Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là trụ cột bảo đảm an sinh xã hội

.

Chiều 24-12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020”. Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh dự tại điểm cầu Hà Nội. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì điểm cầu Đà Nẵng; cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết  chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: LÊ HÙNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: LÊ HÙNG

Độ bao phủ BHYT toàn dân tại Đà Nẵng đạt 97,7%

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, sau khi Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật BHXH, Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng kịp thời chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các đoàn thể nghiên cứu, quán triệt; ban hành Chương trình số 26-CTr/TU ngày 28-5-2013 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Đồng thời, chỉ đạo UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 8190/KH-UBND ngày 16-9-2013 về triển khai Chương trình số 26-CTr/TU và nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo công tác thực hiện chính sách về BHXH, BHYT. UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW, tham mưu HĐND thành phố giao kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH cho UBND các quận, huyện; chỉ đạo BHXH thành phố tăng cường triển khai giao dịch hồ sơ điện tử, cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian giao dịch giữa cá nhân, đơn vị với cơ quan BHXH; chỉ đạo Sở Y tế đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh khi sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Năm 2019, toàn thành phố có 256.414 người tham gia BHXH (tăng 41,3% so với năm 2012), đạt tỷ lệ 45,5% lực lượng lao động tham gia BHXH.

Năm 2020, do Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nên toàn thành phố chỉ có 230.605 người tham gia BHXH (giảm 10,06% so với năm 2019), chiếm tỷ lệ 40,25% lực lượng lao động tham gia BHXH. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2020 đạt 213.585 người, tăng 29,94% so với năm 2012; tỷ lệ lực lượng lao động tham gia BHTN đạt 37,31%, vượt so với mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW. “Năm 2020, toàn thành phố có 1.064.103 người tham gia BHYT, độ bao phủ BHYT toàn dân đạt 97,7%, tăng 6,53% so với năm 2012, vượt 17,7% so với mục tiêu phấn đấu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Bên cạnh đó, chất lượng khám , chữa bệnh ngày càng nâng cao, đáp ứng nhu cầu của người dân. Một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa từng bước tạo được uy tín cho người dân thành phố và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nhiều kỹ thuật y tế hiện đại, chuyên sâu được các bệnh viện triển khai thành công, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có BHYT, góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế tăng theo các năm, người dân đồng thuận tham gia BHYT”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết, để tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác BHXH, BHYT trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, ngày 9-2-2021, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ-TU với mục tiêu “Thực hiện có hiệu quả các chính sách BHXH, BHYT, mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, BHYT và tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, hướng đến mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân; mở rộng quyền lợi, nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết đầy đủ, kịp thời, chính xác chế độ BHXH, BHYT cho người tham gia”.

Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, BHXH và BHYT là trụ cột bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT phù hợp mọi đối tượng. Nghiên cứu góp ý, sửa đổi chính sách, pháp luật về BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bảo đảm các nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và bảo đảm bền vững tài chính quỹ BHXH. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ đối với người tham gia BHXH phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, ban hành chế tài, hướng dẫn việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, quản lý nợ BHXH, BHTN, BHYT tồn đọng kéo dài và phương án xử lý thu hồi...; quy định điều kiện hưởng lương hưu, điều kiện hưởng BHXH một lần một cách hợp lý vừa bảo đảm an sinh xã hội cho người dân tham gia BHXH khi đến tuổi nghỉ hưu, vừa thực hiện mục tiêu cân đối quỹ BHXH.

Song song đó, đa dạng sản phẩm dịch vụ BHYT phù hợp với các tầng lớp trong xã hội, điều chỉnh các mức phí, mức hưởng đi đôi với phát triển các dịch vụ BHYT chất lượng cao. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ phù hợp để duy trì và mở rộng đối tượng tham gia BHYT nhằm thực hiện BHYT toàn dân. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT.

Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 16,19 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ bao phủ là 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 13,324 triệu người, tăng 5,05 triệu người so với năm 2012 (tăng 61,7%), đạt 27% lực lượng lao động. Khoảng 88 triệu người tham gia BHYT, chiếm 90,97% dân số, trong đó diện bao phủ tập trung vào các nhóm yếu thế.

Như vậy, Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn đối với công tác BHYT giai đoạn 2012-2020 theo Nghị quyết số 21-NQ/TW. Tuy nhiên, vẫn còn gần 10% dân số chưa tham gia BHYT. Tỷ lệ người dân được ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng BHYT vẫn ở mức cao, với trên 51 triệu người, chiếm 58% tổng số đối tượng.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.