Phát triển theo hướng đô thị sinh thái, bản sắc riêng

.

Để xây dựng huyện Hòa Vang phát triển theo hướng đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi có bản sắc riêng, ngoài các dự án đã được thành phố phê duyệt quy hoạch, UBND huyện tích cực phối hợp đơn vị tư vấn triển khai lập quy hoạch chung các xã nông thôn, trong đó nghiên cứu tổ chức không gian đô thị hài hòa với thiên nhiên và kiến trúc truyền thống của vùng nông thôn theo hướng đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi, đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Dự án mô hình nông thôn mới Saemaul (hợp tác giữa huyện Hòa Vang với huyện Yeongyang (Hàn Quốc)) tại thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) hứa hẹn đem lại những đổi thay tích cực tại vùng đất này. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Dự án mô hình nông thôn mới Saemaul (hợp tác giữa huyện Hòa Vang với huyện Yeongyang (Hàn Quốc)) tại thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) hứa hẹn đem lại những đổi thay tích cực tại vùng đất này. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) là một trong những làng quê được nhiều người ấn tượng bởi không khí trong lành, yên ả và giữ đậm nét văn hóa truyền thống bản địa. Mới đây, trên tinh thần hợp tác giữa huyện Yeongyang (Hàn Quốc) và huyện Hòa Vang, Quỹ Toàn cầu hóa Nông thôn mới (SGF) của Hàn Quốc chọn thôn Thái Lai làm nơi đầu tiên triển khai dự án mô hình nông thôn mới Saemaul.

Dự án được tiển khai trong 5 năm (2019-2024), với tổng kinh phí 625.000 USD. Dự án đã hoàn thành xây dựng một nhà văn hóa thôn và đang triển khai làm các tuyến đường bê-tông nông thôn khang trang, sạch đẹp. Thời gian tới, dự án tiếp tục nghiên cứu, cơ giới hóa nông nghiệp và thử nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, phù hợp với địa phương, xây dựng một hợp tác xã lớn mạnh hơn.

Ông Trần Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn, chia sẻ: “Mục tiêu chung của dự án là góp phần nâng cấp hạ tầng giao thông khang trang hơn, đặc biệt là đầu tư tạo nên các khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Dự án cũng góp phần mang lại giá trị kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nhưng vẫn bảo đảm lưu giữ và phát huy văn hóa bản địa, qua đó phấn đấu sớm đưa Hòa Nhơn thành xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian sớm nhất”.

Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 7-7-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu tổng quát: Xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị của huyện trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa, tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng Hòa Vang trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics, dịch vụ du lịch sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao của thành phố; phát triển theo hướng đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi, đô thị hoá có bản sắc riêng, gắn với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân năm sau cao hơn năm trước; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội.

Mục tiêu cụ thể nêu rõ: Đến năm 2025, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và thương mại, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp (theo tỷ lệ lần lượt khoảng 57%, 35%, 8%). Phấn đấu hình thành đô thị trung tâm Hòa Vang và từ 2-3 khu đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi. Xúc tiến đầu tư 2 khu công nghiệp mới, từ 2-3 cụm công nghiệp, trung tâm logistics; hình thành từ 2-3 vùng nông nghiệp công nghệ cao (trong đó nghiên cứu một số vùng đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công); phát triển thêm từ 2-3 khu dịch vụ, du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu lịch sử, văn hóa và trải nghiệm nông nghiệp quy mô lớn.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Vang, cho hay, để Hòa Vang phát triển theo hướng đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi, đô thị hóa có bản sắc riêng, trước hết phải làm tốt công tác lập quy hoạch chung, tổ chức quản lý quy hoạch xây dựng theo hướng đồng bộ, gắn phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới nâng cao nhưng phải bảo đảm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa làng quê, nông thôn cũng như văn hóa lịch sử và truyền thống địa phương.

UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu đô thị sinh thái trên địa bàn huyện Hòa Vang, gồm: Khu đô thị sinh thái Hồ Trước Đông (tại Quyết định số 4609/QĐ-UBND ngày 11-7-2016) với diện tích khoảng 99ha; Khu biệt thự sinh thái phía tây đường tránh Nam hầm Hải Vân (tại Quyết định số 8318/QĐ-UBND ngày 5-11-2015) với diện tích khoảng 97ha; Khu đô thị sinh thái phía bắc đường Hoàng Văn Thái (tại Quyết định số 8292/QĐ-UBND ngày 4-11-2015) với diện tích khoảng 87ha và Khu biệt thự sinh thái phía đông đường tránh Nam hầm Hải Vân (tại Quyết định số 8293/QĐ-UBND ngày 4-11-2015) với diện tích khoảng 60ha.

Ngoài ra, hiện nay có một số nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm các khu đô thị sinh thái trên địa bàn huyện như: Khu đô thị sinh thái hiện đại tại xã Hòa Tiến; Khu đô thị sinh thái tại xã Hòa Liên… UBND thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 10-6-2021, giao các Ban quản lý của thành phố, UBND huyện Hòa Vang tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các xã nông thôn để cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung.

Ông Nguyễn Tấn Phát cho biết thêm, UBND huyện Hòa Vang đang phối hợp đơn vị tư vấn triển khai lập quy hoạch quy hoạch chung các xã nông thôn, trong đó nghiên cứu tổ chức không gian đô thị hài hòa với thiên nhiên và kiến trúc truyền thống của vùng nông thôn theo hướng đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi, đô thị hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn, huyện sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và điều hành của chính quyền các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy dân chủ, sự đồng thuận và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế... để góp phần xây dựng huyện sớm trở thành đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi, có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, hiện đại, có kinh tế phát triển, trở thành đơn vị hành chính phù hợp với tiến trình đổi mới và phát triển của thành phố.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.