. Với chúng tôi, những giây phút này như giúp mình như sạc lại năng lượng để làm việc. Nụ cười, tiếng nói hồn nhiên của trẻ nhỏ thực sự giúp nơi đây bừng sáng giữa lo toan dịch bệnh”.

Đảm nhận vị trí theo dõi, chăm sóc bệnh nhân tại khu vực hồi sức, điều dưỡng Võ Thị Thanh Ân (công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng) thấu hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả của những bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi. Hầu hết bệnh nhân vào khu vực hồi sức, sức khỏe rất yếu, không thể tự chăm sóc bản thân. Vì vậy, nhân viên y tế phân công túc trực 24/24 giờ để theo dõi và hỗ trợ bệnh nhân.

Trong số hàng trăm bệnh nhân mà mình theo dõi và chăm sóc, điều dưỡng Ân nhớ nhất trường hợp bệnh nhân N.T.N (85 tuổi, trú quận Thanh Khê). Bệnh nhân này dương tính SARS-CoV-2, vào viện cuối tháng 8. Trước đó, bệnh nhân bị tai biến, không thể nói và đi lại. Nhân viên y tế phải quan sát, nắm bắt thông tin, ý muốn bệnh nhân N. qua từng cử chỉ, ánh mắt. Có đêm bệnh nhân không ngủ, cứ nằm trằn trọc, nhân viên y tế phải thủ thỉ động viên, an ủi. Cũng có những bệnh nhân khi vào viện luôn cáu gắt, không hợp tác. Hiểu tâm lý bệnh nhân lo lắng, sợ hãi nên nhân viên y tế luôn dỗ dành, động viên, bầu bạn, thậm chí kể chuyện cười. Thấy được tình cảm của y, bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân vui vẻ trở lại và hợp tác điều trị.

Sáng 11-10, chuyến xe cuối cùng đưa bệnh nhân rời khỏi bệnh viện, đội ngũ y, bác sĩ làm việc tại bệnh viện dã chiến Khu ký túc xá phía tây thành phố đều có cảm giác buồn vui lẫn lộn. Vui vì hoàn thành nhiệm vụ mà thành phố giao. Buồn vì phải chia tay những anh chị em từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố tụ họp về, cùng nhau gắn bó để để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Nụ cười sau lớp khẩu trang

Mỗi ngày có từ vài chục đến hơn trăm bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến Khu ký túc xá phía tây thành phố được điều trị khỏi. Có lẽ, khoảnh khắc xuất viện là điều mà cả bệnh nhân lẫn y, bác sĩ nơi đây đều ghi nhớ. Nhiều người bệnh không nói được lời cảm ơn, chỉ nắm mãi tay bác sĩ, điều dưỡng, nụ cười giấu sau lớp khẩu trang mà đôi mắt ậng nước, có người bệnh lại vẽ chân dung ê-kíp nhân viên y tế đã điều trị cho mình như món quà chia tay… Với hầu hết y, bác sĩ, đó là những món quà vô giá, tiếp thêm động lực để họ vượt qua những gian nan, vất vả trong nghề.

Hiểu được sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2, hầu hết bệnh nhân nhập viện đều lo lắng. Thế nhưng, sau vài ngày được các y, bác sĩ túc trực theo dõi, động viên, họ an tâm điều trị. “Khi được các bác sĩ thông báo âm tính với SARS-CoV-2 và chuẩn bị xuất viện, tôi vui mừng và thầm biết ơn sự tận tình của các y, bác sĩ khi không chỉ ngày đêm theo dõi, chăm sóc mà còn luôn theo sát bên cạnh, động viên, chia sẻ từng bệnh nhân. Các y, bác sĩ phải xa gia đình nhiều tháng liền để vào bệnh viện điều trị, giúp đỡ chúng tôi khỏi bệnh. Tôi muốn nhắn nhủ mọi người rằng, nếu không may trở thành F0 thì đừng hoang mang, lo lắng. Chỉ cần tinh thần lạc quan, tự tin cùng với sự nhiệt tình của y, bác sĩ, chúng ta sẽ nhanh chóng khỏi bệnh”, bệnh nhân P.V. B. (trú quận Thanh Khê) chia sẻ.

Sau khi xuất viện trở về nhà, ông N.H.P. (trú quận Hải Châu) viết những lời cảm ơn chân tình gửi đến y, bác sĩ bệnh viện dã chiến số 1. “Tôi rất tiếc lúc rời bệnh viện không gặp được các bác sĩ, điều dưỡng, y tá để nói lời cảm ơn. Tôi cảm kích tinh thần của những thiên thần áo trắng tại bệnh viện dã chiến. Họ đã gác lại niềm vui bên gia đình, sẵn sàng thức trắng đêm để cấp cứu bệnh nhân. Có lẽ trước nỗi lo lắng của bệnh nhân, các y, bác sĩ, nhân viên y tế đã quên đi mình và chấp nhận tất cả để góp phần cùng thành phố chiến thắng dịch bệnh”, ông P. bày tỏ.

Những lời mộc mạc, những tin nhắn chân tình mà bệnh nhân gửi đến y, bác sĩ, nhân viên y tế phần nào nói lên được sự vất vả, tình cảm của lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Trong cuộc chiến chống Covid-19, đôi khi chỉ cần một sự cố gắng, một lời nói, cử chỉ dù rất nhỏ của mỗi người cũng tạo động lực rất lớn cho cả bệnh nhân và y, bác sĩ, nhân viên y tế. Đi qua hoạn nạn, có rất nhiều thứ bị đánh mất nhưng thứ đọng lại cuối cùng và nhân lên theo thời gian chính là những ân tình và nghĩa cử cao đẹp.

Điều trị gần 3.900 bệnh nhân, không có trường hợp tử vong

Gần 3 tháng họat động, bệnh viện dã chiến tại Khu ký túc xá phía tây thành phố tiếp nhận, thu dung, điều trị gần 3.900 bệnh nhân Covid-19, không có trường hợp tử vong. Đây là thành công rất lớn trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn Đà Nẵng.

LÊ HÙNG - PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.