9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ở Liên khu 5 có một tiểu đoàn vận tải biển đã từng sống và phục vụ chiến đấu. Sóng gió bão giông cùng sự lùng ráp, tiêu diệt của kẻ thù không ngăn nổi lớp lớp cán bộ, chiến sĩ kiên cường vượt qua gian khổ, mưu trí, táo bạo, anh dũng chiến đấu hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
9 năm vận chuyển 20.000 tấn vũ khí
Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Liên khu 5 chỉ còn 4 tỉnh (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) là vùng tự do. Phía nam giặc chiếm đèo Cả. Phía bắc chúng chốt giữ cầu Bà Rén và núi Đất Quế Sơn nhằm cắt đường quốc lộ 1. Phía tây, Pháp chiếm Buôn Mê Thuộc, Pleiku - Kon Tum. Phía đông, Pháp chiếm Cù Lao Thu (Bình Thuận), Cù Lao Ré (Quảng Ngãi) và Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Ngoài ra, máy bay trinh sát, tàu chiến, ca-nô thường xuyên tuần tra kiểm soát dọc bờ biển và các cửa sông từ Đà Nẵng đến Cam Ranh. Âm mưu của Pháp là bao vây, chia cắt đường liên lạc từ Trung ương (miền Bắc) với miền Nam và Liên khu 5.
Đáp lời kêu gọi của Bác Hồ “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quyết tâm làm thất bại âm mưu của địch và đáp ứng kịp thời, trang bị vũ khí cho các lực lượng Liên khu 5, các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chủ trương xây dựng lực lượng vận tải đường biển. Tiểu đoàn 248 vận tải biển ra đời trên cơ sở các thuyền của Tổng cục Việt Thắng tách ra. Quân số lúc đầu 500 đồng chí, gồm những anh em quê miền biển thạo ghe thuyền, sông nước, biết bơi, chèo.
Trên hết, là tinh thần tự nguyện và sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Chỉ huy tiểu đoàn được liên khu chọn các đồng chí trung kiên là Tỉnh ủy, cán bộ Ủy ban hành chính kháng chiến các tỉnh như đồng chí Thái Hựu, Tỉnh ủy viên Bình Thuận làm tiểu đoàn trưởng; đồng chí Phạm Hồng Sơn, Tỉnh ủy viên Quảng Nam làm chính trị viên; đồng chí Hoàng Thúc, Tỉnh ủy viên Lâm Đồng; đồng chí Trần Quang Diệu, Ủy viên Ủy ban kháng chiến Bình Thuận làm tiểu đoàn phó.
Tiểu đoàn đóng quân ở Phú Yên, có trách nhiệm vận chuyển tiền, vàng, tài liệu, vũ khí, đưa đón cán bộ lãnh đạo liên khu, các tỉnh và Trung ương vào Nam, ra Bắc công tác. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Phòng Cung cấp liên khu, đơn vị tập trung mua sắm, sửa chữa, đóng mới ghe thuyền và đồ dùng cần thiết.
Để vượt qua tuyến biển 400km luôn có địch tuần tra kiểm soát, tiểu đoàn phải tổ chức 16 trạm quan sát hướng dẫn bảo vệ ven biển từ Phú Yên đến Bà Rịa. Phương thức vận chuyển được chia làm 2 mùa, ứng với 2 loại thuyền. Mùa bắc (mùa đông có gió đông bắc) sử dụng loại ghe bầu chạy 3 bướm chở từ 10-30 tấn, cứ 3 chiếc thành một đoàn. Khi sóng to, gió lớn, biển động, địch không tuần tra được thì đi, nguy hiểm nhưng bất ngờ.
Mùa nồm (gió đông nam, biển lặng) sử dụng ghe nan hoặc thuyền ván chở 1,5 -3 tấn, cứ 3-6 chiếc thành một đội, đi ven bờ theo kiểu sâu đo, đêm đi ngày nấp. Phương châm phải tuyệt đối giữ bí mật, có nguy cơ bị địch bắt thì phá cho thuyền chìm, bất khả kháng thì áp sát cho nổ thuyền tiêu diệt địch, thà hy sinh không để người, hàng hóa, vũ khí, tài liệu rơi vào tay địch.
Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn 248 với những chiếc thuyền và bằng sức người là chính đã vượt biển ra Bắc, vào Nam hàng ngàn chuyến. Biết bao phen sinh tử chống chọi với phong ba bão táp và đấu trí thi gan với kẻ thù. Đội này, chiếc này ra đi chưa về, nhưng đội khác, chiếc khác lại ra đi. Vì vậy, có tháng vận chuyển được 100 tấn, có năm vận chuyển được 1.000 tấn và suốt 9 năm kháng chiến, tiểu đoàn đã vận chuyển được 20.000 tấn vũ khí, trang thiết bị, lương thực, thuốc men, tiền vàng và tài liệu cho Liên khu 5, các tỉnh cực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; đưa đón hơn 100 đoàn cán bộ, trong đó nhiều đồng chí là lãnh đạo Trung ương, Liên khu ủy và các tỉnh lãnh đạo kháng chiến.
Thủy quân cảm tử
Chiến công của Tiểu đoàn 248 không những làm thất bại âm mưu chia cắt để diệt của giặc Pháp, mà còn góp phần tăng thêm sức mạnh cho quân và dân Liên khu 5 và Đông Nam Bộ phát triển lực lượng, tiến công tiêu diệt địch, chia lửa cùng cả nước đánh bại hoàn toàn quân Pháp xâm lược bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Chiến công của Tiểu đoàn 248 còn thể hiện tinh thần yêu nước cao cả và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đó là tinh thần kiên trì khắc phục khó khăn, sức chịu đựng gian lao, nguy hiểm, vượt qua sóng gió, bất chấp đạn bom và âm mưu quỷ quyệt của kẻ thù, sẵn sàng cảm tử vì nhiệm vụ. Bao nhiêu đồng chí nằm lại với biển cả cũng như nơi thác ghềnh, bến bãi, kho trạm ven bờ… Có chuyến đi anh em trên thuyền hy sinh hết.
Trong biết bao tấm gương anh dũng ấy, có những tấm gương mà chúng ta không thể quên được. Thuyền trưởng Lê Lựa (quê Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam) khi bị địch vây bắt ở Cù Lao Chàm, đồng chí bình tĩnh lái thuyền vào gần bờ lệnh cho anh em rời tàu rồi lái thuyền đi hướng khác, dùng búa phá thuyền chìm rồi cắn lưỡi tự sát, không để vũ khí và mình rơi vào tay giặc.
Đồng chí Nót (quê Quảng Ngãi) khi toàn đội bị bao vây ở mũi Đồi Mồi, một mình tự nguyện xông ra đánh lạc hướng địch, chịu bị bắt để bảo vệ toàn đội và vũ khí an toàn. Thuyền trường Nguyễn Văn Xế (quê Hội An, Quảng Nam) chỉ huy thuyền chở một kiện hàng đặc biệt (4kg vàng) và 26 hòm tín phiếu từ Phú Yên vào Bình Thuận. Gió mùa quá mạnh, sóng to lật úp thuyền hàng, người tan tác khắp nơi. Đồng chí Xế lênh đênh trên biển 8 ngày nhưng không rời hòm hàng đặc biệt. Và đúng sáng mùng Một Tết, sóng hất lên bờ, dù người ngất xỉu nhưng đồng chí vẫn ôm chặt hòm hàng trong tay.
Đội thuyền 4 chiếc 16 người đi do đồng chí Trần Á (quê Duy Xuyên, Quảng Nam) chỉ huy chở 6 tấn vũ khí vào Bình Thuận. Vào đến Hòa Hiệp, trạm báo tàu địch tuần tra ngoài biển không thể cho đội vòng vào Vũng Rô. Đồng chí động viên anh em phân công cảnh giới, tổ chức mang vác vũ khí và khênh 4 chiếc thuyền vượt qua eo núi 3 cây số sang Vũng Rô, để từ đó lợi dụng đêm tối nhanh chóng đưa hàng phục vụ chiến dịch. Cứ thế, phải mất 12 đêm với hàng chục lần bốc vác vũ khí lên, xuống, nhận chìm và vớt thuyền lên để ban ngày ẩn nấp, ban đêm hành trình để đến đích an toàn...
Ôn lại chiến công của Tiểu đoàn 248 vận tải biển năm xưa, chúng ta rất đỗi tự hào và khâm phục! Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở Liên khu 5, đã có một đơn vị vận tải biển tồn tại, chiến đấu và phục vụ chiến đấu hết sức anh dũng, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang. Nhân dân các tỉnh ven biển Trung Bộ và Đông Nam Bộ gọi họ là những “người lính cầm chèo“, “thủy quân cảm tử”, “người chiến sĩ vận tải anh hùng “. Còn Liên khu 5 tặng họ danh hiệu “Tiểu đoàn vận tải biển cảm tử 248“. Có thể coi Tiểu đoàn 248 là một đơn vị tiền thân của Đoàn tàu không số sau này.
Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, đơn vị giải thể mỗi người một nơi, chưa kịp tổ chức tổng kết, đề nghị tuyên dương khen thưởng. Theo nguyện vọng của Ban liên lạc Tiểu đoàn 248, để tuyên dương công trạng những đồng chí đã hy sinh, cũng như công lao của những người còn sống một cách xứng đáng, Đảng ủy, Bộ Tư Lệnh Quân khu 5, Hội đồng Thi đua khen thưởng Bộ Quốc phòng đề nghị và được Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn 248 vào ngày 12 tháng 9 năm 2011. Năm nay kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Tiểu đoàn 248 vận tải biển cảm tử Liên khu 5 anh hùng, vô cùng khâm phục thế hệ cha anh đi trước đã làm nên những chiến công kỳ diệu, góp phần tô thắm truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Những ngày này, chúng tôi ai cũng bùi ngùi xúc động vì các đồng chí còn sống thì tuổi đã hơn 90. Cả nước chỉ còn hơn 50 đồng chí. Tại Đà Nẵng, còn 5-7 đồng chí đều đau yếu, không đi lại được nên Ban liên lạc Tiểu đoàn 248 cũng không còn hoạt động. Trân trọng gửi đến các gia đình là thân nhân liệt sĩ, các đồng chí thương, bệnh binh đã từng sống, công tác và chiến đấu ở Tiểu đoàn 248 và các đồng chí hiện còn sinh sống trên mọi miền đất nước nhiều sức khỏe, trường thọ.
PHAN CÚC
Nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân