Ta đi tới…

.

Xin được mượn tứ thơ này của nhà thơ Tố Hữu và cũng là nhan đề bài thơ dài của ông, được viết từ 1954, để nói lên cảm xúc về bước đi của Đà Nẵng hôm nay, nhân dịp thành phố kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng. Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, nhưng thời điểm đó, “Đường giải phóng mới đi một nửa/ Nửa mình còn trong lửa nước sôi” (Ba mươi năm đời ta có Đảng - Tố Hữu). Nhưng cũng chính thời điểm đó, Bác Hồ và Đảng ta đã hoạch định đường đi nước bước cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và phải mất đến hơn hai mươi năm, với biết bao gian khổ, hy sinh, chúng ta đã đạt tới đỉnh cao vinh quang từng mong đợi, non sông thu về một mối. Đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975, đã trở thành tài sản vô giá của dân tộc, là hành trang để chúng ta đi tới những thành tựu vĩ đại hôm nay.

Nhưng chiến thắng kẻ thù ngoại xâm vẫn chưa phải là cái đích cuối cùng trên con đường ta đi tới. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Đất nước được độc lập mà người dân không được hưởng hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì. Ngay sau chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc đã căng mình khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm con đường vượt qua thách thức của bao vây cấm vận, khôi phục và phát triển kinh tế.

Trong khó khăn bộn bề của thời kỳ bao cấp, chính truyền thống oai hùng trong chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm đã trở thành nguồn dinh dưỡng tinh thần để động viên mọi tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách. Truyền thống cách mạng của dân tộc ta nói chung, của thành phố Đà Nẵng nói riêng là vô cùng to lớn, được đổi bằng xương máu của bao thế hệ. Chính điều đó đã làm nên danh hiệu “Đà Nẵng thành phố anh hùng” trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Truyền thống và tiềm năng có thể nói là hai nguồn lực vô cùng quan trọng để chúng ta đi tới.

Với vị trí địa-chính trị, địa-kinh tế, rừng núi, sông biển đan xen; nhất là những con người dũng cảm trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong lao động, tiềm năng của xứ Quảng, của Đà Nẵng đã dần dần được đánh thức, được khai thác, biến thành động lực tinh thần to lớn, trở thành nguồn lực cho phát triển. Trong thời đại công nghệ thông tin, tiềm năng ngày càng được khai thác và sử dụng một cách thông minh, đem lại cho người dân một cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp thật sự.

Và hôm nay, ở cột mốc 47 năm sau ngày Đà Nẵng giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục đi tới trên nền tảng vững chắc của truyền thống vẻ vang năm xưa, đang thực sự đánh thức tiềm năng để xây dựng một thành phố thực sự văn minh hiện đại. Lớp con cháu của thế hệ những người làm nên ngày 29 tháng Ba năm 1975 lịch sử, hôm nay đang đảm nhiệm trọng trách huy động sức mạnh đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, có những quyết sách đúng đắn, đột phá, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm để thành phố xứng đáng với lịch sử trong quá khứ và đòi hỏi của hiện tại và tương lai.

Hơn hai năm gần đây, đại dịch Covid-19 đã làm cho bước đường đi tới của chúng ta bị chậm lại. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta chậm trễ trong tư duy, chậm trễ trong việc hoạch định tương lai thành phố sau đại dịch. Ngay trong những ngày căng mình chống dịch, lãnh đạo thành phố với sự tham mưu của các sở, ban, ngành, vẫn tìm mọi giải pháp để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, chăm lo đời sống và sức khỏe nhân dân, đồng thời phục hồi và phát triển kinh tế. May mắn là chúng ta có được sự định hướng rõ nét từ các nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cũng như những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đã được nêu trong các nghị quyết của Đảng bộ thành phố. Nhờ đó, chúng ta có thể hình dung rõ lộ trình, các cột mốc phải đạt tới, để khẩn trương chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, nhất là nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu đề ra. 

Ngay trong những ngày gần đây, khi tình hình Covid-19 đã được kiểm soát, thành phố đã nhanh chóng có nhiều chủ trương nhằm khẩn trương tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế. Đó là chủ trương thiết kế đô thị trên cơ sở đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được triển khai; các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2021-2025 được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Khi thành phố đã có dấu hiệu khả quan sau đại dịch, lĩnh vực xúc tiến đầu tư được kịp thời đẩy mạnh. Một số tập đoàn lớn của nước ngoài đã đến làm việc với lãnh đạo thành phố về định hướng, quy hoạch phát triển và kế hoạch triển khai các dự án phát triển hạ tầng đô thị. Những khách du lịch đầu tiên trên các chuyến bay thương mại quốc tế đã đến với Đà Nẵng, như một tín hiệu khả quan của ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố biển. Chúng ta đang chắt chiu từng cơ hội, khai thác từng thời cơ để có thể từng bước bứt phá phát triển ngay trong năm 2022 này.

Khát vọng đi tới không bao giờ dừng lại. Nó đã trở thành phương châm sống của cả dân tộc ta, cũng là phương châm sống của mỗi người dân Đà Nẵng. Và đó cũng là tinh thần 29 tháng 3 lịch sử luôn thôi thúc mỗi người chúng ta!

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.