Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm dịp cuối năm

.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nên hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh có nguy cơ xâm nhập thị trường. Để bảo đảm sức khỏe người dân, Ban quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố tích cực phối hợp các địa phương tăng cường kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, xử lý tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.

Nhân viên Ban quản lý chợ Hàn kiểm tra tem QR truy xuất nguồn gốc thực phẩm của tiểu thương để  bảo đảm an toàn thực phẩm trước Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: XUÂN DŨNG
Nhân viên Ban quản lý chợ Hàn kiểm tra tem QR truy xuất nguồn gốc thực phẩm của tiểu thương để bảo đảm an toàn thực phẩm trước Tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: XUÂN DŨNG

Hướng tới quyền lợi người tiêu dùng

Theo BQL ATTP thành phố, cuối năm là thời điểm các mặt hàng thực phẩm không nguồn gốc, xuất xứ trà trộn vào thị trường. Các sản phẩm tự làm không được kiểm chứng thành phần, chất lượng cũng được bán tràn lan trên mạng. Đặc biệt, thời gian này, các cơ sở sản xuất bánh kẹo, thực phẩm phục vụ Tết gấp rút chuẩn bị sản phẩm cung ứng thị trường phục vụ người dân. Tại cơ sở sản xuất nông sản sạch Đô 37 (quận Ngũ Hành Sơn), ngoài chuyên doanh ngũ cốc, tinh bột nghệ, các loại hạt, cơ sở còn làm thêm thịt khô gà đóng hộp với số lượng lớn phục vụ Tết, cung ứng tại các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị mini và các nền tảng trực tuyến.

Bà Nguyễn Thị Oanh, quản lý cơ sở sản xuất nông sản sạch Đô 37 cho biết, năm nay, cơ sở đặt ra mục tiêu sản xuất khoảng 3 tấn khô gà, phục vụ chủ yếu trong thành phố. Năng suất tăng cao nhưng khâu an toàn vệ sinh thực phẩm là ưu tiên hàng đầu. Thành phẩm khô gà được cơ sở mang đến Trung tâm Chất lượng nông-lâm-thủy sản vùng 2 kiểm nghiệm, đạt chuẩn yêu cầu về ATTP, sau đó mới cung ứng ra thị trường.

Tại các siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn, công tác kiểm soát nguồn gốc sản xuất, kinh doanh, bảo đảm yêu cầu ATTP cũng luôn được chú trọng. Đơn cử thời gian qua, chợ Hàn triển khai cho tiểu thương dán tem QR mặt hàng thực phẩm tự đóng gói nhằm nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh trong sản xuất thực phẩm chất lượng, bảo đảm ATTP.

Ông Hoàng Cung Thượng Đức, Phó trưởng BQL chợ Hàn cho biết, hằng ngày, BQL chợ tiến hành đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện dán tem đúng quy định. Đồng thời, kiểm tra việc ghi chép nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm không đóng gói của tiểu thương. Những tiểu thương không chấp hành việc dán tem, ghi chép sổ nguồn gốc thực phẩm, BQL chợ sẽ lập biên bản và báo cáo cơ quan chức năng xử lý nghiêm. “Từ nay đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022, BQL chợ Hàn sẽ tích cực phối hợp BQL ATTP, Chi cục Quản lý thị trường thành phố tiến hành thanh tra thực phẩm tại chợ. Song song đó, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương chợ chấp hành tốt quy định trong sản xuất, kinh doanh đáp ứng các tiêu chí ATTP”, ông Đức thông tin.

Thí điểm phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Để làm tốt công tác kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, vừa qua, BQL ATTP thành phố triển khai thử nghiệm phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên 4 nhóm: thịt- trứng, rau - trái cây, thủy sản và sản phẩm bao gói. Trong giai đoạn 1, dự án tập trung triển khai thí điểm đối với chuỗi thịt heo, thịt bò tại một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện và tự nguyện tham gia. Hiện phần mềm này đã thử nghiệm trên chuỗi thịt heo từ công đoạn thu mua, giết mổ ra điểm bán lẻ đối với các doanh nghiệp giết mổ và cung cấp thịt heo.

Ông Đoàn Quang Thuyên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hai Thuyên - đơn vị cung ứng thịt heo, thí điểm thực hiện dự án cho biết, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm chắc chắn phát sinh chi phí. Dù tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc, khó khăn, vất vả ban đầu nhưng doanh nghiệp vẫn tham gia lâu dài vì đây là cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín với người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm là bước đệm để doanh nghiệp từng bước nâng cao chất lượng, trách nhiệm với cộng đồng. Đây cũng là xu thế bắt buộc trong kinh doanh, phải ngày càng văn minh, cạnh tranh bằng chất lượng và sự minh bạch. Không chỉ doanh nghiệp, người dân được lợi mà công tác quản lý Nhà nước về ATTP cũng thuận tiện hơn. Sau khi ứng dụng vào chuỗi thịt heo, BQL ATTP tiếp tục tham mưu thành phố những chính sách hỗ trợ thích hợp cho doanh nghiệp đồng hành. Hiện nay, BQL đang xây dựng kế hoạch thanh tra ATTP dịp cuối năm. Theo dự kiến, từ cuối tháng 12-2021, 3 đội quản lý ATTP của ban sẽ tiến hành thanh tra, kiểm soát tình hình sản xuất, kinh doanh tại các cơ sở, điểm cung cấp thực phẩm lớn trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng hàn the và natri benzoat trong sản phẩm chả và nguồn gốc thực phẩm được kinh doanh tại các chợ. Bên cạnh đó, tuyến quận, huyện và phường, xã theo hướng dẫn của BQL ATTP thành phố cũng tiến hành thành lập các đoàn liên ngành, kiểm tra các cơ sở trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

Ngoài ra, BQL ATTP thành phố  tuyên truyền trên xe lưu động tại các chợ với những thông điệp bảo đảm ATTP; sử dụng video tuyên truyền; viết bài trên trang website… nhằm hướng dẫn người dân cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn. “Người tiêu dùng cần sự lựa chọn thông minh, không tùy tiện mua, sử dụng các loại thực phẩm không rõ ràng thành phần, xuất xứ để bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích người dân tích cực giám sát các cơ sở, người chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh thực phẩm, kịp thời phản ánh những tổ chức, cá nhân vi phạm để lực lượng chức năng xử lý nghiêm”, ông Hải nói.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích