Lan tỏa nhiều mô hình hay

.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, quận Cẩm Lệ triển khai nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.

9 gian hàng với tên gọi “thừa cho - thiếu nhận” được Hội Liên hiệp Phụ nữ các phường thuộc quận Cẩm Lệ triển khai và phát huy hiệu quả nhiều năm qua. Gian hàng nằm trên đường Bùi Hiển những ngày nắng đẹp luôn đầy ắp quần áo và đa số còn mới. Người đến nhận chủ yếu là lao động tự do, hoàn cảnh khó khăn. Bà Hạnh - một người nhặt ve chai thỉnh thoảng ghé đến gian hàng chọn cho mình một bộ ưng ý.

“Tuy không như áo quần mới mua nhưng những bộ áo quần tại gian hàng này sạch sẽ, tươm tất. Với những người khá giả thì đây là cũ nhưng những người lao động như chúng tôi thì đó là áo quần mới. Tôi thấy những người đem áo quần đến cho rất có tâm, ủi, xếp gọn gàng”, bà Hạnh chia sẻ.

Hằng tháng, gia đình chị Hà Nhiên (ngụ đường Tôn Đản, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) đều soạn tủ lựa những bộ quần áo không dùng nữa, sau đó sắp xếp cẩn thận mang ra các gian hàng “thừa cho - thiếu nhận”. Chị Nhiên cho biết, chị hay sắm đồ mới cho các thành viên trong gia đình nên áo quần lựa ra chị xếp, ủi cẩn thận trước khi mang cho người cần nhận.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Cẩm Lệ Ngô Thị Thùy Trang, sau 5 năm triển khai quầy hàng “thừa cho - thiếu nhận”, toàn quận đã có 9 gian hàng, tiếp nhận 23.320 bộ quần áo trẻ em, người lớn và hơn 2.000 vật dụng gia đình và có gần 3.000 lượt người đến nhận. “Đây là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, chia sẻ phần nào khó khăn cho những người đang còn thiếu thốn trong xã hội”, bà Trang nói.

Bà Lưu Bích Nga, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư số 2, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ cho biết, là khu dân cư có nhiều hộ nghèo, bà phối hợp với các chi hội trong khu dân cư vận động nhà hảo tâm hỗ trợ sinh kế và tạo nguồn vốn vay để các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ được nhận hỗ trợ bày tỏ cảm kích, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, năm 2020, nhiều người dân trong khu dân cư tham gia tổ dịch vụ ăn uống.

Bà Nga tham mưu, đề xuất Mặt trận phường kiến nghị cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ bạt che (mỗi bạt 2 triệu đồng) cho 8 hộ nghèo phát triển dịch vụ này. Bên cạnh đó, từ khi Covid-19 xuất hiện tại Đà Nẵng đến nay, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội, bằng nhiều hình thức, bà Nga kêu gọi được hàng trăm suất quà hỗ trợ cho người dân. Đến nay, khu dân cư số 2 chỉ còn 15 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo/hơn 800 hộ.

Cũng giống bà Nga, ông Lê Quý Hiệu, Tổ trưởng tổ dân phố số 36, khu dân cư số 12, phường Hòa An là đảng viên đương chức, ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ ở nơi làm việc, ông dành nhiều thời gian hỗ trợ địa phương. Nhận thấy trong tổ còn nhiều hộ nghèo, ông tích cực vận động người dân, nhà hảo tâm giúp họ vượt qua khó khăn.

“Tổ dân phố hằng năm hỗ trợ hàng chục triệu đồng cho các gia đình hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, tôi tích cực phối hợp Cảnh sát khu vực giáo dục những trường hợp thanh thiếu niên chưa ngoan tiến bộ, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở khu dân cư”, ông Hiệu chia sẻ.

Bí thư Quận ủy Cẩm Lệ Phan Thị Thúy Linh cho biết, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, các địa phương, đơn vị triển khai phong trào thi đua và có nhiều cách làm theo với nhiều mô hình hay, được đảng viên và nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần thực hiện tốt chuyên môn nhiệm vụ, nhất là công tác giảm nghèo.

Đơn cử như Đảng ủy phường Hòa Xuân với các mô hình “Vì phụ nữ nghèo”, “Cựu chiến binh tích cực vì cộng đồng”, “Mỗi năm một công trình ý nghĩa”; Đảng ủy phường Hòa An với mô hình “4 quản, 2 xây”, “Câu lạc bộ giúp nhau cùng tiến”; Đảng ủy phường Hòa Phát có mô hình “3 hơn, 3 cần”, “Hũ gạo tiết kiệm của Bác”; Đảng ủy phường Hòa Thọ Đông có mô hình “Quầy hàng miễn phí cho người nghèo”, “Khởi nghiệp trong thanh niên”; Đảng ủy phường Hòa Thọ Tây với mô hình “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Đan lưới”; Đảng ủy phường Khuê Trung có mô hình “Chìa khóa an ninh”, “Địa chỉ nhân đạo”.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.