Chính trị - Xã hội
Ngày nước thế giới (22-3): Bảo vệ nguồn nước ngầm
Bên cạnh tăng cường các giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt, thành phố cũng triển khai các giải pháp bảo vệ, hạn chế khai thác nước dưới đất (nước ngầm). Đặc biệt, hưởng ứng ngày nước thế giới (22-3) năm nay với chủ đề là “Nước ngầm”, Sở Tài nguyên và Môi trường đã công bố bản đồ và danh mục phân vùng hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố.
Theo các nhà khoa học, việc khai thác nước ngầm quá mức sẽ làm hạ thấp mực nước ngầm, gây sụt lún mặt đất, sạt lở bờ biển. TRONG ẢNH: Khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, nơi có lượng nước ngầm được khai thác nhiều. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Đi trên các tuyến đường ven biển, nhất là đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa..., người đi đường không khó nhìn thấy nhân viên các khu nghỉ dưỡng sử dụng nước được bơm lên từ dưới mặt đất để tưới cây với trữ lượng lớn để tưới diện tích cây xanh rất rộng và cần nhiều nước. Nhiều công nhân chăm sóc cây xanh công cộng cũng sử dụng máy bơm, hút nước ngầm lên để tưới cây xanh... Trong khi đó, từ lâu, các nhà khoa học đã cảnh báo tình trạng khai thác nước ngầm quá mức sẽ làm hạ thấp mực nước ngầm, gây sụt lún mặt đất, sạt lở bờ biển tại Đà Nẵng.
TS. Nguyễn Thị Minh Phương (Đại học Duy Tân Đà Nẵng) cho rằng: “Nước ngầm bị khai thác quá mức sẽ làm suy yếu cấu trúc của tầng chứa nước, khiến bề mặt bị sụt lún. Nếu sự sụt lún này xuất hiện tại giao diện giữa biển và bờ sẽ dẫn đến sự tăng cường hoạt động của sóng và hậu quả là quá trình sạt lở bờ biển sẽ diễn ra. Do đó, thành phố cần có giải pháp tổng thể, trong đó tránh các hoạt động làm cạn kiệt nguồn nước ngầm”.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, những năm qua, thành phố rất quan tâm công tác quản lý tài nguyên nước ngầm nên đã có các đề án, chương trình điều tra về tài nguyên nước ngầm. UBND thành phố đã chỉ đạo điều tra và nghiên cứu, xác định được trữ lượng nước ngầm trên địa bàn theo tính toán là 342.437m3/ngày, trong đó, trữ lượng nước trong các tầng chứa nước lỗ hổng là 125.964m3/ngày và trong các tầng chứa nước khe nứt là 216.473m3/ngày. Tuy nhiên, thành phố chỉ xác định trữ lượng nước ngầm có thể khai thác được là 73.898m3/ngày, chiếm 21,6% trữ lượng nước ngầm tính toán.
Trong quá trình cấp phép khai thác nước ngầm, UBND thành phố yêu cầu đánh giá từng công trình, nhất là về quy hoạch và thăm dò, đánh giá trữ lượng lẫn chất lượng nước ngầm. Đặc biệt, nhằm hạn chế khai thác nguồn nước ngầm, ngày 14-3, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức công bố danh mục, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 339/QĐ-UBND ngày 25-1-2022 của UBND thành phố với diện tích hạn chế khai thác là 248,607km2 thuộc 55/56 xã, phường với 3 vùng hạn chế.
Theo đó, vùng hạn chế 1 có tổng diện tích 89,985km2 ở 30 xã, phường, trong đó, khu vực có biên mặn (ranh mặn) có diện tích 36,613km2 ở 23 phường, xã; khu vực có bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung 4,884km2 ở phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu); khu vực có nghĩa trang tập trung là 49,341km2 tại 9 phường, xã.
Trong phạm vi vùng hạn chế 1, dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước ngầm hiện có và trám, lấp các giếng; trong khu vực liền kề vùng hạn chế 1 thì không được cấp phép thăm dò, khai thác, xây dựng thêm công trình khai thác nước ngầm mới... và trám, lấp giếng, dừng hoạt động khai thác đối với công trình khai thác không có giấy phép. Vùng hạn chế 3 bao gồm các khu dân cư, khu công nghiệp tập trung đã có hệ thống cấp nước với tổng diện tích 221,499km2 tại 54 phường, xã.
Hiện nay, thành phố triển khai các giải pháp để bảo vệ nguồn nước ngầm. TRONG ẢNH: Nhân viên một khu nghỉ dưỡng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn bơm nước ngầm để tưới cây. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Đối với vùng hạn chế 3 không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới; công trình không có giấy phép thì dừng khai thác và thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng theo quy định. Vùng hạn chế hỗn hợp là các khu vực thuộc vùng hạn chế 1 và 3 bị chồng lấn nhau với diện tích 62,877km2 tại 29 phường, xã, thì áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước ngầm như đối với vùng hạn chế 1 và 3.
Hiện nay trên địa bàn các quận, huyện có 218 công trình khai thác nước ngầm có lưu lượng khai thác từ 10m3/ngày/công trình trở lên với tổng lưu lượng khai thác hơn 13.700m3/ngày, trong đó, nhiều nhất là quận Ngũ Hành Sơn với 136 công trình có tổng lưu lượng khai thác nước ngầm đến 6.321m3/ngày; quận Sơn Trà có 47 công trình, 3.986m3/ngày; quận Liên Chiểu có 22 công trình, 2.575m3/ngày...
Theo bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường), các công trình khai thác nước ngầm tập trung nhiều nhất ở các khu công nghiệp và khu vực ven biển, nhất là tại các nhà máy chế biến thủy sản và khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Nước ngầm được khai thác chủ yếu phục vụ tưới cây, làm sạch mặt bằng... Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra gián tiếp đối với các doanh nghiệp khai thác nước ngầm với yêu cầu phải có báo cáo nghĩa vụ tài chính, sổ nhật ký vận hành khai thác nước ngầm cùng một số yêu cầu kèm theo. Trong 3 năm gần đây, các doanh nghiệp đã thực hiện rất tốt các yêu cầu nói trên và thông qua các báo cáo định kỳ của doanh nghiệp. Nếu Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện doanh nghiệp khai thác vượt trữ lượng cho phép, khai thác không đúng nội dung của giấy phép, làm hại nguồn tài nguyên nước ngầm, không thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính... thì sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành truy thu nghĩa vụ tài chính, xử lý vi phạm hành chính.
“Sắp đến, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp các địa phương tiến hành cắm mốc các vùng hạn chế khai thác nước ngầm theo quy định phân vùng hạn chế để triển khai trám, lấp các giếng, yêu cầu giảm lưu lượng khai thác nước ngầm...”, bà Đặng Nguyễn Thục Anh nói.
Chủ đề ngày nước thế giới năm 2022: “Nước ngầm” Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Liên Hợp Quốc có nghị quyết lấy ngày 22-3 hằng năm là ngày nước thế giới và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993. Ngày nước thế giới năm 2022 được Liên Hợp Quốc chọn chủ đề là “Nước ngầm” (Groundwater), nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Khám phá, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm sẽ là việc làm trọng tâm để tồn tại, thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng. Để hưởng ứng ngày nước thế giới (22-3) và ngày khí tượng thế giới (23-3), Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai treo băng rôn, áp phích và các hội thảo, tọa đàm tuyên truyền các nội dung về giá trị của nước ngầm, thời tiết và khí hậu, công tác dự báo và cảnh báo phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước dưới đất; phát động các phong trào trồng cây, trồng rừng... |
HOÀNG HIỆP