Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Mai Phước Liệu, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng đã đi xa nhưng đồng đội vẫn như thấy ông hiển hiện tràn đầy năng lượng, đặc biệt trong những ngày lễ lớn của đất nước, kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12)...
Đại tá Mai Phước Liệu (thứ ba, phải sang) thăm Nhà truyền thống Sư đoàn 315. Ảnh: H.V |
Tuổi thơ cầm súng
Qua lời kể của chính Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mai Phước Liệu và những đồng đội của ông mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, câu chuyện cuộc đời, sự nghiệp của người anh hùng đất Quảng Mai Phước Liệu như một cuốn phim đầy màu sắc oai hùng.
Tuổi thơ của hai anh em Mai Phước Liệu là những tháng ngày xa vòng tay cha mẹ ở xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Cha đi tập kết ra Bắc lúc cậu 4 tuổi, 5 năm sau, mẹ làm cán bộ phụ nữ xã cũng bị địch bắt vào chốn lao tù, hai anh em chia nhau ở bên ngoại và nội. Tấm gương can trường, gan góc của ông ngoại có 5 con trai đi bộ đội và 5 người con rể tập kết luôn đương đầu với hiểm nguy, từ bao giờ đã đi sâu vào tiềm thức của cậu bé Liệu.
Ở tuổi 13, nhưng vóc dáng nhỏ con, trông cậu vẫn còn bé lắm. Vậy mà Liệu đã cùng với bà con trong xóm chặn đoàn xe thiết giáp không cho chúng băng qua đám mía, nơi có 8 thương binh của ta đang trú ẩn. Làm đội trưởng đội thiếu niên tiền phong, thấy du kích thiếu vũ khí đánh địch, Liệu cùng với các thiếu niên của làng đi lấy súng đạn của lính Tiểu đoàn 39 Biệt động quân đóng ở Bồ Bồ.
Thấy lũ con nít dễ thương, lém lỉnh, bọn địch cho phép chơi đến tối, cho cả kẹo bánh và giúp chúng dọn vỏ lon, hộp vứt bừa bãi. Khi bọn chúng ăn uống no say, mất cảnh giác, Liệu phân công 2 bạn ở lại giữ chân địch, còn mình cùng một bạn khác vào kho lấy cắp 20 quả lựu đạn và 2 khẩu súng các-bin. Một tuần êm êm, không thấy bọn chúng dò xét, Liệu và đồng đội lại vào đồn. Bị bắt, cậu tìm cách thoát được, lấy thêm 2 quả lựu đạn móc ở thắt lưng của chúng.
Tháng 6-1965, Mỹ đổ quân ở núi Bồ Bồ, tàn phá xóm làng. Phát hiện thấy đạn pháo chúng bắn thường hay bị thối, Liệu bàn với chú mình tháo lấy thuốc làm mìn tự tạo đánh địch. Lần đầu tiên, hai chú cháu đem mìn đi gài đánh thử trên đường 100 làm cho xe GMC chở 40 tên Mỹ cháy trụi. Thấy hiệu quả, Liệu và chú về nhồi 6 quả, mỗi quả 10kg và làm bộ kích nổ quay bằng tay chờ thời cơ đánh địch. Mấy tiếng nổ lớn làm rung chuyển núi Bồ Bồ, 2 xe đi đầu bị hất tung lên không, 2 chiếc GMC tiếp sau cũng bị lật nhào, lửa khói ngút trời.
Tháng 10-1966, Mai Phước Liệu cùng tổ du kích thôn bắn rơi 2 máy bay trực thăng địch tại thôn La Trung và thôn Tây, diệt 20 tên Mỹ. Một tháng sau đó, ông dùng súng Garant M2 bắn cháy chiếc H134 chở quân, 8 chiếc còn lại quay đầu bay thẳng, trận càn của địch bị thất bại. Chưa đầy 17 tuổi, Mai Phước Liệu đã được nhận 2 Huân chương Chiến công hạng Hai và hạng Ba, là dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú.
Theo khúc quân hành
Anh hùng Mai Phước Liệu từng kể về trận đánh vào quận lỵ Điện Bàn đầu xuân Mậu Thân (năm 1968) với cả niềm tự hào và day dứt. Một giờ sáng mồng Một Tết, đơn vị nổ súng nhưng hỏa lực địch quá mạnh nên đội hình ta không tiến lên được, số thương vong mỗi lúc thêm tăng. Đại liên địch từ lô cốt bắn điên cuồng, từ trinh sát ông được cử qua làm trung đội trưởng bộ binh thuộc Đại đội 1, Huyện đội Điện Bàn. Tình huống nguy cấp, bất chấp hiểm nguy, Liệu chộp khẩu B40 của một đồng chí vừa hy sinh, lợi dụng địa vật xông lên nã cấp tập làm sập 2 lô cốt đầu cầu, hai tiếng nổ lớn xé toang màn đêm, ụ súng địch ở lô cốt câm lặng. Ngay sau đó, Đại đội trưởng Nguyễn Đức Hiền chỉ huy bộ đội xung phong đánh thẳng vào hướng bắc và tây bắc.
Cuối năm 1968, Mai Phước Liệu được cùng đoàn dũng sĩ và cán bộ mang mật danh “cậu Vũ” ra Bắc học tập. Học ở trường văn hóa quân đội, một buổi sáng đầu năm 1969, ông cùng các anh hùng, dũng sĩ hơn 20 người được xe Tổng cục Chính trị chở vào Phủ Chủ tịch thăm Bác Hồ. Cùng với Bác, có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Vũ Kỳ đón đoàn. Tiếc là ông không còn giữ được tấm ảnh chụp chung ấy. Bác ân cần động viên thăm hỏi từng người. Đến lượt Liệu, khi biết ở Điện Bàn, Bác bảo: “Quê cháu có gương chị Lý, anh Trỗi anh hùng lắm. Nguyện vọng của cháu lúc này là gì?”. “Cháu sẽ học tập thật tốt, trở về giải phóng quê hương”. Nghe vậy, Bác ôm đầu Liệu và rơm rớm nước mắt nói: “Các cháu cố gắng để Bác sớm vào miền Nam”. Bữa cơm chiều hôm ấy đạm bạc mà ấm áp lạ thường. Nhớ mãi món nhút mà Bác gắp cho, chàng trai Điện Thọ “cãi” với Bác: “Quê cháu gọi là mít”. Bác hỏi vui: “Giải phóng quân trong đó có ăn đũa hai đầu không?” - “Có ạ”. “Vì sao?” - “Để sạch sẽ cho mình và cho đồng đội ạ!”. Đó là giây phút thiêng liêng, dấu ấn sâu sắc của cuộc đời mà ông Liệu không thể nào quên.
Sau khi tốt nghiệp Trường sĩ quan Lục quân, ông học tiếp Học viện Chính trị, đến năm 1972 thì vào chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị trên cương vị Chính trị viên đại đội, Trung đoàn 48 (Thạch Hãn), Sư đoàn 320 B, Quân đoàn 1. Suốt 81 ngày đêm bám trụ Thành cổ với 3 lần bị thương, ông vẫn không rời trận địa. Sau này ông kể: “Không chỉ riêng tôi mà những chàng trai Quảng Nam - Đà Nẵng đã vào Thành cổ thì luôn giữ vững tinh thần quả cảm, gan dạ và thông minh, sáng tạo. Những dũng sĩ, anh hùng chỉ huy gan dạ xuất sắc ngày ấy có thể kể như: Phạm Minh Tâm, Trần Minh Vân, Ngô Văn Tĩnh, Trần Minh Hùng, Nguyễn Đình Kỳ, Trần Minh Thiệt, Nguyễn Đức Hiền, Phạm Tấn Bà, Võ Như Thắng…”.
Cuối tháng 12-1972, trên đường công tác về Trung đoàn bộ, bất ngờ ông gặp tốp 3 chiếc máy bay đang bổ nhào, cắt bom xuống làng Lương Kim An. Mai Phước Liệu nhanh trí mượn súng M60 của tổ du kích bắn liền 2 loạt làm chiếc máy bay F4 bốc cháy rơi ngay trước Sở chỉ huy Trung đoàn 48. Ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng khẩu súng K59 khi vào thăm Quảng Trị 1973. Kỷ vật này về sau ông tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Quân khu 5.
Năm 1982, nhiệm vụ quốc tế lại gọi những người lính như ông. Tiếp tục khúc quân hành, ông có mặt ở chiến trường K với cương vị Phó Sư đoàn trưởng về chính trị Sư đoàn 315 (Quân khu 5) trong những năm tháng ác liệt nhất. Kinh nghiệm tác chiến thời trai trẻ giúp ông nhiều trong chỉ huy đơn vị truy quét tàn quân Pol Pot, được cán bộ chiến sĩ rất quý mến.
Về hưu, ông tham gia nhiều Ban liên lạc truyền thống. Gắn bó nhiều nhất là Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam quận Thanh Khê, tham gia giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Cách đây 14 năm, Đại tá Mai Phước Liệu đã chỉ cho cơ quan chức năng quy tập 23 hài cốt liệt sĩ khi đánh quận lỵ Điện Bàn. Vẫn còn nhiều dự định, hành trình và những chuyến đi sau Covid-19, nhưng người anh hùng xứ Quảng đã ra đi mãi mãi…
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mai Phước Liệu (1950-2021), nguyên quán: xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; trú quán: phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng; nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì, Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Cách mạng Tháng Mười Nga; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. |
"Những chàng trai mười tám, đôi mươi Thành cổ năm nào nay đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Nhưng dù ở đâu, làm gì, chúng tôi cũng luôn nhắc nhở mình là những cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị anh hùng đã góp xương máu trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Hằng năm, những cựu chiến binh Thành cổ thường gặp nhau ôn lại kỷ niệm một thời máu lửa oai hùng. Rồi những chuyến xe đi về lại chiến trường xưa với bao xúc động nghẹn ngào. Mỗi khi đứng bên dòng sông Thạch Hãn, chúng tôi lại nghe xa vang vọng những câu thơ da diết… Đò xuôi Thạch Hãn… xin chèo nhẹ!...” (Trích bài viết “Những người con đất Quảng trên Thành cổ Quảng Trị”, đăng Báo Đà Nẵng ngày 11-11-2013 của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mai Phước Liệu) |
HỒNG VÂN