Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2022)

Hành trình về nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

.

ĐNO - Tết đến, xuân về, ai cũng nhớ về nguồn cội. Nhân kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2022), cùng ôn lại chặng đường trở về Tổ quốc vô cùng gian lao vất vả của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong quãng thời gian từ năm 1932 đến 1942, chúng ta càng thấy phải phát huy trọng trách của mình trong việc học tập và đi theo con đường mà Người đã chọn, vì Tổ quốc là trên hết, để tiếp tục sự nghiệp đổi mới, để đất nước vươn lên tầm cao mới, xứng đáng với lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. 

Hồ Chủ tịch lội suối đi công tác ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu
Hồ Chủ tịch lội suối đi công tác ở chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Ngày 6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hồng Kông và được luật sư người Anh F.H. Loseby bênh vực, vụ án kéo dài sang năm 1932. “Tháng 1, ngày 26 - Đơn kháng án của Nguyễn Ái Quốc do Toà án tối cao Hồng Kông chuyển lên, Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh ở Luân Đôn đã nhận được”. Mãi đến “tháng 8, trước ngày 15, Nguyễn Ái Quốc vẫn yêu cầu chính quyền Hồng Kông cho mình được sang Anh theo điều khoản thoả thuận vì phải sang Trung Quốc là một mối nguy hiểm cho mình…”(*) 

Bị giam lâu ngày, Nguyễn Ái Quốc bị bệnh, nhưng vẫn kiên trì đòi thực hiện điều khoản có lợi cho mình. Tháng 12, ngày 28, Nguyễn Ái Quốc được đưa ra khỏi bệnh viện và được tự do.

Một năm rưỡi bị giam cầm ở xứ người, không thân thích, quyền tự do mà Nguyễn Ái Quốc giành được chứng tỏ nghị lực phi thường và uy tín quốc tế của Người, ngay cả khi chưa đảm nhận trọng trách gì.

Để có thể vượt qua một thập kỷ, đến ngày đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc (ngày 28-1-1941), Nguyễn Ái Quốc đã trải qua những năm tháng rất khó khăn, được thể hiện trong tác phẩm “Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức của một bà mẹ Nga” (NXB Thanh niên, 2007 - tái bản 2008) của nhà văn, anh hùng lao động Sơn Tùng. “Bà mẹ Nga” - bà Vêra, “người gần gũi làm việc với Nguyễn Ái Quốc nhiều thời kỳ 1923-1924, 1925-1928 và 1934-1938” từng làm việc trong “Ban La tinh” Quốc tế Cộng sản, rồi chuyên trách công tác của trường Đại học Phương Đông mang tên Staline…

Những “khó khăn” và bản lĩnh của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn này cũng đã được “Biên niên tiểu sử” (Tập 2) tóm lược như sau: “…Người phải trải qua nhiều gian khổ và cả những đau khổ về thể chất lẫn tinh thần trong cuộc đấu tranh đầy gian truân và hy sinh to lớn của mình. Hai lần bị giam cầm trong xà lim và ngục tù của bọn đế quốc phản động, cả hai lần đều bị ốm nặng và có tin đã chết (!). Trong việc đấu tranh để xác lập và bảo vệ đường lối cách mạng đúng đắn chống mọi khuynh hướng “tả” và hữu trong Đảng ta và trong Quốc tế Cộng sản, Người đã bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì giữ vững quan điểm sáng tạo, đúng đắn của mình. Bằng dũng khí và trí tuệ, với sự tế nhị khéo léo, với ý thức tổ chức, kỷ luật, Người đã phấn đấu quyết liệt và bền bỉ để Đảng, do Người sáng lập, đi đúng đường lối mà Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định và ngày càng lớn mạnh…”    

Có thể nói, “cột mốc” 108 nằm trên biên giới Việt - Trung (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), nơi Người đặt chân lên địa đầu Tổ quốc đầu xuân 1941 (ngày 8-2 Người về Hang Pắc Bó) đồng thời là “cột mốc” đánh dấu thắng lợi cuộc chiến đấu tìm đường cứu nước và “bảo vệ đường lối cách mạng đúng đắn” của mình - cuộc chiến đấu có thể nói là trường kỳ và đầy cam go vì Tổ quốc, đồng thời chứng tỏ  “dũng khí và trí tuệ” phi thường của Người.  

Nhờ thế, bắt đầu mùa xuân 1942, cách đây tròn 80 năm, Người đã triển khai hàng loạt hoạt động tuyên truyền và tổ chức lực lượng Việt Minh trong nước tại biên giới phía Bắc.

Tháng 2-1942, tác phẩm "Lịch sử nước ta" gồm 208 câu lục bát của Nguyễn Ái Quốc xuất bản lần đầu tiên, nêu bật truyền thống yêu nước, bất khuất và đoàn kết của dân tộc. Mở đầu tác phẩm, Người viết:

Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Kể năm hơn bốn ngàn năm,

Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà”

Người rút ra một kết luận có tính nguyên tắc, một bài học rất lớn, bài học đoàn kết:

“Dân ta xin nhớ chữ đồng:

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!”.

Theo “Biên niên tiểu sử”, “Khoảng tháng 7, Nguyễn Ái Quốc chủ trương “Nam tiến” mở thêm đường liên lạc tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn và tuyến Cao Bằng - Bắc Cạn - Thái Nguyên để liên lạc thuận tiện với Thường vụ Trung ương Đảng và tạo điều kiện phát triển cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang.

Tháng 8, ngày 13

Buổi tối, với tên mới Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam và lực lượng Đồng minh".

Nhưng đúng là “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chỉ ít ngày sau, ngày 27-8, Người đi đến huyện Thiên Bảo (tỉnh Quảng Tây) thì bị quân tuần cảnh ở trụ sở của Quốc dân Đảng bắt giữ. Từ đây, Người lại phải trải cảnh tù đày, bị giải qua nhiều nơi. Nhưng ngay trong những ngày bị giam cầm đầu tiên, khí phách Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thể hiện qua bài thơ nổi tiếng, được viết tại nhà lao huyện Tĩnh Tây trong tháng 9-1942:

"Thân thể ở trong lao,

Tinh thần ở ngoài lao;

Muốn nên sự nghiệp lớn,

Tinh thần càng phải cao" .

Mãi đến tháng 9-1943, Người mới được trả lại tự do và trở về hang Pắc Bó (Cao Bằng) tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng đang dâng cao thời kỳ Tiền khởi nghĩa 1945…

Ngày xuân 2022, nhớ lại quãng thời gian 10 năm 1932-1942 vô cùng gian nan và đầy thử thách trên đường về Tổ quốc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấy phải phát huy trọng trách của mình trong việc học tập và đi theo con đường mà Người đã chọn, vì Tổ quốc là trên hết, để tiếp tục sự nghiệp đổi mới, để đất nước vươn lên tầm cao mới, xứng đáng với lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

TRUNG SƠN

(*) Những tư liệu trong bài trích từ “Biên niên tiểu sử Hồ Chí Minh” - NXB Chính trị quốc gia Sự thật.

;
;
.
.
.
.
.