Nâng cao trách nhiệm thu hồi tài sản tham nhũng

.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, ngày 17-11, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 38-KH/TU nhằm quán triệt, chỉ đạo các cấp ủy Đảng triển khai thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả.

Khắc phục bất cập trong thu hồi tài sản

Kế hoạch số 38-KH/TU nhằm nâng cao trách nhiệm, tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Kế hoạch nêu rõ: Các cấp ủy Đảng phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII; tăng tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Theo ông Võ Công Chánh, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, để triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự Đảng trực thuộc; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy, Quận ủy, Huyện ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy tập trung chỉ đạo rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về các tội tham nhũng, kinh tế, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Giám định tư pháp (sửa đổi, bổ sung năm 2020); sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra; các quy định về trình tự, thủ tục thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, thủ tục, quy trình truy tìm, phong tỏa, kê biên, tạm giữ, thu hồi, quản lý, sử dụng tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt ở từng giai đoạn thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử.

Ban cán sự Đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai, đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào công tác quản lý dữ liệu về đất đai; phối hợp nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hoá tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tải sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế…

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, HĐND, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị- xã hội các cấp trên địa bàn thành phố tăng cường giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự, bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm, chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản trong giai đoạn hiện nay.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm thu hồi tài sản tham nhũng

Ông Hà Ngọc Thống, Bí thư Chi bộ kiêm Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu cho rằng, một trong những nội dung chính trong Chỉ thị số 04-CT/TW là các cấp ủy, tổ chức Đảng phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đây là chỉ đạo rất đúng và trúng, đặc biệt trong tình hình số vụ tham nhũng, thất thoát tài sản của Nhà nước bị phanh phui ngày càng nhiều, số tiền bị chiếm đoạt ngày càng lớn.

“Việc phát hiện, điều tra và xử lý các vụ việc tham nhũng có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành…, song trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trước hết thuộc về người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương. Do đó, người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương do mình phụ trách”, ông Thống cho hay.

Theo ông Phạm Nam Sơn, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, trong thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, Huyện ủy  xác định công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, để phát hiện sớm các hành vi tham nhũng, cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp; đồng thời, phát huy tốt trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, ban thanh tra nhân dân. Đặc biệt, cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; khuyến khích cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động phát hiện tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Cùng với đó là bảo vệ, khen thưởng người dũng cảm tố cáo tham nhũng, xử lý nghiêm hành vi trù dập người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng tố cáo tham nhũng gây mất đoàn kết nội bộ.

Để nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, ông Nguyễn Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Liên Chiểu cho rằng, các cấp ủy Đảng cần phải xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra. Đồng thời, về lâu dài cần chỉ đạo việc hoàn thiện cơ chế tương trợ tư pháp hình sự để thực hiện tốt việc phát hiện, xử lý tài sản do phạm tội mà có; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, mua bán cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế hành vi tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.