Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về luật vừa được Quốc hội thông qua

.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi kinh tế.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 24-1, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, bao gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thị đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi Họp báo.

Phát huy nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Việc xây dựng, ban hành Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19; đơn giản hóa thủ tịch đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Luật cơ cấu thành 11 điều, gồm: 9 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2022.

Phân quyền quyết định chủ trương đầu tư

Điều 1 quy định việc sửa đổi, bổ sung điểm b, c và d khoản 4, Điều 17, bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5, Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 8, Điều 25, khoản 4, Điều 82, khoản 1, Điều 83 Luật Đầu tư công, theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Quy định thẩm quyền rõ ràng

Điều 2 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 2, Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, theo hướng: quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Trung ương do bộ, cơ quan Trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan Trung ương, cơ quan khác; Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư

Đáng chú ý, với mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương, Điều 3 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm g và bổ sung điểm g1 vào sau điểm g khoản 1, Điều 31 Luật Đầu tư để thực hiện phân quyền cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.

Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên.

Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa, không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới.

Quy định đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại

Điều 4 của Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở, theo hướng quy định về hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây (mà việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp thuộc diện Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật): có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư.

Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+
Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+

Đồng thời, để bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ, không thất thoát ngân sách nhà nước, Luật bổ sung quy định, sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.

Thúc đẩy giải ngân

Nhằm bảo đảm tính thống nhất, thúc đẩy giải ngân, đưa dự án hoàn thành đúng thời hạn, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ, xây lắp trong các dự án ODA, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Điều 5 của Luật sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 34 và bổ sung Điều 33a để quy định các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng: Việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Thu hút xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải

Để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về thu hút xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Điều 6 của Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2, Điều 4 để quy định: Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng; Nhà nước độc quyền trong các hoạt động điều độ hệ thống điện quốc gia; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh; vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.

Đồng thời, bổ sung điểm d1 vào sau điểm d khoản 1, Điều 40 quy định quyền của đơn vị truyền tải điện là được đấu nối vào lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế đầu tư xây dưng khi đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn kỹ thuật; bổ sung điểm h1 vào sau điểm h, khoản 2, Điều 40 quy định nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện là bảo đảm quyền đấu nối của các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực vào lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng. Trường hợp từ chối đấu nối, thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp

Để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, khoản 1, 2, 3, 4, 6 và 7 Điều 7 của Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 49, 50, 60, 148 và 158 Luật Doanh nghiệp. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 49 và Điều 50 theo hướng thay cụm từ “thành viên Hội đồng thành viên” thành “thành viên công ty” để bảo đảm thống nhất với các quy định liên quan của Luật này.

Đồng thời, sửa đổi quy định tại khoản 3, Điều 60 và khoản 2, Điều 158 theo hướng quy định trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên của Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị đã tham dự họp đồng ý thông qua biên bản họp ký.

Bổ sung quy định chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp liên đới chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do từ chối ký biên bản họp (khoản 3, Điều 60); biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp; người ký biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của nội dung biên bản họp Hội đồng quản trị (khoản 2, Điều 158).

Nhằm giảm bớt chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp, khoản 5 Điều 6 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm d, khoản 1, Điều 109 của Luật Doanh nghiệp để quy định báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin không bắt buộc kiểm toán.

Để khắc phục vướng mắc trong xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp với thực tiễn, khoản 8, Điều 7 của Luật sửa đổi, bổ sung khoản 5, Điều 217.

Cụ thể, căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2, Điều 88 của Luật này nắm giữ 100% vốn điều lệ".

Nắm bắt cơ hội để phát triển xe ôtô điện chạy pin

Với mục tiêu khuyến khích đầu tư sản xuất, kịp thời nắm bắt cơ hội để phát triển xe ôtô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông, giảm phát thải khí nhà kính (thực hiện cam kết của Liên hợp quốc về bảo vệ môi trường), định hướng sản xuất, tiêu dùng theo hướng phát triển công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, Điều 8 của Luật bổ sung điểm i, khoản 4 Mục I Điều 7 về Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành.

Từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô-tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước).

Làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần”

Điều 9 của Luật sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật Thi hành án dân sự theo hướng: Làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần” (điểm b, khoản 1, Điều 55) trên cơ sở luật hóa các nội dung trước đây giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản (khoản 2, Điều 55; khoản 2, Điều 57).

Đối với cơ chế ủy thác xử lý tài sản, dự thảo Luật quy định rõ căn cứ ủy thác xử lý tài sản, cụ thể: trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản.

Dự thảo Luật còn quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện ủy thác xử lý tài sản.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.