Khó giải bài toán việc làm cho người sau cai

.

Việc làm ổn định cho những người sau cai lâu nay là bài toán khó, nay thêm ảnh hưởng của Covid-19 càng khó khăn hơn.

Các cán bộ phường, xã tham gia lớp tập huấn về công tác quản lý người sau cai do Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố tổ chức năm 2020. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19)Ảnh: T.V
Các cán bộ phường, xã tham gia lớp tập huấn về công tác quản lý người sau cai do Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố tổ chức năm 2020. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: T.V

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) thành phố, đến ngày 15-9, toàn thành phố có 729 người sau cai được quản lý tại nơi cư trú. Khi Covid-19 chưa bùng phát, công tác tiếp nhận quản lý người sau cai tại địa phương được thực hiện bài bản và chặt chẽ. Khi trở về địa phương, ngoài sự quản lý của gia đình, mỗi người sau cai còn có 4-5 đại diện cán bộ cơ sở như công an khu vực, cán bộ tổ dân phố, Mặt trận, phụ nữ, đoàn thanh niên... kèm cặp, giáo dục.

Ngoài ra, trong thời gian quản lý tại địa phương, lực lượng công an sẽ đột xuất tiến hành test nhanh ma túy, nếu dương tính đối tượng bị đưa trở lại cơ sở cai nghiện tập trung. Tuy nhiên, thời gian qua, các lực lượng này dồn sức cho công tác phòng, chống dịch nên việc theo dõi, giám sát các đối tượng sau cai không thể chặt chẽ như trước đây. Khảo sát của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố từ đầu năm đến nay cho thấy, trong 729 người đang được quản lý sau cai tại nơi cư trú, có 554 người tiến bộ, 102 người chưa tiến bộ, 41 người có nguy cơ tái nghiện, 32 người còn lại mới về địa phương, chưa đủ điều kiện đánh giá.

Là người từng nhiều lần đi cai nghiện và sau lần thứ 4 mới cai nghiện được hoàn toàn, anh N.C.S (trú phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) cho rằng, trong môi trường cai nghiện tập trung tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, mọi hoạt động đều có sự giám sát gắt gao của cán bộ quản lý. Hằng tuần, dưới sự giám sát của các cán bộ quản lý, các học viên phải họp kiểm điểm đánh giá từng người kỹ càng. Đặc biệt, những ai sinh hoạt tốt, thực hiện nghiêm túc các quy định được xem xét để trở về cộng đồng sớm hơn nên mọi người đều cố gắng. Trong khi đó, khi về địa phương không có điều kiện như vậy, “bạn nghiện” lại luôn lôi kéo nên họ rất khó khăn trong vịệc nói không với ma túy.

Trước khi Covid-19 xuất hiện, anh L.T.Q. (trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) làm quản lý một tổ bảo vệ tại một khách sạn. Thế nhưng, khi dịch bùng phát, khách sạn đóng cửa, anh cũng phải nghỉ việc. Thời gian qua, anh Q. cố gắng đi xin việc nhưng vẫn chưa có việc làm. Trong khi đó, sau thời gian cai nghiện trở về, anh L.T.B (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) được địa phương giới thiệu học nghề cắt tóc miễn phí. Nhờ vậy 4 năm qua, anh làm thợ cắt tóc cho một người quen trên đường Ngô Quyền (quận Sơn Trà). Vài tháng nay, thành phố thực hiện giãn cách, anh đành nghỉ việc đến tận bây giờ. Hiện nay, hoạt động cắt tóc đã được mở lại nhưng khách ít nên chủ tiệm chưa gọi anh đi làm lại.

Việc người sau cai gặp khó khăn trong tìm việc làm, ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH cho rằng, đây là vấn đề chung của thị trường lao động hiện nay dưới tác động của Covid-19. Thời gian đến, khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, thị trường lao động sôi động trở lại, hy vọng cơ hội sẽ mở ra với tất cả mọi người, kể cả với người sau cai.

Trước mắt, sở tiến hành tổng hợp danh sách người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện tập trung trên địa bàn thành phố, có thời gian sau cai đủ 5 năm không tái nghiện để trình UBND thành phố xem xét, hỗ trợ theo Nghị quyết 334/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND thành phố.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.