Quy hoạch gắn giải quyết thách thức từ biến đổi khí hậu

.

Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề cập những định hướng, hoạch định quan trọng, bảo đảm nền tảng cho Đà Nẵng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Không gian xanh ven sông Hàn được thành phố quy hoạch, bảo vệ và đầu tư tôn tạo cảnh quan bảo đảm yếu tố môi trường. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Không gian xanh ven sông Hàn được thành phố quy hoạch, bảo vệ và đầu tư tôn tạo cảnh quan bảo đảm yếu tố môi trường. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Gia tăng các chỉ số “phát triển xanh”

Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ) đề cập vai trò cảnh quan tự nhiên của thành phố để tăng cường các giải pháp giữ gìn sự đa dạng sinh học, hài hòa với các chu trình tự nhiên. Trong quy hoạch, thành phố nhất quán với mục tiêu lấy yếu tố tự nhiên làm chủ đạo, cùng với các giải pháp kỹ thuật để gắn kết giữa thiên nhiên và con người.

Các yếu tố nhân tạo được tạo ra gắn kết một cách hài hòa, không lấn át hay đánh mất giá trị đặc trưng cảnh quan tự nhiên của thành phố. Trong các phân khu chức năng đã thể hiện rõ như sông Hàn là thành phần “lõi” của cấu trúc không gian đô thị; Bà Nà-Núi Chúa, dãy Hải Vân nam, bán đảo Sơn Trà hay ngọn Ngũ Hành Sơn như là hệ thống vành đai bảo vệ và cũng chính là môi trường của hệ sinh thái tự nhiên rất đa dạng…

Tiếp đó là các không gian mở hướng sông là những giải pháp kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng giúp tiếp cận nguồn năng lượng tự nhiên, tăng cường diện tích xanh, vừa chính là tăng khả năng thích ứng với mưa lũ, vừa nuôi dưỡng hệ sinh thái trong lòng đất, làm tái sinh các mạch nước ngầm.

Theo Sở Xây dựng, trong quá trình lập đồ án quy hoạch, thành phố đã chỉ đạo tăng cường các “chỉ số phát triển xanh”. Theo đó, xác định phát triển tối đa hệ thống không gian xanh trong đô thị cùng những giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường, kết nối tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh là cơ hội duy trì đa dạng hệ sinh thái; tăng tỷ lệ bố trí các công viên ven sông, rặng cây phòng, chống gió bão ven biển, khu cây xanh cách ly bảo vệ môi trường, vừa tạo cảnh quan và cải thiện điều kiện vi khí hậu và quan trọng hơn là góp phần tăng khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hay như việc tổ chức và xác định quy mô các khu chức năng đô thị hợp lý; xây dựng các bãi đỗ xe tập trung phù hợp; dự án xe điện công cộng sẽ sớm được triển khai và hàng loạt các giải pháp giao thông xanh góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, đáp ứng mục tiêu giảm phát thải khí thải và bảo vệ môi trường. Đồng thời, quy hoạch định hướng các kế hoạch, giải pháp cụ thể xác lập tiêu chí “phát triển bền vững” ở mỗi khu vực, ngành và lĩnh vực, có sự đầu tư đáng kể theo hướng trọng tâm, trọng điểm, như: giao thông xanh, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…

Bảo vệ, phát triển cảnh quan tự nhiên từ nguồn đầu tư công

Trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đã chú trọng nhiều giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bởi Đà Nẵng là thành phố ven biển duyên hải miền Trung nên đã, đang và sẽ nằm trong sự đe dọa của biến đổi khí hậu và nước biển dâng...

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố cũng đã phân vùng bảo vệ môi trường với 7 phạm vi ưu tiên, bao gồm các khu vực như khu vực phát triển đô thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, trong đó đặt mục tiêu xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư tập trung, các trung tâm thương mai dịch vụ, khu sinh thái… gắn với bảo vệ cảnh quan cây xanh, mặt nước, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn tập trung của mỗi khu chức năng. Đồng thời, hình thành các khu dân cư với mật độ xây dựng thấp, công viên sinh thái, phát triển hài hòa cảnh quan và môi trường; có các giải pháp thu gom và xử lý nước thải hiệu quả, bảo đảm các tiêu chí vệ sinh môi trường.

Đối với các khu công nghiệp, công nghệ cao, logistics, thành phố định hướng phát triển công nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường, quan trắc định kỳ chất lượng môi trường theo chương trình giám sát môi trường tổng thể và chi tiết, có phương án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn. Với việc hướng tới sự phát triển bền vững, mục tiêu của Đà Nẵng là trở thành thành phố an toàn và giảm nhẹ tác động của thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra, nhất là hiện tượng nước biển dâng.

Trong nghiên cứu của mình, PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) đánh giá điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chủ động quan tâm và tiếp cận giải ­quyết các thách thức của đô thị với biến đổi khí hậu. Hiện thực hóa việc giải quyết các thách thức trên, theo PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan việc trước tiên, đơn giản, cần làm ngay là giáo dục, định hướng nhận thức - hành động của người dân về một “Đà Nẵng đáng sống, thân thiện môi trường và giàu bản sắc”. Người dân Đà Nẵng vốn mang niềm tự hào về thành phố của mình và cũng sẵn có nếp sống đô thị văn minh, trật tự nên cần nâng tiềm năng văn hóa này lên một tầm cao mới.

Việc khó nhất là quản lý phát triển bắt đầu từ nhiệm vụ thiết kế đô thị. Do đó, khi thực hiện quy hoạch phân khu để cụ thể hóa hơn các nội dung của quy hoạch chung trong giai đoạn hiện nay cần phải lập các quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan, đặc biệt cho các khu vực chủ chốt của khung thiết kế đô thị tổng thể như: các cụm tụ điểm, các trục cảnh quan, các công trình điểm nhấn… Tiếp đó, khi thực hiện các dự án đầu tư công liên quan đến thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan… thành phố sớm xác định một danh mục các dự án ưu tiên có tác dụng kích hoạt và đòn bẩy, tạo động lực và là sự kích thích thu hút nguồn lực đầu tư toàn xã hội.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.