Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025.
Theo đó, nội dung và biện pháp tổng thể của kế hoạch gồm: hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về phòng, chống thiên tai; thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, kỹ năng, nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; điều tra cơ bản về phòng, chống thiên tai; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phương án phòng, chống thiên tai; khoa học công nghệ; hợp tác quốc tế; đầu tư cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai.
Đặc biệt, kế hoạch cũng nêu ra 8 nội dung phòng, chống thiên tai cần lồng ghép vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành và kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương... 8 nội dung gồm: bảo đảm không gian thoát lũ qua hệ thống đường bộ, đường sắt và bố trí dân cư, di dời những hộ dân sinh sống tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập sâu và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng (công sở, trường học, trạm xá, nhà văn hóa,...) kết hợp làm nơi sơ tán phòng, tránh thiên tai cho người dân; phòng, chống hạn hán, mặn, lũ lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ quét, sạt lở đất, sóng thần và xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước; quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai; truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành, khai thác, xây dựng công trình phòng, chống thiên tai; hợp tác quốc tế; xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
NAM TRÂN