ĐNO - Dự báo vào ngày 19 và 20-12, ảnh hưởng của siêu bão Rai, khu vực ngoài khơi Trung Bộ có thể có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15, đe dọa trực tiếp đến an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển, ven biển. Thủ tướng Chính phủ lưu ý, đây là cơn bão cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp; yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương quyết liệt chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão.
Họa đồ dự báo vị trí tâm bão Rai và hướng di chuyển, trong đó vị trí tâm bão ở gần đất liền nhất cách bờ biển bờ biển Đà Nẵng - Bình Định khoảng 150km về phía đông vào 7 giờ ngày 20-12-2021 với sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15. (Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) |
Sáng 17-12, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, đến 7 giờ ngày 18-12, vị trí tâm bão Rai ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 200km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 17 và tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 20km/giờ.
Do ảnh hưởng bão kết hợp không khí lạnh, ở vùng biển Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 10; khu vực phía đông và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao nhất từ 8-10m, biển động dữ dội.
Dự báo đến 7 giờ ngày 20-12, vị trí tâm bão ở cách bờ biển Đà Nẵng - Bình Định khoảng 150km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15. Sau đó, bão Rai đổi hướng di chuyển theo hướng bắc đông bắc với cường độ có xu hướng giảm dần.
Tại Công điện số 1737/CĐ-TTg ngày 16-12-2021 về ứng phó khẩn cấp với siêu bão sắp vào Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang phối hợp lực lượng biên phòng và các cơ quan liên quan chỉ đạo rà soát, nắm rõ tất cả phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải và phương tiện khác) và các hoạt động trên biển; hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để tàu thuyền, phương tiện hoạt động trong vùng nguy cơ ảnh hưởng bão; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng và phòng, chống Covid-19 cho người dân tại nơi neo đậu, tránh trú bão.
Các địa phương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn cho người và tài sản trên các đảo và trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản; rà soát, chuẩn bị sẵn phương án chủ động ứng phó tình huống bão ảnh hưởng địa phương; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, xử lý mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là bảo đảm an toàn dân cư trong bối cảnh Covid-19, bảo vệ đê điều, hồ đập và bảo vệ sản xuất.
Bộ Ngoại giao theo dõi, chủ động liên hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ tạo điều kiện cho tàu thuyền Việt Nam tránh trú bão khi có yêu cầu.
Bộ Y tế chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19, đặc biệt là các khu vực dự kiến sơ tán dân cư khi có tình huống.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai các biện pháp ứng phó với bão, bảo đảm an toàn đối với lĩnh vực được phân công theo dõi, nhất là bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, ven biển.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương ứng phó bão khi có yêu cầu...
HOÀNG HIỆP