ĐNO - Sáng 28-12, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức tọa đàm “Thành phố Đà Nẵng 25 năm: Thành tựu và triển vọng” nhân kỷ niệm 25 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1-1-1997 - 1-1-2022). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng đồng chủ trì tọa đàm.
Cùng dự tọa đàm có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, lãnh đạo Quân khu 5; lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (bên phải), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên trái) cùng các đại biểu đến dự tọa đàm. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (giữa); Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ hai, bên trái sang); Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết (thứ hai, bên phải sang); Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bên trái) và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng (bên phải) đồng chủ trì tọa đàm. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Thành phố Đà Nẵng luôn nhận sự đồng hành của Trung ương trong quá trình xây dựng và phát triển
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, cách đây 25 năm, ngày 1-1-1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng bước vào một chặng đường phát triển mới.
Trong điều kiện vô vàn khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã không ngừng nỗ lực vượt qua mọi thử thách, vươn lên bằng ý chí và khát vọng phát triển; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương bạn, dốc toàn lực, toàn tâm, toàn ý vào công cuộc kiến thiết, xây dựng thành phố.
Chính trong gian nan, thách thức đó, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Đà Nẵng phát huy truyền thống cách mạng, anh dũng kiên cường, đoàn kết, bản lĩnh, phát huy những thành quả của các thời kỳ trước, luôn nhạy bén với cái mới, dám nghĩ, dám làm, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của thành phố và đã đạt được những thành tựu to lớn, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội.
Với sự phát triển nhanh chóng, ngày 15-7-2003, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 145/2003/QĐ-TTg công nhận thành phố Đà Nẵng là đô thị loại I cấp Quốc gia. Đặc biệt, để giúp Đà Nẵng có những cơ chế đột phá cho sự phát triển lâu dài, bền vững, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu khai mạc tại tọa đàm. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Đây thực sự là vinh dự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, là những dấu mốc lịch sử quan trọng giúp thành phố có những động lực mới, nhanh chóng chuyển mình, phát huy tiềm năng, lợi thế để từng bước vươn lên giữ vai trò là đô thị trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đến nay, quy mô và trình độ nền kinh tế của thành phố thuộc nhóm phát triển của Việt Nam, kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt khoảng 9%/năm. GRDP bình quân đầu người hiện nay gấp hơn 15 lần so với năm 1997; các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao được chú trọng phát triển.
Diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, nhiều dự án mang tính động lực, trọng điểm, quy mô lớn được đầu tư, đưa vào sử dụng. Không gian đô thị được mở rộng gấp hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997.
Từ một thành phố chỉ có 360 đường phố thì hiện nay đã có hơn 2.300 con đường. Nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn, mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng như chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an” đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; đội ngũ cán bộ trưởng thành về nhiều mặt, luôn có ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ và phục vụ nhân dân. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, là điểm đến tin cậy của bạn bè trong nước và quốc tế. Uy tín và vị thế của thành phố ngày càng được khẳng định.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm tòi, sáng tạo, thành phố không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm và đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục các tồn tại, hạn chế với tinh thần cầu thị, phát huy các ưu điểm, vượt qua khó khăn, thách thức.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định, những kết quả đáng tự hào của chặng đường 25 năm qua là công sức của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương.
Thành phố đã có nhiều bài học kinh nghiệm cho sự phát triển, đó là coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu; dám nghĩ, dám làm và quyết tâm khắc phục sai lầm, khuyết điểm để nỗ lực vươn lên; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, luôn kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, đặt lợi ích người dân, Nhà nước lên trên hết, trước hết và phát huy được sức mạnh của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh NGỌC PHÚ |
Thành phố mong muốn nhận nhiều hiến kế, chỉ đạo để hiện thực hóa khát vọng vươn lên
Ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết xác định, thành phố Đà Nẵng giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước; đặt ra kỳ vọng và yêu cầu rất cao đối với thành phố, với mục tiêu: “đến năm 2045, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”, tốc độ tăng bình quân GRDP giai đoạn 2021-2030 trên 12%, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 8.700 USD.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình quốc tế và khu vực đang diễn ra với những thay đổi nhanh chóng, nhất là Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và thành phố.
Trong khi thành phố còn đối mặt với rất nhiều thách thức lớn như tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây đang chững lại, dư địa để phát triển không còn nhiều; quy mô nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh; cơ cấu kinh tế bộc lộ những điểm chưa phù hợp, thể hiện rõ qua tác động của Covid-19.
Ngoài ra, một khó khăn rất lớn đã kéo dài nhiều năm mặc dù thành phố đã có nhiều nỗ lực nhưng chưa thể khắc phục triệt để do vượt thẩm quyền, chính là những vướng mắc trong việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng trên địa bàn thành phố.
Vì vậy, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, việc tổ chức tọa đàm hôm nay là một trong những cơ hội để thành phố lắng nghe ý kiến, hiến kế của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học, các vị khách quý.
Đặc biệt là ý kiến định hướng, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển, vươn lên, đưa thành phố hướng tới đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, đẳng cấp khu vực và quốc tế như yêu cầu của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) đã đề ra.
Hướng đến các mục tiêu lớn đặt ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII)
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, sau 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ và chính quyền thành phố có được nhiều bài học quý giá trong việc hoạch định phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ thành phố và hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền.
Kinh tế thành phố phát triển toàn diện và đạt được tốc độ tăng trưởng khá, nhất là giai đoạn 1997-2020, GRDP tăng nhanh và liên tục với tốc độ tăng bình quân 8,9%/năm. Cơ cấu ngành kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, đúng định hướng, trong đó, khu vực dịch vụ dẫn đầu cả về tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như: du lịch thương mại, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải - kho bãi, tài chính - ngân hàng.
Song song đó, thành phố đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, làm cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của thành phố; chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực quan trọng như tài chính, đất đai và nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu đề dẫn tọa đàm. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, thành phố đang hướng đến các mục tiêu lớn đặt ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong bối cảnh đó, tại buổi tọa đàm này, thành phố mong muốn nhận được sự góp ý, chia sẻ, trao đổi, thảo luận của các đại biểu nhằm làm rõ hơn những thành tựu, kết quả đạt được trong 25 năm qua và gợi mở những định hướng, giải pháp xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.
Trong đó tập trung một số nội dung chính về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố ngang tầm nhiệm vụ; cách thức tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 119/2020NQ/QH14.
Đồng thời nghiên cứu cơ cấu lại nền kinh tế hài hòa, cân đối, phát huy tiềm năng, sự khác biệt của địa phương, phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, sản xuất bền vững, phát triển công nghiệp công nghệ cao và tìm ra động lực mới cho sự phát triển.
Tiếp tục quy hoạch, quản lý quy hoạch, bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai; chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển các lĩnh vực mũi nhọn; giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, phấn đấu đưa thành phố trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.
NGỌC PHÚ - LAM PHƯƠNG