Đêm cuối năm ở chợ hoa Tết

.

ĐNO - Người bán và người mua ở chợ hoa Tết năm nay ít hơn mọi năm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Những người mưu sinh hy vọng có thêm nhiều người mua trong những ngày cuối cùng của chợ hoa Tết...

Ảnh: XUÂN SƠN
Anh Huỳnh Tấn Sang bên những chậu bonsai và hoa giấy tại chợ hoa Tết. Ảnh: XUÂN SƠN

“Ai cũng muốn có Tết”

Đồng hồ điểm qua 23 giờ ngày 28-1, anh Huỳnh Tấn Sang (SN 1979, ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) hối hả xếp gọn những chậu kiểng tại lô kinh doanh trên Quảng trường 29-3. Nhiều năm bán cây kiểng chưng Tết như hoa giấy, bonsai… thế nhưng dịp giáp Tết Nguyên đán năm nay là lần đầu tiên anh kinh doanh ở chợ hoa Tết Đà Nẵng.

“Hôm nay 26 tháng Chạp, tôi bán được 3 chậu. Gần một tuần qua, sức mua ở chợ ít thì cũng bình thường vì ảnh hưởng dịch bệnh, kinh tế khó khăn mà. Được cái là người ta đến đây ai cũng hòa nhã, vui vẻ và thân thiện, an ninh cũng bảo đảm nên mình kinh doanh thoải mái hẳn”, anh Sang chia sẻ.

Mùa Tết những năm trước, anh lên Tây Nguyên, qua Đắk Lắk rồi Gia Lai bán cây kiểng. Có năm bán xong sớm thì về trước đêm giao thừa, cũng có năm chợ hoa ế ẩm, anh và nhiều người tranh thủ nán lại kiếm thêm rồi mới trở về nhà vào ngày mồng 1. “Tùy theo năm và cũng theo thu nhập của mọi người nữa, nhiều bà con đi mua vào dịp cận giao thừa mình cũng phải bán muộn theo, kiếm thêm chút về ăn Tết với vợ con”, anh Sang cho biết.

Vì những vụ hoa Tết “kiếm thêm chút” ấy mà anh Sang đã 3-4 năm rồi chưa được đón giao thừa bên vợ và các con ở quê nhà. Anh tâm sự về những trăn trở, có nỗi lo cây chưa bán hết và đọng nhiều trước đêm giao thừa; rồi tổng chi phí 20-30 triệu gồm chi phí thuê lô kinh doanh, vận chuyển và bốc xếp cây kiểng.

Đêm cuối năm, một mình anh cắm lều ngủ lại bên những chậu cây đang chờ khách. Vừa giữ vườn, anh vừa đợi người bạn đến phụ. May mắn bán được chậu bonsai cuối ngày với giá 1 triệu đồng, anh cười hy vọng: “Ai ở đây cũng mong bán được giá, bán nhiều để tranh thủ về đón Tết sớm với gia đình. Ai cũng muốn có Tết”.

Ảnh: XUÂN SƠN
Một khách hàng đi mua cành đào chưng Tết. Ảnh: XUÂN SƠN

“Bán cây Tết cực mà vui”

Cách lô của anh Sang vài bước chân là khu vực bán quất cảnh, đào… của nhà vườn Lê Trung (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Anh Lê Thông (SN 1990, nhân viên giữ vườn) cho hay, nhà vườn có 4 bãi bán cây Tết ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Tam Kỳ, Hội An (Quảng Nam).

Theo anh Thông, do cây nhà vườn tự trồng và tự mang đi bán nên phần nào ít lo lắng hơn so với tâm lý thấp thỏm, “đánh cược” khả năng ế với thị trường như một số tiểu thương. “So với thời điểm trước khi có Covid-19, 2 năm gần đây số cây bán ra ít hơn. Giá cây hiện thời từ vài trăm nghìn tới mười mấy triệu đồng mỗi cây. Ở đây bán ngớt bao nhiêu thì từ nhà vườn ở Hội An chở ra thêm bấy nhiêu”, anh Thông cho biết.

Ảnh: XUÂN SƠN
Anh Lê Thông (trái) vận chuyển quất kiểng lên xe, chuẩn bị chở về tận nhà cho khách. Ảnh: XUÂN SƠN

Rạng sáng 27 tháng Chạp âm lịch, sương xuống bắt đầu ướt áo, anh Thông chui vào lều sau khi bán được một chậu quất kiểng cỡ lớn. Anh kể, năm nào cũng đi bán hoa, bán cây cảnh dịp Tết, có lúc vác chậu lớn đến rã cả tay, mỏi người nhưng ai cũng vui vì bán được hàng. Khách mua quất đến ban ngày đông hơn, vì khi ấy mới coi rõ được hình thái cây, coi được trái đẹp hay trái xấu. Có khách đi mua ban đêm thì kỹ lưỡng, mang cả đèn pin theo soi.

Chỉ tay về số chậu quất tại lô vườn mình coi giữ, anh Thông cho biết nhà vườn sẵn sàng “bật chế độ” cho thuê quất kiểng trong trường hợp không bán được trước giao thừa, chỉ khi không có ai thuê mới tập kết lên xe chở về vườn. Đối tượng thuê thường là các cơ quan, doanh nghiệp và nhiều người dân chưa mua được chậu cây ưng ý.

“Bán cây Tết ham vui nên tụi tui mới đi, may có lều để ngủ, có chỗ để nằm cho ấm dưới trời sương lạnh. Năm nay ông trời thương nên thời tiết thuận lợi chứ nhiều năm trước dầm mưa về nằm nguyên Tết. Chỉ mong bán xong sớm trước chiều 29 âm lịch để về nghỉ ngơi, ăn Tết sau một năm vất vả”, anh Thông cho hay.

Theo thống kê của Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng, số hộ thuê lô sau đấu giá tại chợ hoa Tết Nhâm Dần ở Quảng trường 29-3 chỉ vào khoảng hơn 50% so với mọi năm. Người bán ít, người mua cũng ít. Những người mưu sinh dịp cuối năm ở đây vì thế chỉ có thể hy vọng và lạc quan về một cái Tết an lành, có thêm nhiều người mua trong những ngày cuối cùng của chợ hoa Tết.

 XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.