CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHỤ NỮ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ XIV, NHIỆM KỲ 2021-2026

Giám sát bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái

.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố và các cấp hội luôn coi trọng và nâng cao chất lượng vai trò giám sát, phản biện xã hội; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái nhằm góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Đồng thời, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống và xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em; nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

5 năm qua, Hội LHPN các cấp trên địa bàn thành phố chủ trì tổ chức nhiều đợt giám sát với nhiều vấn đề, lĩnh vực khác nhau. Trong đó vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái được các cấp hội đặc biệt quan tâm. Theo đó, tập trung giám sát  về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tuyến phường, xã; hoạt động của nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; việc giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái; thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, trọng tâm là giám sát cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế; chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, trong đó quan tâm giám sát lao động nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ chưa đủ 6 tuổi…

Kết thúc nhiệm kỳ, Hội LHPN các cấp đã giám sát 55 vụ việc về bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em. Riêng Hội LHPN thành phố tổ chức 5 đợt giám sát chuyên đề liên quan phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; các chi hội phụ nữ tại khu dân cư tổ chức giám sát cộng đồng 1.000 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; 3.000 cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống tuyến phường, xã. Qua đó góp phần bảo đảm các vụ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng quy định pháp luật...

Từ thực tiễn giám sát, Hội LHPN thành phố tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 24-4-2020 về xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em; tham mưu UBND thành phố ban hành đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Điều này thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Hội LHPN thành phố trong thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái.   

Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hoàng Thị Thu Hương cho biết: “Các cấp hội sử dụng linh hoạt hình thức giám sát theo đoàn và giám sát cộng đồng. Các nội dung giám sát đều được lựa chọn và cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch, giải pháp. Đặc biệt, cán bộ chuyên trách bám sát cơ sở, tăng cường công tác hỗ trợ nhiệm vụ giám sát, kịp thời phát hiện những vấn đề vướng mắc trong triển khai thực hiện để đề xuất, điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng nhận xét, các nội dung giám sát được Hội LHPN thành phố lựa chọn phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Trong đó, ưu tiên các vấn đề bức xúc, gắn liền với việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của hội viên phụ nữ, trẻ em gái. Sau hoạt động giám sát, Hội LHPN thành phố gửi nhiều kiến nghị đến Trung ương Hội và các cấp, ngành của thành phố. Nhiều ý kiến đề xuất được đánh giá cao, các cấp chính quyền quan tâm phản hồi và nhân dân đồng tình, trở thành kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, quản lý, điều hành.

Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hoàng Thị Thu Hương nhấn mạnh, thời gian đến, các cấp hội chủ động, thống nhất, phối hợp hành động để thực hiện tốt vai trò đại diện của tổ chức hội trong quy trình xây dựng, thực thi, giám sát chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới. Đồng thời, nâng cao năng lực, kỹ năng và bản lĩnh của cán bộ hội trong thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội. Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu, dự báo các vấn đề thiết thân của phụ nữ để xác định, lựa chọn các nội dung, vấn đề giám sát phù hợp quyền và lợi ích hợp pháp của từng nhóm phụ nữ theo từng thời điểm... Phối hợp ngành công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thành phố trong thực hiện công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, trong đó tập trung giám sát hoạt động tư pháp đối với các vụ việc liên quan. Hội Phụ nữ cơ sở, nhất là chi hội phụ nữ ở khu dân cư phối hợp chặt chẽ lực lượng cảnh sát khu vực, tổ hòa giải cơ sở đến tận nhà các hộ dân để hỗ trợ, tư vấn, giúp các gia đình hòa giải, nâng cao nhận thức, hướng đến giảm thiểu các vụ xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

TRÍ DŨNG

;
;
.
.
.
.
.