Đà Nẵng chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ nhiệm kỳ hiện tại và kế tiếp

.

Ngày 16-3-2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quy định số 3580-QĐ/TU về công tác quy hoạch cán bộ,  xoay quanh nội dung này, Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy để thông tin cụ thể hơn về quy định và những dự kiến trong việc triển khai công tác quy hoạch cán bộ thời gian đến tại thành phố Đà Nẵng.

ng Nguyễn Đình Vĩnh (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy.

Công tác quy hoạch cán bộ được triển khai xây dựng một cách chủ động, bài bản và thận trọng, kỹ lưỡng

* Thưa ông, ông có thể cung cấp cho bạn đọc rõ hơn về quá trình xây dựng Quy định số 3580-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác quy hoạch cán bộ?

- Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27-12-2021 về công tác quy hoạch cán bộ, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy nghiên cứu, tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành quy định về công tác quy hoạch cán bộ trong hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố.

Tiếp đó, ngày 15-2-2022, Ban Tổ chức Trung ương đã có Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW hướng dẫn một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ, trong đó làm rõ, cụ thể thêm một số điểm còn có những cách hiểu khác nhau, dễ dẫn đến sự thiếu thống nhất, không đồng bộ khi triển khai Quy định số 50-QĐ/TW.

Để các cơ quan, đơn vị thuận lợi trong việc cụ thể hóa văn bản của cấp mình về công tác quy hoạch cán bộ, hạn chế việc phải tham chiếu nhiều văn bản khác nhau; Ban Tổ chức Thành ủy đã nghiên cứu, tích hợp, kế thừa và chuyển tải nội dung quy định, hướng dẫn của Trung ương vào dự thảo Quy định của Ban Thường vụ Thành ủy; đồng thời, qua đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai công tác quy hoạch cán bộ và rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ ở những nhiệm kỳ gần đây, Quy định đã được bổ sung nhiều điều khoản mới phù hợp với đặc thù, tình hình đội ngũ cán bộ của thành phố hiện nay và định hướng trong nhiệm kỳ đến; Quy định của Bộ Chính trị có 13 điều khoản thì Quy định của Ban Thường vụ Thành ủy được cụ thể hóa, bổ sung thành 15 điều khoản và trong từng điều khoản có bổ sung, xác lập một số nguyên tắc, cách thức thực hiện mới để việc triển khai thực hiện công tác quy hoạch cán bộ thành phố được chặt chẽ, đồng bộ và có chất lượng.

Trước khi trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, ban hành, dự thảo quy định đã được thảo luận, bổ sung, hoàn thiện nhiều lần, trong đó đã qua 3 lần gửi xin ý kiến của các cơ quan có liên quan (nhất là những cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chính trong công tác quy hoạch cán bộ) và tham vấn Vụ Địa phương 2, Ban Tổ chức Trung ương. Có thể khẳng định, Quy định của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác quy hoạch cán bộ được triển khai xây dựng một cách chủ động, bài bản và thận trọng, kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, thực tiễn khách quan luôn sinh động và biến đổi không ngừng, một văn bản không thể bao quát hết các tình huống cụ thể xuất hiện trong ở cơ sở nên các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị căn cứ đặc thù, tình hình tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình có trách nhiệm cụ thể hóa Quy định số 3580-QĐ/TU; chủ động xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện, xác định đối tượng quy hoạch thật sự cụ thể đối với các chức danh do cấp mình quản lý và chịu trách nhiệm về nội dung mình quy định.

Hiện nay, công tác quy hoạch cán bộ được thành phố triển khai xây dựng một cách chủ động, bài bản, thận trọng và kỹ lưỡng.  Trong ảnh: Cán bộ, công chức bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố làm thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: NGỌC PHÚ
Hiện nay, công tác quy hoạch cán bộ được thành phố triển khai xây dựng một cách chủ động, bài bản, thận trọng và kỹ lưỡng. TRONG ẢNH: Cán bộ, công chức bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố làm thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: NGỌC PHÚ

* Vậy ông có thể chia sẻ về vị trí, vai trò của việc ban hành quy định của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác quy hoạch cán bộ?

- Để nêu được về vị trí, vai trò của việc ban hành quy định lần này, chúng ta cần nhìn về công tác triển khai quy hoạch cán bộ ở những nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 5-11-2012 về công tác quy hoạch cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30-1-2004 của Bộ Chính trị và Kết luận số 24-KL/TW ngày 5-6-2012 của Bộ Chính trị.

Đến nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW ngày 24-2-2017 sửa đổi, bổ sung một số nội dung về công tác quy hoạch cán bộ nêu tại Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW và cùng với đó, Ban Tổ chức Thành ủy đã cụ thể hóa, ban hành Hướng dẫn số 01-HD/BTCTU ngày 1-7-2016 và Hướng dẫn số 02-HD/BTCTU ngày 10-3-2017 về công tác quy hoạch cán bộ của thành phố. Có thể thấy, xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ, đây là lần đầu tiên Trung ương cũng như thành phố ban hành một quy định riêng về công tác quy hoạch cán bộ.

Ở những nhiệm kỳ trước, việc chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác quy hoạch cán bộ được lồng ghép trong các nghị quyết, chỉ thị về công tác cán bộ. Quy hoạch cán bộ là khâu có vai trò trọng yếu, có tính “bản lề” trong công tác cán bộ, có quan hệ hữu cơ với các khâu khác như tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, sử dụng, đánh giá, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ. Vì vậy, một khi công tác quy hoạch cán bộ không được triển khai, thực hiện tốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ cán bộ và trong quá khứ cũng đã có nơi, có lúc bị động, hụt hẫng nguồn cán bộ.

Nhận thức được về tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ và nhờ sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy, nhờ sự chủ động, kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng dự thảo nên Quy định số 3580-QĐ/TU ngày 16-3-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy cơ bản tổng thể, bao quát về phạm vi, đối tượng áp dụng; hướng đến sự cụ thể, chi tiết, đầy đủ về điều khoản thực hiện; có sự phân cấp, ràng buộc trong phân công trách nhiệm; và đồng thời, đảm bảo sự chặt chẽ, khách quan, dân chủ về quy trình, các bước triển khai.

* Như ông đã đề cập, quy định về công tác quy hoạch cán bộ ở nhiệm kỳ này có những điểm mới so với nhiệm kỳ trước, trong đó có những nội dung được cụ thể hóa trên cơ sở tình hình đội ngũ cán bộ thành phố hiện nay và định hướng trong thời gian đến. Vậy những điểm mới chính trong quy định là gì?

- Thứ nhất, để bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ và để công tác quy hoạch có trọng tâm, trọng điểm và thực hiện tốt nguyên tắc “động” và “mở” trong quy hoạch cán bộ, quy định đã xác lập nguyên tắc “coi trọng chất lượng, không vì số lượng, cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn hoặc quy hoạch tỷ lệ tối đa cho phép”. Những nhiệm kỳ trước, quy định tỷ lệ tối đã cho phép trong quy hoạch là từ  1,5-2 lần, 1 chức danh quy hoạch không quá 4 người và 1 người không quá 3 chức danh; thì lần này tỷ lệ tối đa cho phép trong quy hoạch giảm xuống còn 1-1,5 lần, 1 chức danh chỉ được quy hoạch không quá 3 người và 1 người không quá 3 chức danh ở cùng một cấp phê duyệt quy hoạch. Đồng thời, không nhất thiết phải quy hoạch tỷ lệ tối đa cho phép để giữ khoảng trống bổ sung những nhân tố có phẩm chất tốt, thành tích nổi trội khi thực hiện việc rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm.

Thứ hai, đó là tính đồng thời trong quy hoạch cán bộ. Mục đích chính của quy hoạch là tìm kiếm, phát hiện, xây dựng nguồn cán bộ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, để xem xét đưa vào “bệ phóng”. Thời gian trước, có những trường hợp thực hiện quy trình quy hoạch cán bộ đồng thời với việc thực hiện quy trình bổ nhiệm bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, như vậy xét về quy trình, quy định là đúng, đầy đủ so với quy định nhưng mục đích của công tác quy hoạch cán bộ đã thật sự không được phát huy. Lần này, quy định rất cụ thể, không được thực hiện quy hoạch đồng thời với việc đề xuất bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vào chức danh quy hoạch chỉ được thực hiện sau khi phê duyệt quy hoạch ít nhất 3 tháng.

Thứ ba, là về độ tuổi của cán bộ được xem xét, giới thiệu để đưa vào quy hoạch. Ở những nhiệm kỳ trước cũng đã định hướng quy hoạch cán bộ phải bảo đảm 3 độ tuổi, giãn cách giữa các độ tuổi là 5 năm, và tuổi giới hạn “trần” của cán bộ được quy hoạch là ít nhất phải còn đủ một nhiệm kỳ bổ nhiệm, ứng cử (5 năm - 60 tháng). Lần này, để có thời gian đào tạo cán bộ sau khi được vào danh sách quy hoạch, quy hoạch cán bộ ở nhiệm kỳ kế tiếp phải còn đủ tuổi công tác nhiệm kỳ (120 tháng), ít nhất phải trọn 1 nhiệm kỳ kế tiếp đó (60 tháng), tính từ thời điểm đại hội ở nhiệm kỳ kế tiếp; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ hằng năm cho nhiệm kỳ hiện tại phải đủ tuổi công tác ít nhất từ 72 tháng trở lên.

Thứ tư, lần đầu tiên công tác quy hoạch cán bộ được xác lập rõ nguyên tắc quy hoạch cấp ủy các cấp phải gắn với quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý. Nguyên tắc này sẽ giúp tạo sự đồng bộ trong đào tạo, bồi dưỡng cũng như sắp xếp, bố trí cán bộ; tránh hiện tượng vênh, lúng túng khi sắp xếp, bố trí hay bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý có cơ cấu cấp ủy hoặc các chức danh lãnh đạo trong Đảng.

Thứ năm, công tác quy hoạch cán bộ được phân cấp mạnh mẽ, xác định một cách hợp lý về thẩm quyền; công tác quy hoạch cán bộ được đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy Đảng, đồng thời nêu cao, phát huy trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý và cá nhân người đứng đầu. Đây cũng là lần đầu tiên, nhân sự được giới thiệu quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các sở, ban, ngành và tương đương trước khi trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, phê duyệt quy hoạch phải được Ban cán sự Đảng UBND thành phố, các đảng đoàn cho thẩm định, cho ý kiến. Cùng với đó, đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý đã được phân cấp cho các đơn vị, địa phương quản lý thì cấp ủy, tập thể lãnh đạo, quản lý ở nơi đó xem xét, phê duyệt quy hoạch và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Ngoài ra, quy định cũng bổ sung nhiều điều khoản khác, xác lập những nguyên tắc, quan điểm mới nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch cán bộ và rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ ở những nhiệm kỳ trước; hướng đến sự minh bạch, khách quan, tổng thể và xây dựng được nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ.

Chủ động, đồng bộ, có tầm nhìn xa

Hiện nay, công tác quy hoạch cán bộ được thành phố triển khai xây dựng một cách  chủ động, bài bản, thận trọng và kỹ lưỡng. Trong ảnh: Cán bộ, viên chức phường Tân Chính (quận Thanh Khê)tiếp nhận giải quyết thủ tục cho tổ chức, công dân. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Hiện nay, công tác quy hoạch cán bộ được thành phố triển khai xây dựng một cách chủ động, bài bản, thận trọng và kỹ lưỡng. TRONG ẢNH: Cán bộ, viên chức phường Tân Chính (quận Thanh Khê) tiếp nhận giải quyết thủ tục cho tổ chức, công dân. Ảnh: LAM PHƯƠNG

* Để công tác quy hoạch cán bộ được tổ chức thực hiện thành công, theo ông về phía các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần phải làm những gì?

- Để chuẩn bị, tạo nguồn được nguồn cán bộ có chất lượng, xây dựng được lực lượng nhân sự “vừa hồng, vừa chuyên” đòi hỏi công tác quy hoạch cán bộ phải được thực hiện chủ động, đồng bộ, có tầm nhìn xa, bảo đảm bao quát nhưng cũng phải cụ thể, đầy đủ.

Về phương pháp tiếp cận và cách thức thực hiện, trước hết tôi xin nhắc lại câu chuyện ngụ ngôn “thầy bói xem voi”, lý do mỗi thầy bói cảm nhận con voi với các hình thái khác nhau là bởi mỗi người trong số họ chỉ “thấy” vào một phần (bộ phận) của con voi.

Nói cách khác, mỗi người chỉ nhìn nhận, đánh giá ở một góc độ, một chi tiết của đối tượng (tất nhiên là đúng sự thật) rồi chủ quan đưa ra nhận định của mình, thiếu cái nhìn đa chiều, khách quan, và chưa thận trọng, kỹ lưỡng trong đánh giá, phân tích. Thực tế con voi có tất cả các đặc điểm mà mỗi thầy bói mô tả, nhưng để biết được đó là con voi chỉ khi tất cả các góc độ, tất cả các chi tiết được gộp, kết hợp lại.

Vì vậy, cần nhận thức rằng việc thực hiện công tác quy hoạch cán bộ không chỉ căn cứ riêng lẻ một số tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, đặc thù hay hoàn cảnh, tình hình cụ thể nào. Công tác quy hoạch cán bộ không chỉ vận hành trong một cơ quan, đơn vị hay một địa phương mà cần đặt trong tổng thể và có sự kết hợp, liên thông giữa các ngành, giữa thành phố với các địa phương và ngược lại.

Phải đảm bảo tính cân đối, hợp lý, hài hòa, đồng bộ và toàn diện giữa nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ cụ thể với thực trạng đội ngũ cán bộ hiện có; giữa nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ với cán bộ có kinh nghiệm, cán bộ lớn tuổi; giữa quy hoạch cấp ủy với quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý; giữa nguồn tại chỗ và nguồn từ nơi khác; giữa phẩm chất, đạo đức với trình độ, năng lực chuyên môn... Do đó khi đánh giá, xem xét giới thiệu nhân sự vào quy hoạch cần có sự phân tích khách quan, thấu đáo, nhiều chiều để tìm, phát hiện được nhân sự đáp ứng yêu cầu.

Về thời gian và tiến độ, để chủ động triển khai thực hiện và bảo đảm đồng bộ, kịp thời gian theo quy định chung của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần bám sát theo Kế hoạch số 52-KH/TU ngày 16-3-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2025-2030, 2026-2031.

Ngoài ra, các cấp ủy, tập thể lãnh đạo các cơ quan đơn vị cần trách nhiệm hơn nữa trong việc nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí của công tác quy hoạch cán bộ; phải xem công tác quy hoạch cán bộ là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ là trách nhiệm riêng của một cá nhân, hay tập thể nào. Lãnh đạo thực hiện đồng bộ, nhuần nhuyễn và đảm bảo chặt chẽ, khách quan các nguyên tắc, yêu cầu trong quy hoạch cán bộ cũng như các bước trong quy trình quy hoạch cán bộ; có như thế nhiệm vụ về quy hoạch cán bộ mới đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, mới để xây dựng nguồn cán bộ có chất lượng, có sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ.

* Về phía cơ quan tham mưu về công tác cán bộ (ở đây là Ban Tổ chức Thành ủy), đã và sẽ cần tập trung vào những nhiệm vụ gì thưa ông?

- Để không bị động về những quan điểm, nguyên tắc, phương pháp và cách thức mới về quy hoạch cán bộ, ngay từ khi Trung ương xây dựng các dự thảo quy định, hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy đã chủ động, có trách nhiệm tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy tham gia góp ý, xây dựng các dự thảo; trong đó có đề xuất những quan điểm, ý tưởng mới và được Trung ương tiếp thu, đưa vào quy định, Hướng dẫn lần này.

Sau đó, để các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố sớm tiếp cận, nghiên cứu để chủ động trong triển khai công tác quy hoạch cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy đã mời thường trực cấp ủy và lãnh đạo ban tổ chức cấp ủy các quận ủy, huyện ủy, Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố, Đảng ủy Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tham dự các hội nghị trực tuyến của Trung ương về quán triệt và giải đáp các thắc mắc đối với các văn bản mới liên quan đến công tác quy hoạch cán bộ. Được sự cho phép của Thường trực Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy cũng sẽ tổ chức hội nghị quán triệt Quy định số 3580-QĐ/TU và Kế hoạch số 52-KH/TU về công tác quy hoạch cán bộ cho các đối tượng vừa nêu.

Trong quá trình các Đảng ủy trực thuộc Thành ủy triển khai, thực hiện quy hoạch cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ luôn đồng hành và cử cán bộ có chuyên môn theo sát, hướng dẫn và sớm cùng tháo gỡ các vướng mắc phát sinh (nếu có). Những nội dung vượt quá thẩm quyền hoặc ngoài các quy định hiện hành, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ trao đổi, xin ý kiến Ban Tổ chức Trung ương hoặc báo Ban Thường vụ Thành ủy để xem xét, cho ý kiến chỉ đạo. Song song đó, sẽ chủ động rà soát, đánh giá nguồn cán bộ để dự kiến danh sách nguồn nhân sự cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Tuân thủ nguyên tắc “lấy quy hoạch cấp dưới để làm cơ sở quy hoạch cấp trên”, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định, tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, phê duyệt quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý (quy hoạch các chức danh cấp trưởng, cấp phó các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố) trước khi Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện các bước tiếp theo thuộc quy trình quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp thành phố.

* Có thể thấy nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề, ông có thể dự kiến, đánh giá về kết quả công tác quy hoạch cán bộ lần này?

- Công tác quy hoạch cán bộ là công việc khó, phức tạp, có sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan; tôi tin tưởng rằng với sự sâu sát, thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy trong thời gian qua và giai đoạn sắp đến, với sự quyết tâm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, công tác quy hoạch cán bộ lần này sẽ được tổ chức thực hiện một cách chủ động, đồng bộ và kịp tiến độ, lộ trình đã đề ra; Đà Nẵng sẽ chủ động được nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ kế tiếp.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

NHẬT QUANG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.