Hiệu quả từ mô hình Tiếng trống môi trường

.

Mô hình Tiếng trống môi trường tạo ý thức xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp của giáo viên và học sinh Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Với nỗ lực này, Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh là một trong 18 tập thể đạt giải môi trường thành phố năm 2020 vừa được trao tặng tháng 9 vừa qua.

Những ngày thành phố giãn cách xã hội, điều mà thầy Cáp Phi Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh lo lắng không gì ngoài vườn hoa, luống rau trong sân trường thiếu bàn tay thầy trò chăm sóc. Thầy Hà kể, trước đây, khu đất bên cổng trường trở thành nơi tập kết rác thải của người dân địa phương. Nhằm chấm dứt tình trạng này, mang lại diện mạo mới cho cảnh quan trước trường học, nhà trường giao Đoàn Thanh niên thực hiện phong trào “Biến bãi rác thành vườn hoa”.

Sau khi dọn dẹp sạch sẽ, thầy cô và học sinh nhà trường cùng trồng hoa, chăm sóc mỗi ngày, cứ thế hướng dương, đồng tiền, cúc, mào gà… thay nhau khoe sắc bên cổng trường. Ngoài trồng hoa, những phần đất trống còn được sử dụng để trồng các loại rau sạch như xà lách, cải… và những cây thuốc nam. Vườn rau phục vụ chủ yếu vào các tiết học của môn công nghệ liên quan đến nữ công gia chánh hoặc giúp học sinh tìm hiểu khoa học thường thức.

Em Đỗ Thị Thanh Nga, học sinh nhà trường chia sẻ: “Tự tay tham gia chăm sóc vườn hoa, vườn rau này và sử dụng vào các tiết học, chúng em cảm thấy ý nghĩa lắm. Mô hình tạo nên môi trường học tập thân thiện, mang lại bầu không khí trong lành, làm cho khuôn viên trường đẹp hơn. Bên cạnh đó, học sinh có cơ hội gần với thiên nhiên, cảm nhận được sự trong xanh mà mẹ thiên nhiên mang lại. Từ đó, có ý thức tham gia các hoạt động về môi trường”.

Mục tiêu tạo nên vườn rau sạch của thầy cô Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh còn mang ý nghĩa sâu xa khác. “Chúng tôi hướng đến mục tiêu giáo dục học sinh hiểu giá trị của sức lao động, biết được như thế nào để trồng một cây rau sạch và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Gia đình các em ở vùng nông thôn này trồng rau khá nhiều nên các em có thể trở thành tuyên truyền viên kêu gọi gia đình, người thân hạn chế việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường trên các cánh đồng, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho sức khỏe gia đình và xã hội”, thầy Hà cho biết.

Biến bãi rác thành vườn hoa, vườn rau là một trong nhiều hoạt động của mô hình “Tiếng trống môi trường” nhà trường triển khai từ năm 2018. Hằng tuần vào cuối giờ sinh hoạt lớp, khi có hiệu lệnh 6 tiếng trống, toàn thể cán bộ giáo viên và học sinh tham gia tổng dọn vệ sinh trong và ngoài khuôn viên trường, các lớp học, phòng làm việc… theo vị trí được phân công cụ thể. Sau 15 phút, có hiệu lệnh 1 tiếng trống kết thúc, giáo viên chủ nhiệm sẽ đánh giá, nhận xét hoạt động ngay tại khu vực vừa dọn dẹp. Nhà trường theo dõi kết quả dọn vệ sinh của các lớp để đánh giá thi đua hằng tuần.

Bên cạnh đó, nhà trường còn xây dựng thùng rác “Thân thiện, giúp bạn đến trường”. Theo đó, học sinh thu gom rác thải nhựa, rác tái chế trong trường và nơi cộng cộng bỏ vào thùng rác tái chế, cuối tháng bán gây quỹ hỗ trợ nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang cho rằng, mô hình thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng “trường học xanh”, góp phần thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”. Đến nay, mô hình lan tỏa khắp các trường trên địa bàn huyện Hòa Vang, mỗi đơn vị có cách làm và tên gọi khác nhau như: mô hình “Tiếng nhạc môi trường” tại Trường THCS Trần Quốc Tuấn, “Bài ca môi trường” tại Trường Tiểu học số 2 Hòa Nhơn; các trường như THCS Trần Quang Khải, Tiểu học Hòa Liên 2, Tiểu học Hòa Khương 2… vẫn giữ nguyên tên gọi “Tiếng trống môi trường” và thực hiện rất hiệu quả.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.