Hỗ trợ giải quyết việc làm cho đồng bào Cơ tu

.

Hai xã Hòa Phú và Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) là những địa phương có đồng bào dân tộc Cơ tu sinh sống. Với đặc điểm vùng rừng núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vấn đề hỗ trợ, giải quyết việc làm tạo thu nhập ổn định cho người dân tộc Cơ tu luôn được chính quyền địa phương quan tâm.

Tích cực hỗ trợ, đào tạo nghề

Theo số liệu thống kê của UBND xã Hòa Phú, ở thôn Phú Túc hiện có 136 hộ dân tộc Cơ tu, với 523 nhân khẩu sinh sống. Số người trong độ tuổi lao động là 288, trong đó nam 151 người và nữ 137 người. Với đặc thù vùng rừng núi, người dân sống chủ yếu dựa vào lâm nghiệp, nông nghiệp, mức thu nhập thấp, đời sống bấp bênh. Để giúp đồng bào dân tộc Cơ tu chuyển đổi ngành nghề, có việc làm ổn định, những năm qua, các cơ quan chức năng huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Phú mở nhiều lớp đào tạo nghề như điêu khắc gỗ, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần… hỗ trợ người dân.

Sau khi được UBND xã Hòa Phú tổ chức đi cùng 7 người trong thôn lên Tây Nguyên học nghề nấu rượu cần, năm 2013, ông Lê Văn Nghĩa đầu tư hệ thống máy tự động như: máy rửa trấu, vắt trấu, rửa ché, trộn men… sản xuất đặc sản rượu cần Phú Túc. Trung bình hằng năm, cơ sở rượu cần Phú Túc của ông Nghĩa sản xuất 3.500-4.000 ché rượu cần, với mức lợi nhuận ổn định 70-80 triệu đồng/năm. “Không chỉ duy trì được nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu, nghề nấu rượu cần giúp gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình trong thôn có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo”, ông Nghĩa phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Văn Thông, cán bộ văn hóa - xã hội xã Hòa Phú cho biết, nhằm hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết lao động địa phương, thời gian qua, xã phân loại lao động để có các hình thức hỗ trợ phù hợp như: các nghề truyền thống, điêu khắc, chăn nuôi, làm việc trong các khu du lịch sinh thái… Hầu hết sau khi được hỗ trợ, đào tạo nghề, người dân có thu nhập ổn định, đời sống dần từng bước phát triển tốt hơn.

Xây dựng các mô hình kinh tế bền vững

Được thiên nhiên ưu đãi, địa bàn có sông, núi, khí hậu mát mẻ, những năm qua, người dân tộc Cơ tu sống ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) nhanh chóng thích ứng, bắt tay vào làm du lịch cộng đồng kiếm nguồn thu nhập ổn định. Ông Trần Tiến, cán bộ công tác xã hội xã Hòa Bắc cho biết, để giúp đồng bào dân tộc Cơ tu có nghề nghiệp và mức thu nhập ổn định, UBND xã mở các lớp: nấu ăn, trồng nấm, mây tre đan, trồng trọt, dệt thổ cẩm, điêu khắc gỗ cho hàng trăm lượt thanh niên, phụ nữ Cơ tu để làm việc tại địa phương. Bên cạnh đó, UBND xã cũng kết nối, giúp gần 100 lao động làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, Khu du lịch Bà Nà Hills, mức lương trung bình từ 3,5 triệu đồng/người/tháng…Tính đến nay, trong tổng số 493 người trong độ tuổi lao động, có 403 người có việc làm thường xuyên, ổn định.

Theo ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, địa phương đang hướng đến mục tiêu xây dựng các mô hình kinh tế bền vững để người dân có nguồn thu nhập ổn định. Từ năm 2018, UBND xã thành lập 8 nhóm phục vụ du lịch gồm: cồng chiêng, văn nghệ, ẩm thực, trecking, đan lát, hát lý, dệt thổ cẩm, thuyết minh, với 62 hộ dân tộc Cơ tu tham gia. Tiếp đó, thành lập tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí. Vận động các hộ dân tộc Cơ tu có điều kiện đứng ra xây dựng homestay phục vụ khách du lịch. “Thời gian đến, chúng tôi tiếp tục đào tạo nâng cao tay nghề và giá trị cho sản phẩm dệt thổ cẩm Cơ tu. Phát triển các lễ hội truyền thống của đồng bào nơi đây để làm sản phẩm thu hút khách du lịch. Qua đó, giúp người dân có nguồn thu nhập mang tính bền vững, ổn định”, ông Nam cho biết.

Ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho hay, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Cơ tu luôn được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Để giúp người dân có công việc, nghề nghiệp ổn định, ít bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, UBND xã Hòa Phú đang nỗ lực kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tạo việc làm bền vững cho đồng bào Cơ tu.

PHƯƠNG CHI

;
;
.
.
.
.
.