Bất cập phạt nguội vi phạm khi lưu thông ở địa phương khác

.

Ứng dụng camera giám sát xử lý vi phạm giao thông là một trong những hình thức xử lý hiệu quả khi không có lực lượng cảnh sát giao thông làm việc trực tiếp trên đường. Điều này giúp mỗi người tự nâng cao ý thức khi tham gia giao thông nhưng cũng có khó khăn nhất định khi người dân phải đi lại nhiều lần để hoàn thành các thủ tục nộp phạt.

Người vi phạm đến làm thủ tục nộp phạt tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN
Người vi phạm đến làm thủ tục nộp phạt tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN

Mới đây, chị Lê Thị Tuyết Lan (trú thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) gọi điện cho người thân ở Đà Nẵng nhờ nộp phạt “nguội” vì hành vi chạy quá tốc độ trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi về quê đón Tết. Nhưng khi người thân đến làm thủ tục thì không thể nộp phạt do thiếu nhiều loại giấy tờ xe, bằng lái...

Tương tự, anh Đỗ Ngọc Lai (trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) nhận thông báo mời làm việc về vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh Quảng Trị. Mặc dù đã ủy quyền người thân đến làm việc song cũng không thể giải quyết được nên đích thân anh phải chạy đi, chạy lại Quảng Trị đến 3 lần mới xong việc.

Trường hợp anh Hoàng Tuấn Nghĩa (trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) phải ra Cục CSGT ở Hà Nội để xử lý phạt nguội vi phạm giao thông do chạy quá tốc độ trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và camera giám sát đã ghi nhận lỗi vi phạm này. Để đóng tiền phạt, anh phải mất tiền xăng xe, cầu đường và ăn uống, vì đi về tất cả 4 lượt giữa Đà Nẵng và Hà Nội. “Tôi về nhà rồi đến hơn 10 ngày sau mới nhận được giấy báo xử lý vi phạm nguội. Tôi lại phải từ Đà Nẵng ra lại Hà Nội viết biên bản, xác nhận vi phạm, kèm việc bị giữ bằng 2 tháng. Sau 2 tháng, tôi lại phải từ Đà Nẵng ra Hà Nội hoàn tất thủ tục vi phạm và nhận lại giấy tờ”, anh Nghĩa cho biết.

Trên đây chỉ là 3 vụ việc tiêu biểu mà người vi phạm TTATGT gặp phải ở địa phương khác, ngoài địa bàn cư trú của mình. Trước những bất cập đó, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.

Trong đó, quy định cho phép các phát hiện vi phạm qua thiết bị kỹ thuật được gửi đến công an cấp tỉnh, cấp huyện nơi chủ sở hữu phương tiện sinh sống hoặc cơ quan tổ chức đó để tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên, do còn vài vướng mắc nên công tác này chưa được thực hiện thông suốt.

Theo Trung tá Đoàn Ngọc Minh Tuấn, Phó phòng CSGT Công an thành phố, đối với các trường hợp vi phạm TTATGT ở các địa phương khác, người vi phạm có thể nộp phạt qua bưu điện. Đối với các hành vi xử phạt hành chính nhẹ, chỉ phạt tiền, không giữ giấy phép lái xe, còn đối với các hành vi vi phạm nặng, buộc giữ giấy phép lái xe, kèm phạt tiền thì người vi phạm phải đến trực tiếp nơi ghi hình để nộp phạt (hoặc ủy quyền cho người thân).

Hiện nay, trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và cả trong khu vực nội thành ở Đà Nẵng, việc sử dụng hệ thống camera giám sát giao thông đã được triển khai khá phổ biến. Trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, từ giữa năm 2020 đã trang bị 10 camera quan sát ngày, đêm, quay quét 360 độ; 17 máy đo tốc độ ghi hình đa làn; 16 camera nhận dạng biển số; 35 camera giám sát phát hiện. Hệ thống camera này kết nối với Trung tâm giám sát đặt tại trụ sở Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 5 và Phòng Xử lý vi phạm trên tuyến đặt tại Đà Nẵng.

Trong khi đó, trong tháng 10-2021, Cục CSGT Bộ Công an đã khánh thành và bàn giao hệ thống giám sát, xử lý vi phạm về TTATGT với 80 camera giám sát, lắp đặt trên tổng chiều dài hơn 224km dọc theo tuyến quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Riêng tại Đà Nẵng, có khoảng 150 camera giám sát đang hoạt động trên hàng chục tuyến đường. Đây là hệ thống hiện đại và có độ chính xác cao, tiến tới sẽ tích hợp với cổng dịch vụ công quốc gia trong công tác xử lý vi phạm hành chính.

Theo Ban An toàn giao thông thành phố, Điều 15, Nghị định số 135/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: trường hợp bị phát hiện vi phạm hành chính ở tỉnh này nhưng người vi phạm cư trú ở tỉnh khác, hoặc bị phát hiện vi phạm ở huyện này nhưng cư trú ở huyện khác và việc đi lại gặp khó khăn thì cơ quan phát hiện vi phạm được chuyển kết quả đến cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan cùng cấp nơi người vi phạm cư trú. Người vi phạm sẽ đến trụ sở cơ quan chức năng ở địa phương để giải quyết. Hiện nay vẫn còn trường hợp không ít người dân phải đi xa hàng trăm cây số để lập biên bản vi phạm và nộp phạt…, từ những ý kiến phản ánh của người dân, cần sớm hoàn thiện việc kết nối hệ thống để tạo thuận lợi cho người dân.

3 tháng đầu năm 2022, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố xử phạt 3.614 trường hợp vi phạm qua hệ thống camera giám sát, chuyển Kho bạc Nhà nước thu hơn 6,14 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 1.141 trường hợp.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích