Công tác cải cách hành chính (CCHC) trong chặng đường 25 năm phát triển của thành phố đạt những thành tựu đáng tự hào. Để thúc đẩy CCHC trong giai đoạn đến, mới đây, thành phố ban hành kế hoạch tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Công tác cải cách hành chính của thành phố nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Người dân giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: TRỌNG HUY |
Điểm sáng cơ chế “Một cửa”
Giai đoạn 2001-2010, công tác CCHC nhận được sự quan tâm chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt, kiên trì của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và toàn dân. Kết quả cho thấy, chính quyền thành phố thường xuyên tiến hành rà soát, hệ thống hóa các quy định về thủ tục hành chính (TTHC) để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ làm, thuận lợi nhất cho người dân, giảm từ 1/3 đến 1/2 thời gian giải quyết các dịch vụ hành chính công trên tất cả các lĩnh vực. Từ năm 2001, cơ chế “Một cửa” được thực hiện đồng bộ ở cả ba cấp: thành phố, quận, huyện và phường, xã. Cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” trở thành điểm sáng nhất sau 10 năm thực hiện công tác CCHC.
Đặc biệt, thành phố triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cung ứng dịch vụ hành chính công và bước đi đầu tiên triển khai tại chính quyền cơ sở, qua đó 100% phường, xã được cài đặt và sử dụng phần mềm “Một cửa điện tử” để quản lý hồ sơ “Một cửa”, “Một cửa liên thông”; kết hợp với trang www.motcua.danang.gov.vn - hiển thị tình hình tiếp nhận, xử lý hồ sơ; phục vụ tra cứu TTHC và tình trạng giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân.
Trong giai đoạn đầu (2001-2010), vấn đề hiện đại hóa nền hành chính, hạ tầng CNTT của các cơ quan hành chính Nhà nước đã được quan tâm đầu tư thường xuyên. Số lượng máy tính tại các sở, ban, ngành, quận, huyện đạt tỷ lệ 1,23 máy/cán bộ công chức. Mạng trục thành phố được thiết lập bằng mạng truyền số liệu chuyên dùng, triển khai đến 100% sở, ngành, quận, huyện.
Đến năm 2010, 100% các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện thiết lập trang thông tin điện tử; trong đó có 22/27 website triển khai 77 dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức 3 và mức 4 (81,5% cơ quan hành chính) phục vụ người dân, doanh nghiệp. Những kết quả đạt được trong công tác CCHC giai đoạn 2001-2010 tạo cơ sở, nền móng vững chắc cho chính quyền thành phố thực hiện tốt các bước đi tiếp theo trong giai đoạn 2011-2020.
Đồ họa: MAI ANH |
Hiện đại hóa nền hành chính
Cải cách TTHC được xác định là một khâu trọng tâm, đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân.
Ngày 11-12-2020, tại hội nghị tổng kết công tác CCHC Nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2020, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đánh giá, thành phố đã hoàn thành 100% (19/19) mục tiêu so với kế hoạch đề ra, trong đó có các mục tiêu khó như tăng số lượng dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử, mở rộng cơ chế liên thông, liên kết; chất lượng giải quyết TTHC được nâng cao; lề lối làm việc được cải tiến, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên; công tác ứng dụng CNTT được triển khai một cách đồng bộ từ chính quyền thành phố đến chính quyền cơ sở, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến thành phố thông minh, nổi bật là hệ thống “Một cửa điện tử” hiện đại tại 100% UBND quận, huyện, UBND phường, xã, Trung tâm hành chính thành phố…
Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng chia sẻ, giai đoạn 2011-2020, với việc ứng dụng CNTT, công tác chỉ đạo điều hành về CCHC tại thành phố được hỗ trợ bởi một công cụ hiệu quả là phần mềm trực tuyến theo dõi công tác CCHC tại địa chỉ http://cchc.danang.gov.vn với nhiều tiện ích và tính năng hiện đại. Cụ thể, lập và quản trị kế hoạch, báo cáo trực tuyến, khảo sát trực tuyến, đánh giá bộ chỉ số CCHC. “Không chỉ quyết liệt, sâu sát trong công tác chỉ đạo, điều hành, thành phố còn triển khai nhiều sáng kiến, cách làm mới đột phá trong công tác CCHC”, ông Đồng nói.
Theo đó, thành phố đã xây dựng mô hình “Một cửa hiện đại” tại các quận, huyện, 56/56 phường, xã, hoàn thành từ năm 2016. Mô hình “Một cửa điện tử” tập trung từ năm 2014 tại Trung tâm Hành chính thành phố. Đây là mô hình tiếp nhận và giải quyết TTHC cho công dân, tổ chức theo cơ chế “Một cửa” với hệ thống trang thiết bị điện tử hiện đại, hệ thống phần mềm “Một cửa điện tử” tập trung. Sự ra đời của các mô hình trên là tiền đề cho mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công của các tỉnh, thành phố khác sau này.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch cho biết, hiện đại hóa nền hành chính có thể được xem là điểm sáng nhất trong công tác CCHC của thành phố giai đoạn 2011 - 2020, thể hiện qua việc thành phố 10 năm liên tục đứng đầu về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Từ chỗ hạ tầng kỹ thuật còn sơ khai, phần mềm, ứng dụng còn manh mún, đầu tư dàn trải, thành phố đã cơ bản xây dựng thành công các thành tố chính của chính phủ điện tử gồm Trung tâm dữ liệu, mạng đô thị (MAN); hệ thống kết nối không dây công cộng có 430 trạm thu phát sóng chuyên dụng phủ tại các cơ quan hành chính và các địa điểm công cộng; hệ thống thông tin chính quyền điện tử; Cổng dịch vụ công và 400 phần mềm, ứng dụng tại các cơ quan, đơn vị phục vụ cho quản lý Nhà nước.
Theo ông Thạch, đến nay thành phố đã cấp 100% chữ ký số cho 2.805 cán bộ, công chức; 100% các cơ quan, đơn vị thuộc khối chính quyền được cài đặt, sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành với tổng cộng 892.998 lượt văn bản đến và 379.997 lượt văn bản đi được nhập trên phần mềm; 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp tài khoản hộp thư điện tử công vụ, công tác xử lý hồ sơ công việc qua môi trường mạng đạt tỷ lệ 90% chung toàn thành phố…
Hiện nay, thành phố đề ra mục tiêu CCHC giai đoạn 2021-2030 bao gồm cải cách thể chế bảo đảm phù hợp với mô hình quản lý của chính quyền đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh phân cấp quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng cải cách chính sách tài chính để nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, trong đó nhấn mạnh, 100% hồ sơ công việc tại các cơ quan sở, ngành, UBND quận, huyện và UBND xã, phường được xử lý trên môi trường mạng, trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.
Giai đoạn 2011-2020, từ sáng kiến “3 hơn” trong CCHC, có 899 thủ tục được thực hiện nhanh hơn với tổng số gần 400.000 hồ sơ giao dịch hành chính, rút ngắn 300.000 ngày làm việc trên tổng số hồ sơ. 105 TTHC được thực hiện hợp lý hơn, 68 nội dung thuộc thủ tục nội bộ được đăng ký hợp lý góp phần giảm chi phí hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. 185 giải pháp thực hiện tiêu chí thân thiện hơn được tiến hành tại các đơn vị. |
TRỌNG HUY