Phòng, chống nguy cơ xâm hại tình dục trên môi trường mạng

.

Trong xu thế phát triển công nghệ số, trẻ em có điều kiện tiếp xúc các nền tảng mạng xã hội từ khá sớm. Ngoài những mặt tích cực, mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, thanh, thiếu niên. Để ngăn ngừa, các ngành chức năng thành phố có nhiều nỗ lực trong việc giúp trẻ em, thanh, thiếu niên, phụ huynh phòng, chống nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng.

Nhiều trẻ em, thanh, thiếu niên được các trường học trang bị kỹ năng, kiến thức phòng, ngừa nguy cơ xâm hại tình dục qua mạng xã hội. (Ảnh mang tính minh họa)Ảnh: N.Đ
Nhiều trẻ em, thanh, thiếu niên được các trường học trang bị kỹ năng, kiến thức phòng, ngừa nguy cơ xâm hại tình dục qua mạng xã hội. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: N.Đ

Nâng cao cảnh giác, phòng ngừa

Làm nghề kinh doanh, buôn bán, chị Đỗ Thị Hải (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) luôn tất bật với công việc. Để tiện cho việc đưa đón con trai đang học lớp 7 tại Trường THCS Tây Sơn cũng như học trực tuyến, chị mua cho con chiếc điện thoại thông minh kèm theo lời dặn dò: “Chỉ dùng vào việc học, không được nói chuyện với người lạ hay truy cập vào các trang web có nội dung độc hại”. Con trai ngoan hiền song chị vẫn luôn theo sát để kiểm soát việc sử dụng điện thoại của con.

Theo chị Hải, ngoài việc gia đình dặn dò, trong quá trình học ở trường, thầy cô cũng dạy về tác hại của mạng xã hội, nhất là tình trạng xâm hại tình dục nên con trai chị rất cảnh giác. Mỗi khi có người lạ kết bạn hay gửi các link xấu, cháu đều từ chối hoặc nhờ chị xóa các đường link. “Sử dụng điện thoại thông minh hơn một năm nay nhưng chưa lần nào cháu vào những trang web xấu hay bị dụ dỗ. Thấy vậy gia đình cũng yên tâm”, chị Hải chia sẻ.

Thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn cho biết, từ năm 2018, nhà trường đưa chương trình giáo dục với các nội dung “Bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng”, trang bị kiến thức, kỹ năng cho giáo viên và học sinh. Thông qua các buổi chào cờ, giờ học ngoại khóa, các em tham gia các cuộc thi được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, ngừa các nguy cơ xâm hại tình dục qua mạng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng lập tổ tư vấn để hỗ trợ, giúp đỡ các em khi chẳng may bị lôi kéo, quấy rầy…

Ở một số trường THPT, học sinh cũng được trang bị các kiến thức để phòng ngừa nguy cơ xâm hại tình dục qua mạng. Em N.T.T, học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng cho hay, trong quá trình học tập tại trường, thầy cô giáo cũng nhiều lần phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa tác hại xấu, nhất là các hành vi lôi kéo, xâm hại tình dục qua môi trường mạng. “Để chủ động phòng ngừa cái xấu, nhất là bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng, các bạn học sinh không nên đưa quá nhiều hình ảnh của mình lên mạng xã hội; đồng thời, tuyệt đối không kết bạn, nói chuyện với những người không quen biết. Đặc biệt, đừng tò mò truy cập vào những trang web có nội dung bậy bạ. Đó là cách tự bảo vệ mình hiệu quả nhất”, T. chia sẻ.

Tạo điều kiện cho trẻ em tiếp cận kiến thức

Năm 2018, Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam triển khai thực hiện dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng” tại thành phố Đà Nẵng. Theo đó, dự án triển khai ở địa bàn 9 phường thuộc các quận Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và 12 trường THPT và THCS. Sau 3 năm thực hiện, có 15.000 trẻ em, thanh, thiếu niên được nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân và bạn bè; được tiếp cận các dịch vụ chất lượng, thân thiện với trẻ về an toàn mạng. Bên cạnh đó, có 8.000 phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên được nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ từ các nguy cơ xâm hại tình dục trên môi trường mạng.

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, dự án triển khai thực hiện ở một số trường trên địa bàn thành phố trong thời gian qua mang lại những hiệu quả tích cực. Học sinh ở những trường được hưởng thụ dự án được bồi dưỡng kiến thức, trang bị các kỹ năng phòng, chống các nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng. Nhờ đó, nhận thức của các em có sự chuyển biến rõ rệt, điều này giúp hạn chế được những chuyện đau lòng có thể xảy ra đối với các em.

Ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) cho biết, theo số liệu thống kê năm 2018, Đà Nẵng có khoảng 233.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có khoảng 60% trẻ em tiểu học và 90% trẻ trung học có tài khoản trên mạng xã hội. Nhằm bảo vệ trẻ em, thanh, thiếu niên tránh những cái xấu, thời gian qua, Sở LĐ,TB&XH tích cực phối hợp các sở, ngành triển khai dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng”, giúp phụ huynh, giáo viên và học sinh có kỹ năng, kiến thức phòng ngừa.

Cũng theo ông Trần Công Nguyên, trên cơ sở tài liệu tuyên truyền, tập huấn, giáo dục kỹ năng của dự án, các ngành chức năng thành phố, UBND các quận, huyện cần nhân rộng cho tất cả trẻ em, thanh, thiếu niên tham gia, giúp các em “miễn dịch” trước nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng. Sở LĐ,TB&XH sẽ đề xuất Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các dự án liên quan đến việc bảo vệ trẻ em.   

NGỌC ĐOAN

;
;
.
.
.
.
.