Triển vọng về đô thị thông minh, sáng tạo, bản sắc, bền vững

.

Ngày 15-3-2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 359/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu nhằm phát triển, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, tầm nhìn đến năm 2045, trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo...

Thành phố đang hướng đến phát triển đô thị hài hòa, bền vững. TRONG ẢNH: Đô thị hiện đại ven biển thuộc quận Sơn Trà và Ngũ Hành SơnẢnh: XUÂN SƠN
Thành phố đang hướng đến phát triển đô thị hài hòa, bền vững. TRONG ẢNH: Đô thị hiện đại ven biển thuộc quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Ảnh: XUÂN SƠN

Đây là định hướng quan trọng trong sự phát triển của thành phố, song cũng đặt ra những thách thức to lớn đòi hỏi những nỗ lực, quyết tâm lớn của chính quyền và người dân thành phố Đà Nẵng.

Đòn bẩy cho sự phát triển

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, UBND thành phố đã công bố công khai đồ án quy hoạch được duyệt một cách minh bạch đến các tổ chức, cá nhân cũng như xúc tiến đầu tư. Đồng thời, UBND thành phố đã lập kế hoạch triển khai với nội dung cụ thể hóa quy hoạch, bao gồm 12 nhiệm vụ trọng tâm với 54 đầu mục công việc cụ thể. UBND thành phố đang tập trung nghiên cứu, triển khai các dự án động lực, trọng điểm cũng như huy động khu vực kinh tế tư nhân nhằm phát huy hết tiềm năng, tạo động lực phát triển đột phá cho thành phố.

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với địa phương bởi nó sẽ là bộ khung phát triển của thành phố trong tương lai. Đồ án đã định hình về quy hoạch sử dụng đất, mô hình, cấu trúc phát triển không gian, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị, kinh tế đô thị và đánh giá môi trường chiến lược nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế - xã hội trong 10 và 25 năm tới. Cấu trúc và phân khu chức năng đô thị phù hợp với hiện trạng đô thị và năng lực quản lý của chính quyền thành phố trong 10 năm tới.

Tại sự kiện công bố Quyết định số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chia sẻ: Với những lợi thế, tiềm năng của mình, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng tập trung xây dựng, phát triển thành phố trên 3 trụ cột chính là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Theo đó, thành phố chú trọng đầu tư 5 lĩnh vực mũi nhọn du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Cơ hội mới với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội

Theo PGS.TS Huỳnh Huy Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, điều chỉnh quy hoạch chung lần này không chỉ là cơ sở để Đà Nẵng phân bổ lại các nguồn lực trên địa bàn hợp lý hơn mà còn phân định nội dung triển khai một cách cụ thể, khoa học, là tiền đề gợi mở nhiều ý tưởng, chủ trương, chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Thứ nhất, về đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế với những lợi thế to lớn về tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa phong phú, điều chỉnh quy hoạch chung sẽ góp phần tối ưu hóa các nguồn lực, tạo ra một bản sắc riêng cho thành phố. Kết quả điều chỉnh quy hoạch sẽ góp phần hình thành thương hiệu thành phố và định vị bản sắc riêng của Đà Nẵng.

Theo đó, Đà Nẵng phải bảo đảm sự cân bằng giữa việc phát triển kinh tế, khai thác và bảo tồn hệ sinh thái của mình bằng cách áp dụng các chiến lược phát triển phù hợp để bảo vệ môi trường trong khi tiến hành phát triển đô thị. Theo định hướng quy hoạch chung, trong 5 năm tới, thành phố Đà Nẵng cần tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế Đà Nẵng; duy trì khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức cao với 2 lĩnh vực mũi nhọn là du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics.

Thứ hai, về quy hoạch và phát triển đô thị, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đã đề xuất thiết lập được các chỉ tiêu kiểm soát phát triển sẽ cho phép thành phố bảo đảm quy hoạch sử dụng các nguồn lực được thực hiện theo tầm nhìn và mục tiêu, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai của thành phố. Điều chỉnh quy hoạch chung góp phần bảo đảm thành phố tiếp tục phát triển bền vững và hợp lý; thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa mục đích sử dụng các nguồn lực khác nhau, đặc biệt là nguồn lực về đất đai, hạ tầng và kinh tế.

Quy hoạch chung đã góp phần rà soát, điều chỉnh các khu đất tại các vị trí đắc địa, các khu đất trống, không xây dựng công trình, gây mất mỹ quan đô thị nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất; điều chỉnh quỹ đất dành cho không gian xanh, tiện ích công cộng hiện đang thiếu, điều chỉnh quỹ đất dành cho giáo dục, y tế, các thiết chế văn hóa… tương xứng hơn với tầm vóc của thành phố; phát triển đô thị nén đồng bộ với tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của khu vực trung tâm… Qua đó hướng đến việc sử dụng cơ sở hạ tầng đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm thành phố có thể đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Thứ ba, điều chỉnh quy hoạch chung được triển khai trên cơ sở đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung… Điều này thực sự phù hợp xu thế liên kết phát triển vùng với sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các địa phương trong vùng, các vùng trong cả nước và khu vực; đẩy mạnh vai trò trung tâm kinh tế, thúc đẩy, phát huy lợi thế, khắc phục các bất lợi trong phát triển kinh tế của Đà Nẵng; đồng thời tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội trong hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.