Những năm qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố tập trung tuyên truyền, huấn luyện và xây dựng các điểm sơ cấp cứu tại cộng đồng, góp phần giảm nhẹ hậu quả tai nạn, giành lại sự sống cho nhiều người.
Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức diễn tập sơ cấp cứu, góp phần nâng cao khả năng cấp cứu tại cơ sở. (Ảnh: Hội Chữ thập đỏ thành phố cung cấp, chụp thời điểm không có Covid-19) |
Điểm sơ cấp cứu thuộc Hội CTĐ (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) được cấp phép hoạt động từ tháng 3-2020. Tuy nhiên, những tình nguyện viên tại đây đều có “thâm niên” cứu người hơn 10 năm. Ông Đặng Thanh Kinh, tình nguyện viên điểm sơ cấp cứu này chia sẻ, hành nghề xe ôm nhiều năm qua, ông hay đón khách tại địa chỉ 61 Nguyễn Văn Cừ (phường Hòa Hiệp Bắc).
Đây là địa điểm ngay bên đường quốc lộ, nhiều phương tiện lưu thông, gần kề các khu công nghiệp, khu vực các trường cao đẳng, đại học… nên thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. “Hằng ngày, chứng kiến người bị tai nạn không được sơ cứu kịp thời và đúng cách để lại hậu quả đáng tiếc, bản thân tôi và các tình nguyện viên khác đã dành thời gian tìm hiểu, tham gia vào các hoạt động của hội, tham dự các khóa đào tạo sơ cấp cứu để trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết trở thành tình nguyện viên sơ cấp cứu CTĐ”, ông Kinh trải lòng.
Cứ thế suốt 16 năm qua, ông Kinh sơ cứu cho nhiều trường hợp nạn nhân bị tai nạn. Ông luôn mang theo người chiếc túi nhỏ với đầy đủ thuốc men, dụng cụ sơ cứu. Cũng theo ông Kinh, điểm sơ cấp cứu ra đời tại 61 Nguyễn Văn Cừ được trang bị tủ đựng dụng cụ thuốc men, cáng, đèn chiếu sáng…; hỗ trợ nhiều cho các tình nguyện viên sơ cứu cho những người không may bị nạn trong quá trình tham gia giao thông. Đây chỉ là một trong số 24 điểm sơ cấp cứu CTĐ do Hội CTĐ thành phố thành lập và được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động tại tất cả các quận, huyện. Hằng năm, các điểm sơ cấp cứu này tích cực tham gia sơ cứu, vận chuyển an toàn nạn nhân đến cơ sở y tế để giảm thiểu thương tích và tử vong.
Nhằm tăng cường kỹ năng, kiến thức về sơ cấp cứu, nhiệm kỳ qua, Hội CTĐ tổ chức 550 lớp tập huấn trang bị kỹ năng sơ cấp cứu cho 16.540 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ, giáo viên, lái xe, công nhân tại các doanh nghiệp. Nhờ đó, đến năm 2021, dân số Ðà Nẵng được phổ biến, hướng dẫn, tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu đạt 8,4% (vượt 0,4% chỉ tiêu nhiệm kỳ).
Nổi bật là việc UBND thành phố ban hành Quyết định số 758/QĐ-UBND phê duyệt đề án huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non trên địa bàn thành phố từ năm 2019-2021. Theo đó, 100% giáo viên mầm non được đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu CTĐ theo quy định của Bộ Y tế (4.462 giáo viên). Các hoạt động sơ cấp cứu CTĐ trong trường học được tổ chức sôi nổi, hiệu quả thông qua các hoạt động ngoại khóa, hội thi cho học sinh các cấp học phổ thông... thu hút gần 80.000 lượt học sinh tham gia.
Thời gian tới, để tăng cường kỹ năng sơ cấp cứu trong cộng đồng, Hội CTĐ thành phố hướng đến xây dựng, củng cố, đào tạo, tập huấn, tăng cường quản lý và phát huy hiệu quả đội ngũ tình nguyện viên, hướng dẫn viên, tập huấn viên sơ cấp cứu của hội.
Đồng thời, mở rộng các hoạt động huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu vì mục tiêu nhân đạo theo nhu cầu người dân (nhân sự làm việc trong các doanh nghiệp, học viên tại các cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên, sinh viên trong các trường học, người dân tại cộng đồng...); tham mưu lãnh đạo thành phố phê duyệt đề án Huấn luyện sơ cấp cứu CTĐ cho đội ngũ giáo viên tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố; củng cố, chuẩn hóa và phát triển bền vững các trạm, điểm sơ cấp cứu CTĐ tại cộng đồng, nhất là ở địa bàn hay xảy ra tai nạn giao thông, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai…
Một số chỉ tiêu cụ thể của Hội CTĐ thành phố trong nhiệm kỳ đến:
Phấn đấu từ 10% dân số được trang bị kiến thức về phòng tránh tai nạn, thương tích và sơ cấp cứu; 100% các cấp hội xây dựng và chuẩn hóa đội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên, tình nguyện viên sơ cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế... |
NGỌC HÀ