Tạo điều kiện thuận lợi để Công đoàn thành phố đổi mới

.

Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, ngày 15-11-2021, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chương trình số 10-CTr/TU để triển khai thực hiện nghị quyết, trong đó định hướng cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tạo điều kiện để hoạt động Công đoàn trên địa bàn thành phố đổi mới trong thời gian tới.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cho biết:

- Thời gian qua, cùng với sự phát triển của thành phố, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn thành phố không ngừng lớn mạnh. Số lượng Công đoàn cơ sở (CĐCS) và đoàn viên tăng nhanh. Đội ngũ cán bộ Công đoàn được củng cố, kiện toàn, từng bước nâng cao về chất lượng. Hoạt động Công đoàn thành phố ngày càng thiết thực, hiệu quả, tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ); tích cực tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng thành phố an bình, văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, so với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế - xã hội của thành phố những năm qua, tổ chức Công đoàn chưa thực sự theo kịp, có mặt chậm đổi mới. Công đoàn thành phố còn hạn chế về mô hình tổ chức, bộ máy, cán bộ; nội dung và phương thức hoạt động; công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ; chất lượng đoàn viên và chất lượng CĐCS; bản lĩnh chính trị, sự hiểu biết pháp luật của một bộ phận đoàn viên, NLĐ chưa đáp ứng yêu cầu.

Những năm tới, điều kiện và môi trường hoạt động của tổ chức Công đoàn có những thay đổi quan trọng khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra nhanh chóng, tác động sâu sắc đến đời sống, sản xuất, việc làm và phương thức tập hợp NLĐ. Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA,...), các công ước quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế cho phép thành lập các tổ chức của NLĐ ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam là vấn đề rất mới. Đây là thách thức không hề nhỏ với tổ chức Công đoàn thành phố.

Do đó, Nghị quyết số 02-NQ/TW ra đời tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn trong việc tập hợp, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; khẳng định việc xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh. Chương trình số 10-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn thành phố. Đây được xem là “kim chỉ nam” định hướng hoạt động Công đoàn trong thời gian tới.

Thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trong ảnh: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (bìa phải) trao quà Tết cho công nhân. (Ảnh chụp tháng 1-2021)  Ảnh: L.PHƯƠNG
Thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. TRONG ẢNH: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết (bìa phải) trao quà Tết cho công nhân. (Ảnh chụp tháng 1-2021). Ảnh: L.PHƯƠNG

* Ông có thể cho biết mục tiêu trọng tâm của Chương trình số 10-CTr/TU?

- Chương trình số 10-CTr/TU đặt ra mục tiêu chung là xây dựng tổ chức Công đoàn thành phố vững mạnh toàn diện, hoạt động hiệu quả, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt khi Việt Nam tham gia và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...).

Công đoàn thành phố phải làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền với giai cấp công nhân, NLĐ thành phố; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và NLĐ, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

* Các nhiệm vụ và giải pháp mà Ban Thường vụ Thành ủy đề ra trong Chương trình số 10-CTr/TU là gì, thưa ông?

- Chương trình số 10-CTr/TU bám sát 6 nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 02-NQ/TW, đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chính.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn trong tình hình mới trong các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố.

Thứ hai, cần đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, NLĐ; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Thứ ba, tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thứ tư, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; hướng mạnh hoạt động về cơ sở, phù hợp nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và lợi ích hợp pháp của NLĐ; thường xuyên nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề tư tưởng trong đoàn viên, NLĐ.

Thứ năm, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của các cấp  ủy Đảng đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn, tạo điều kiện để Công đoàn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Thứ sáu, tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với Công đoàn để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động. Thứ bảy, cần xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; ưu tiên sử dụng nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Trong từng nhiệm vụ, giải pháp đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã cho chủ trương thí điểm và thực hiện một số mô hình về đổi mới tổ chức, bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn, tập hợp đoàn viên, NLĐ; đề ra cơ chế, chính sách để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát triển các thiết chế Công đoàn, các phúc lợi xã hội; chăm lo, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của NLĐ; xử lý các tình huống đột xuất ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập; quy hoạch các khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải bố trí quỹ đất xây dựng các khu thiết chế cho công nhân...

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh (bìa trái) trao hỗ trợ cho đoàn viên tại quận Hải Châu  bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ảnh: L.PHƯƠNG
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh (bìa trái) trao hỗ trợ cho đoàn viên tại quận Hải Châu bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ảnh: L.PHƯƠNG

* Thời gian tới, thành phố có những cơ chế, chính sách gì để tiếp tục chăm lo, nâng cao phúc lợi cho người lao động?

- Tới đây, thành phố tiếp tục phát triển, tạo điều kiện mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp. Thành ủy sẽ chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, thiết chế văn hóa - thể thao cho công nhân tại các khu công nghiệp đi kèm với bố trí quỹ đất vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Hằng năm, thành phố bố trí 100 - 150 tỷ đồng để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ NLĐ vay vốn giải quyết việc làm; tổ chức tư vấn, hỗ trợ kết nối việc làm miễn phí cho NLĐ.

Hiện nay, thành phố đang chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao kết hợp biểu diễn đa năng phục vụ công nhân, học sinh, sinh viên khu vực phía tây thành phố; kêu gọi đầu tư xây dựng các thiết chế phụ trợ như: nhà trẻ, siêu thị mini, thư viện… góp phần nâng cao đời sống cho công nhân lao động. Về chăm sóc sức khỏe cho nữ công nhân, các cơ quan liên quan đang nghiên cứu, triển khai dự án khám sàng lọc các bệnh phụ khoa cho nữ công nhân lao động giai đoạn 2022-2025. Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục rà soát, thống kê, hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó, đang triển khai hỗ trợ các đối tượng lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, kinh phí dự kiến hơn 103 tỷ đồng. Thành phố cũng đang xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ để chuyển công năng khu ký túc xá phía tây thành phố thành khu nhà ở công nhân.

* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Chương trình số 10-CTr/TU đề ra mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2025: Phấn đấu có 150.000 đoàn viên; hầu hết doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên có tổ chức Công đoàn; trong đó, đến cuối năm 2022 phấn đấu có 125.000 đoàn viên. Phấn đấu 90% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể; đến cuối năm 2022 đạt tỷ lệ trên 85%.

Đến năm 2030: Phấn đấu có 200.000 đoàn viên; nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn người lao động được tập hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn thành phố. Phấn đấu 92% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn có ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đến năm 2045: Hầu hết người lao động là đoàn viên Công đoàn; 99% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn có ký kết thỏa ước lao động tập thể.

LAM PHƯƠNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.