Độc đáo thiết kế kiến trúc Trung tâm Hành chính quận Hải Châu

.

Phương án kiến trúc của Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng vừa giành giải Nhất cuộc thi “Phương án quy hoạch, kiến trúc Trung tâm Hành chính quận Hải Châu”. Đây là phương án được xem xét triển khai các bước tiếp theo để đầu tư xây dựng.

Phối cảnh thiết kế kiến trúc Trung tâm Hành chính quận Hải Châu. Ảnh: T.T
Phối cảnh thiết kế kiến trúc Trung tâm Hành chính quận Hải Châu. Ảnh: T.T

Táo bạo về tổ chức không gian cảnh quan

Địa điểm quy hoạch Trung tâm Hành chính (TTHC) quận Hải Châu được nghiên cứu quy hoạch, lập thiết kế kiến trúc tại số 270 Trần Phú, phường Phước Ninh, quận Hải Châu. Vị trí khu đất quy hoạch đầu tư xây dựng TTHC quận Hải Châu gần cầu Rồng là giao lộ 2 trục bắc nam (sông Hàn) và đông tây (trục Nguyễn Văn Linh), bán kính công trình gần các công trình thiết chế văn hóa chính trị xã hội và đời sống người dân thành phố.

Nhóm thiết kế của Viện Quy hoạch xây dựng đã nêu ý tưởng đưa công trình hướng về đường Nguyễn Văn Linh và sông Hàn - Cầu Rồng, thay vì tiếp cận từ trục đường một chiều Trần Phú như hiện nay. Bố cục TTHC tạo 3 khối với diện chéo chọn phương vị song song đoạn đường Lê Đình Dương cũ, tạo góc mở công trình trực diện ra nút giao lộ lớn đón hướng nhìn lưu thông từ Cầu Rồng, Công viên APEC và Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Bố cục này cũng vừa khéo tạo góc cân đối cùng tòa nhà Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV8), tạo một khoảng mở - đóng bởi các công trình kiến trúc quy mô trung bình lớn hơn 10 tầng.

Bố cục khối công trình có mật độ xây dựng 37% nằm sát góc tây bắc khu đất tạo khoảng trống tối đa góc đông nam mở rộng không gian tầm nhìn đô thị. Mặt khác dễ ứng xử và linh hoạt tiếp cận giao thông mặt trống cả từ đường Trần Phú và Nguyễn Văn Linh dù phương án nút giao cắt hầm chui hay đèn tín hiệu đều đáp ứng. Về tổ chức giao thông, công trình có 2 lối tiếp cận chính và hai lối lên xuống hầm chia đều cả cho trục Nguyễn Văn Linh và Trần Phú.

Cổng phía đường Nguyễn Văn Linh được xem là cổng chính đón người dân và khách đến làm việc tiếp cận ngay sảnh khu TTHC. Cổng phía đường Trần Phú là cổng mang tính nội bộ tiếp cận sảnh trung tâm tòa nhà phân phối giao thông lên khu khối tháp làm việc cũng như khu phòng họp hội trường. Giữa 2 cổng có giao thông kết nối 2 chiều sân bãi, có bãi đỗ xe tạm, có lối lên xuống 2 cổng hầm và nối với đường an toàn cứu hộ xung quanh.

Việc bố trí 2 miệng hầm 2 góc đầu cuối khu đất nhằm tránh việc tác động cắt xẻ vào các không gian tiếp cận đi bộ ở giữa, dễ dàng thoát xe và khai thác kinh doanh bãi đỗ xe công cộng một cách độc lập với chức năng chính của công trình. Góc cây xanh lớn nhất vẫn tiếp xúc giao lộ Nguyễn Văn Linh và Trần Phú, kết nối không gian xanh và trục đi bộ từ bờ sông Hàn, Công viên APEC, Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Do không tổ chức tường rào cứng, chỉ sử dụng hàng rào bánh xe đóng mở theo giờ và chính sách quản lý nên không gian công cộng có thể đến sát chân công trình tạo việc khai thác các tiểu quảng trường trước các sảnh... Không gian chuyển tiếp các bậc thềm, hành lang rộng và sân đa năng có thể cho phép sử dụng thành các sự kiện văn hóa giải trí cuối tuần, tạo sự hấp dẫn cho đời sống đô thị thêm phong phú.

Tạo điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan

TTHC quận Hải Châu mới là tổ hợp kiến trúc công trình bố cục bao gồm 3 khối công trình tương ứng chức năng với khối hành chính công, khối tháp văn phòng, khối hội trường và phòng họp. Các không gian công cộng sảnh và hành lang đối ngoại, đối nội, giao thông ngang và đứng liên kết liên tục thuận tiện. Tổ hợp chiều cao bao gồm 2 tầng hầm, 2 tầng đế, 1 tầng không gian mở sân vườn, 9 tầng tháp (kể cả tầng thượng kỹ thuật), tổng chiều cao công trình 14 tầng (54m) để đủ tạo dáng phương vị đứng và sự bề thế kiến trúc đồng thời phù hợp với nhu cầu sử dụng tổng diện tích sàn bao gồm 21.963m2 (bao gồm cả 2 tầng hầm để xe).

Khối tòa tháp chọn một hình chữ nhật tạo thêm cạnh các đầu hồi song song các trục đường biến thành hình lục giác bo cong ở các cạnh góc mở để thuận tiện bố trí phòng ốc bên trong. Khi xoay khối chính có cạnh dài về hướng đông nam. Ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, nhẹ nhàng thanh thoát, hướng đến sự gần gũi đối với người dân đô thị đến sinh hoạt làm việc và giao lưu gặp gỡ. Các mảng khối đế lấy cảm hứng từ hình tượng đình làng, nhà dài cộng đồng của kiến trúc dân gian truyền thống chuyển thể trong hình thức kiến trúc hiện đại. Ngôn ngữ kiến trúc chính hiện đại với 3 thủ pháp chính là mảng khối đặc, lam chắn nắng và vách kính...

Thiết kế cũng đưa ra giải pháp chiếu sáng hiện đại bởi công trình có hướng nhìn đẹp trọn vẹn từ bờ sông Hàn và hoàn toàn có thể khai thác làm điểm nhấn cảnh quan về đêm. Việc tổ chức khai thác vẻ đẹp chiếu sáng thẩm mỹ công trình dựa trên cả 2 phương thức chiếu sáng không gian bên trong và chiếu sáng cục bộ mặt ngoài với việc áp dụng cả các loại đèn pha xa, đèn hắt dọc tường (chân tường, đầu tường và viền đèn LED bo khối công trình). Sự kết hợp hài hòa này sẽ giúp công trình sống động về đêm đúng nghĩa tham gia vào đời sống đô thị năng động của quận trung tâm thành phố.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.