Bảo vệ môi trường là nền tảng xây dựng huyện môi trường. Đây cũng là mục tiêu mà huyện Hòa Vang hướng đến nhằm xây dựng và phát triển huyện có bản sắc riêng, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Huyện Hòa Vang huy động các tầng lớp nhân dân chung tay xây dựng, bảo vệ môi trường. TRONG ẢNH: Tuyến đường kiểu mẫu nông thôn mới tại thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước. Ảnh: T.TÌNH |
Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, UBND huyện Hòa Vang tập trung công tác quản lý Nhà nước, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý và bảo vệ môi trường trong tình hình mới.
Tuyến đường kiểu mẫu nông thôn mới
Chúng tôi đến thôn Quá Giáng 1, xã Hòa Phước khi tuyến đường kiểu mẫu nông thôn mới vừa hoàn thành. Hai bên tuyến đường, hàng chục cây Hoàng lộc được người dân trồng đã bén rễ, xanh tốt. Ông Đinh Viết Đức, Trưởng thôn Quá Giáng 1 cho hay, từ khi hình thành tuyến đường kiểu mẫu nông thôn mới, diện mạo thôn, xã đổi thay từng ngày.
“Tuyến đường hình thành từ đầu năm nay với chiều dài khoảng 500m. Trên tuyến đường này, UBND xã hỗ trợ 75 cây Hoàng lộc, 130 cây Hoàng yến, sắp tới sẽ hỗ trợ thêm 25 pa-nô tuyên truyền về môi trường. Từ khi đường sá mở rộng, những hàng cây trồng lên, bà con rất phấn khởi, tranh thủ những ngày chủ nhật ra tưới nước, chăm sóc để cây lên xanh tốt”, ông Đức bày tỏ.
Thôn Quá Giáng 1 hiện có 349 hộ dân với hơn 1.160 nhân khẩu. Trước khi tuyến đường kiểu mẫu nông thôn mới hình thành, hai bên đường rậm rạp cây cỏ, mặt đường nhỏ hẹp, thi thoảng người dân vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Từ khi tuyến đường hình thành, người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, ai cũng thấy mình cần có trách nhiệm gìn giữ môi trường sống.
Từ thôn Quá Giáng 1, chúng tôi theo đường bê-tông đến thôn Cồn Mong và thôn Miếu Bông (xã Hòa Phước), hai thôn có tuyến đường kiểu mẫu nông thôn mới hình thành trong năm 2021. Tuyến đường bê-tông nối từ Nhà văn hóa thôn Miếu Bông đến Trường Mầm non xã Hòa Phước dài khoảng 500m, rộng rãi, hai bên là những hàng cây Hoàng hậu cho hoa tím biếc, xen lẫn phía dưới là những cụm cây Dâm bụt có hoa đỏ thắm…
Chị Vương Thị Cẩm Nhung, cán bộ môi trường xã Hòa Phước cho biết: “Sau khi mở rộng các tuyến đường, chính quyền và nhân dân chung tay trồng cây xanh, trồng hoa, xây bồn hoa sạch sẽ. Việc hình thành các tuyến đường kiểu mẫu nông thôn mới không chỉ giúp bộ mặt các thôn đổi thay mà còn tạo sự khởi sắc cho xã Hòa Phước”.
Mô hình “Mái nhà xanh”
Một trong những mô hình được huyện Hòa Vang nỗ lực triển khai góp phần hình thành các tiêu chí huyện môi trường là “Mái nhà xanh”, hầu hết do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các xã đảm nhận. Tại xã Hòa Tiến, mô hình “Mái nhà xanh” được 12/12 thôn thực hiện với việc thu gom, phân loại rác tại nguồn góp phần bảo vệ môi trường. Từ nguồn rác thải nhựa thu gom, Hội LHPN gây quỹ tiết kiệm giúp đỡ phụ nữ khó khăn, động viên học sinh vượt khó học giỏi.
Chị Hồ Thị Lai, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Tiến cho biết: “Mô hình “Mái nhà xanh” được Hội LHPN xã thực hiện từ năm 2020, giờ đây triển khai đến 12 chi hội và nhận được sự hưởng ứng tích cực. Thông qua các đợt bán rác thải nhựa từ mô hình, Hội LHPN xã hỗ trợ gần 100 phụ nữ và trẻ em khó khăn. Mặt khác, mô hình còn giúp giảm lượng rác thải nhựa thải ra môi trường đáng kể, ý thức của người dân về phân loại rác thải tại nguồn nâng lên thấy rõ”.
Tại xã Hòa Châu, từ đầu năm nay, Hội LHPN xã cũng đẩy mạnh thực hiện mô hình “Mái nhà xanh” và từ nguồn quỹ tiết kiệm của mô hình đã trao gần 180 suất hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khó khăn. Hai tháng nay, Hội LHPN xã Hòa Châu còn đẩy mạnh việc thu gom pin cũ với thông điệp “Trao pin cũ - Nhận cuộc sống xanh”. Mô hình này được Hội LHPN xã triển khai tuyên truyền đến tận các chi hội phụ nữ và thông qua mạng xã hội, được hội viên phụ nữ hưởng ứng nhiệt tình.
“Sau khi sử dụng pin, mọi người thường có thói quen bỏ vào thùng rác chứ chưa hình thành được điểm thu gom, xử lý pin cụ thể. Nhận thấy tác hại của pin và việc sử dụng pin tràn lan, Hội LHPN xã thực hiện mô hình “Mái nhà xanh - Ngôi nhà pin” với mong muốn phần nào thay đổi thói quen sử dụng và xử lý pin đã qua sử dụng”, chị Dương Thanh Tùng, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Châu bộc bạch.
Những năm qua, thực hiện đề án “Xây dựng Hòa Vang - Huyện môi trường”, UBND huyện Hòa Vang tập trung triển khai các nội dung liên quan trong lĩnh vực môi trường, đến nay có nhiều thay đổi đáng kể. Cùng với các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường được triển khai, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân đã vào cuộc, ủng hộ công tác bảo vệ môi trường.
“Không chỉ đáp ứng cơ sở hạ tầng văn minh hiện đại, nâng cao thu nhập cho người dân..., trong quá trình triển khai thực hiện đề án “Xây dựng Hòa Vang - Huyện môi trường”, UBND huyện còn phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các hội, đoàn thể hình thành các CLB môi trường, đội thanh niên tình nguyện môi trường, các trường tiểu học đạt chuẩn Trường học xanh, các mô hình mới ra đời như “Đoạn đường xanh- sạch - đẹp”, mô hình “Thôn không rác”, “Trồng chuối lấy lá”, “Mái nhà xanh”, “Khu dân cư thân thiện môi trường”… Có thể thấy, đề án từng bước đưa huyện Hòa Vang tiến đến huyện thân thiện, đáng sống, có bản sắc riêng”, ông Nguyễn Văn Bửu, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường, UBND huyện Hòa Vang nhìn nhận.
Phấn đấu đến năm 2025, 8/11 xã được công nhận xã môi trường Đến năm 2025, huyện có bước chuyển biến cơ bản trong quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, bền vững; ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát, bảo đảm chất lượng môi trường sống, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Phấn đấu đến năm 2025, 8/11 xã được công nhận xã môi trường và đến năm 2030 có 100% xã đạt theo bộ tiêu chí của thành phố về xã môi trường. |
THANH TÌNH