Chính trị - Xã hội

Những dấu son trên mảnh đất anh hùng

13:36, 22/03/2022 (GMT+7)

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, mỗi tấc đất trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn thấm máu và nước mắt của các thế hệ cha anh. Nơi đây sản sinh ra bao dũng sĩ diệt Mỹ, nhiều liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại bên dòng sông Cổ Cò trong xanh huyền thoại. Họ viết nên sử sách của quê hương anh hùng từ những đội quyết tử trụ bám, từ những căn cứ địa bí ẩn trong lòng đất mẹ, từ những trận đánh rực lửa chiến công trên đỉnh núi Ngũ Hành...

Các thành viên đội quyết tử Hòa Hải trở về thăm Nhà truyền thống Hòa Hải vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3) hằng năm.  Ảnh: ANH ĐỨC
Các thành viên đội quyết tử Hòa Hải trở về thăm Nhà truyền thống Hòa Hải vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3) hằng năm. Ảnh: ANH ĐỨC

Phường Hòa Hải những năm đánh Mỹ có một đội quyết tử gồm 53 thanh - thiếu niên mà phần lớn đều rất trẻ, chỉ 10-15 tuổi. Thành lập sau sự kiện Mậu Thân năm 1968 với khẩu hiệu “Quyết tử bám trụ để Tổ quốc quyết sinh”, mục tiêu của đội là phá tan âm mưu của địch dồn dân, bắt dân tạo vành đai trắng vùng ven Đà Nẵng để cô lập và xóa sổ các lực lượng của ta. Chiều 31-3-1969, đội quyết tử bám trụ làm lễ tuyên thệ.

Trong buổi lễ, 53 thành viên dùng máu mình hòa vào mực đỏ viết lên tấm dù trắng với lời thề đanh thép “Sống thì sống trên đất Hòa Hải, chết cũng chết trên đất Hòa Hải. Khắc sâu mối thù giặc Mỹ và bọn tay sai, quyết đánh đến cùng, mỗi ngày ít nhất phải tấn công chúng một trận. Không sợ hy sinh, không sợ ác liệt, dù gian khổ tra tấn, tù đày cũng giữ trọn lòng trung hiếu với Đảng, với dân. Đoàn kết một lòng, sống chết có nhau, tình sâu nghĩa nặng”. Mang trong tim lời thề kiên trung ấy, đội quyết tử kiên cường bám trụ, nêu cao ý chí, làm tròn nhiệm vụ đánh địch và kêu gọi nhân dân giữ làng, nuôi giấu lực lượng cách mạng.

Trước tinh thần quyết tâm bám trụ của các thanh - thiếu niên và sự tuyên truyền vận động của lực lượng cách mạng, nhân dân từ các khu dồn dân của địch dần trở lại làng cũ, bảo vệ làng, che giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng, nối lại hành lang vùng giải phóng. Trong năm 1969, toàn đội tiêu diệt gần 100 tên Mỹ - ngụy, thu nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm trang bị cho lực lượng du kích địa phương. Những chiến công của đội quyết tử góp phần tô thắm truyền thống anh hùng của quân và dân xã Hòa Hải nói riêng, mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung.

Nguyên cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng Mai Thị Liền - một trong các thành viên đội quyết tử ngày ấy, chia sẻ: “Cứ vào ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3 hằng năm, chúng tôi lại cùng nhau trở về tượng đài đội quyết tử bên dòng sông Cổ Cò để tưởng nhớ những đồng đội năm xưa, đến thăm Nhà truyền thống Hòa Hải để ngắm lại tấm dù trắng với lời thề quyết tử bằng máu. 53 năm trôi qua, 53 thành viên của đội giờ còn lại chưa đến 10 người nhưng trong trái tim chúng tôi vẫn khắc sâu những kỷ niệm, lời thề của “Đội quyết tử trụ bám” năm nào. Truyền thống vinh quang và rất đỗi tự hào ấy trở thành động lực để thế hệ hôm nay xây dựng quê hương Hòa Hải ngày càng giàu đẹp”.

Mảnh đất Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn trước đây là xã Hòa Phụng, được biết đến là “đất nghèo sinh những anh hùng, từ trong khói lửa mà vùng đứng lên”. Trong số những người con anh hùng của Hòa Quý, có một cô gái gan lỳ, quả cảm đã trở thành huyền thoại ở Đà thành, tên là Đoàn Thị Thanh Cần.

Tham gia hoạt động địa phương từ tuổi thiếu niên, ban đầu là Trưởng ban Y tế xã Hòa Phụng, sau đó là quân y của Ban Chỉ huy Khu đội Khu 3 Hòa Vang. Vừa trực tiếp chiến đấu vừa phục vụ cứu thương, chị luôn xông pha, có mặt ở những trận chiến ác liệt, nhiều lần bị địch bắt, tra tấn rồi thả ra vì còn quá trẻ. Nguyên Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng Lê Thanh Vân nói: “Tấm gương kiên trung, bám trụ đến cùng của y tá Cần giữa những tháng năm ác liệt nhất đã trở thành động lực thôi thúc cán bộ, chiến sĩ và nhân dân noi theo, không sợ hy sinh gian khổ, quyết tâm đánh giặc đến cùng”.

Tháng 5-1968, Khu đội 3 tập kích đánh sân bay Nước Mặn, y tá Cần bị thương nặng và bị bắt. Trong trại giam, chị bị tra tấn tàn nhẫn. Tưởng chị đã chết, chúng vứt xác ở Bệnh viện Duy Tân. Nhưng với ý chí sắt đá, chị truyền tin về cơ sở và được đồng đội làm quan tài giả, cứu chị thoát ra chiến khu, được đưa ra Bắc và nước ngoài chữa trị suốt 3 năm. Sau hòa bình, dù 7 mảnh đạn vẫn còn ở những vị trí hiểm trên người, đôi lúc lại hành hạ nhưng chị vẫn xông xáo đi nhiều nơi làm công tác thiện nguyện, giúp đỡ đồng bào khó khăn, xây trạm y tế, trường học cho trẻ em nghèo. Tháng 4-2018, chị Đoàn Thị Thanh Cần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Căn cứ lõm K20 ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn là mảnh đất nổi tiếng trong chiến tranh từng nuôi giấu, chở che cho hàng trăm cán bộ Thành ủy Đà Nẵng đi về hoạt động, lãnh đạo nhân dân và phong trào đấu tranh cách mạng trong suốt những năm kháng chiến, trong đó có các đồng chí như Trần Thận, Hồ Nghinh... Từ năm 1945-1975, người dân căn cứ K20 vừa trực tiếp nuôi giấu cán bộ trong 157 căn hầm bí mật, vừa tổ chức đánh giặc tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ - ngụy, tề điệp, kiên cường bám trụ không cho kẻ thù cày xới, bảo vệ an toàn căn cứ suốt hàng chục năm trời.

Những cái tên Ba Vân, Bảy Búa, Năm Thông, Lê Độ… từng đi về, chiến đấu ở căn cứ lõm K20 giờ đi vào lịch sử. Những người dân từng đào hầm nuôi giấu, bảo vệ cán bộ đến cùng như bà Hải, ông Huỳnh Trưng, bà Nhiêu giờ không còn nữa nhưng sự hy sinh cao cả và tinh thần dũng cảm, ngoan cường của họ vẫn còn mãi trên dấu tích của từng kỷ vật trong Nhà truyền thống căn cứ K20.

Nguyên Tổng Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng Nguyễn Trung Kiên, người từng tham gia cách mạng và trú ẩn tại đây trong kháng chiến chống Mỹ, xúc động: “Về thăm từng căn hầm còn sót lại của di tích K20 huyền thoại, tôi lại thêm tự hào về lịch sử, thêm một lần thấy mình còn nặng nợ với quê hương, với những người từng sống, chiến đấu và hy sinh cho đất nước, từ đó cảm nhận phải sống sao cho thật tốt, thật ý nghĩa, để không bao giờ hổ thẹn với quá khứ của quê hương Đà Nẵng anh hùng”.

ANH ĐỨC

.