Hỗ trợ đồng bào Cơ tu phát triển kinh tế

.

Chính quyền các cấp huyện Hòa Vang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng hỗ trợ đồng bào dân tộc Cơ tu tại các xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Phú tập trung phát triển kinh tế, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.

Nuôi heo đen từ năm 2015, hiện nay kinh tế gia đình ông Lê Văn Hoàng (sinh năm 1979, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú) khấm khá, có của ăn của để. Những ngày đầu, việc chăn nuôi mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa nắm vững kỹ thuật nên gặp nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm làm giàu và sự hỗ trợ kỹ thuật, chi phí chuồng trại từ UBND xã, đến năm 2018, mô hình nuôi heo của ông Hoàng đã mang lại nguồn thu ổn định.

“Mô hình nuôi heo mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng cho gia đình tôi mỗi năm. Giống heo đen, heo rừng lai rất được thực khách ưa chuộng nên dễ tiêu thụ. Trước hiệu quả mang lại, năm nay tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ 2-3 hộ trong thôn cùng nuôi để nhân rộng mô hình, cùng nhau làm giàu. Bên cạnh nuôi heo đen, tôi còn trồng thêm khoảng 300 gốc sầu riêng, dừa và chuối để có thêm nguồn thu nhập”, ông Hoàng cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Thị Lý, 2 năm qua, Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào Cơ tu. Chính vì vậy, hằng năm, UBND xã đã tổ chức đối thoại để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó xây dựng phương án, kế hoạch phát triển kinh tế. Hiện nay, bên cạnh mô hình sản xuất rượu cần Phú Túc, xã Hòa Phú còn thí điểm mô hình nuôi heo đen giúp nhiều hộ gia đình có thêm việc làm và nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, UBND xã khuyến khích đẩy mạnh phục hồi kinh tế vườn hộ, cây trồng, con vật nuôi; đồng thời kết nối, tìm việc làm cho người dân tại các khu du lịch như: Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Hòa Phú Thành, Suối Hoa…

Trong khi đó, tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc), nhiều hộ đồng bào có 3-5ha rừng keo lá tràm. Nhờ được giao rừng, đời sống người dân khấm khá hơn. Được giao 5 ha rừng từ năm 2010, đến nay hộ ông Đinh Văn Cư (sinh năm 1983, thôn Tà Lang) đã thu hoạch được 2 vụ, trừ tất cả các chi phí, gia đình ông thu nhập khoảng 60 triệu đồng/1ha. Ông Cư chia sẻ: “Nhờ chủ trương giao rừng, hỗ trợ kỹ thuật trồng cũng như cây giống từ chính quyền địa phương, đời sống người Cơ tu đã ấm no hơn trước nhiều, ai cũng có nhà kiên cố, khang trang”.

Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam cho biết, đa phần địa hình của xã là đồi núi, nên trồng rừng mang lại việc làm và thu nhập chủ yếu cho người dân địa phương. Thời gian qua, thực hiện chủ trương giao đất cho đồng bào dân tộc, UBND huyện Hòa Vang đã xây dựng phương án, trình thành phố phê duyệt và tổ chức bàn giao 421ha rừng cho 116 hộ đồng bào Cơ tu tại 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí trồng rừng phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện tại, có 102 hộ canh tác trên diện tích 395,8ha. Đồng thời, xã hỗ trợ kinh phí trồng rừng trong 2 năm 2018 và 2019 với số tiền 744 triệu đồng.

“Chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giới thiệu việc làm cho đồng bào Cơ tu; hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay từ nguồn quỹ giảm nghèo và từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hòa Vang với số tiền hơn 5 tỷ đồng để người dân 2 thôn đồng bào dân tộc vay, phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Trong thời gian đến, xã tiếp tục triển khai mô hình du lịch cộng đồng homestay gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ tu tại 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí, giúp bà con phát triển kinh tế”, ông Nam nói.

NGUYỄN QUANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích