Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh minh chứng sự lãnh đạo tài tình của Đảng

.

ĐNO - “Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, được thể hiện qua từng trận đánh, trên từng mũi hướng tiến công…”.

Đó là khẳng định của Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại hội thảo khoa học “Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” do Bộ Quốc phòng phối hợp Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức sáng 22-4.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh phát biểu bế mạc hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ
Thượng tướng Lê Huy Vịnh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGỌC PHÚ

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh, cách đây tròn nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, ngày 24-4-1972, quân và dân ta tiến công cụm phòng ngự của quân đội Sài Gòn ở Đăk Tô - Tân Cảnh và giành thắng lợi. Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đợt 1 Chiến dịch Bắc Tây Nguyên.

Đây cũng là trận chiến đấu đầu tiên mà lực lượng vũ trang Tây Nguyên tiến công địch bằng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, có tốc độ nhanh, đánh bại một sư đoàn, đập tan cụm phòng ngự then chốt, vững chắc nhất trong hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên, mở ra khả năng có thể đánh tiêu diệt lớn, tiến tới giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên.

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang cho biết, dù chiến tranh đã lùi xa 50 năm nhưng chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh vẫn luôn in đậm trong tâm trí của quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục chiến đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của Covid-19 và thiên tai, song với truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum luôn đoàn kết, thống nhất, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng như: tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 16.051 tỷ đồng (tăng 6,47% so với năm trước).

Theo đề dẫn tại hội thảo, cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, quân và dân ta đã mở Chiến dịch Bắc Tây Nguyên - một trong ba hướng tiến công chiến lược năm 1972 trên chiến trường miền Nam, nhằm đánh bại cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.

Trong Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, chỉ chưa đầy một ngày (từ chiều tối ngày 23-4 đến khoảng 11 giờ trưa ngày 24-4), quân và dân ta đã làm chủ trận địa, đánh bại Sư đoàn 22 quân đội Sài Gòn, loại khỏi chiến đấu gần 2.000 tên địch; bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng và xe thiết giáp, 8 khẩu pháo, gần 100 xe quân sự; giải phóng một vùng rộng lớn với hơn 25.000 đồng bào, làm tan rã phần lớn lực lượng kìm kẹp của địch trong vùng.

Tại hội thảo, các nhân chứng lịch sử ôn lại tuyền thống hào hùng qua các trận đánh để giành thắng lợi lịch sử tại Đăk Tô - Tân Cảnh, mở đầu cho những chiến thắng quan trọng của chiến dịch Tây Nguyên, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam  30-4-1975.

Phát biểu bế mạc, Thượng tướng Lê Huy Vịnh cho biết, các ý kiến và tham luận tại hội thảo đã cung cấp thêm một số tư liệu quý về trận Đăk Tô - Tân Cảnh. Tuy nhiên, nhiều tư liệu vẫn còn chưa được khai thác hết; cùng với thời gian, nhân chứng lịch sử già yếu, sức khỏe giảm sút.

Vì vậy, sau hội thảo, đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục sưu tầm, cung cấp các tư liệu, sự kiện liên quan đến trận Đăk Tô - Tân Cảnh nói riêng, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè 1972 nói chung, để các cơ quan, đơn vị bổ sung vào các công trình nghiên cứu, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử có tầm vóc và ý nghĩa chiến lược này.

“Tham luận khoa học gửi về tham gia hội thảo: “Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm” đã được ban tổ chức tổng hợp, in thành sách.

Đây là tài liệu nghiên cứu, tuyên truyền, học tập và giáo dục có giá trị về lịch sử chiến tranh, đề nghị các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong Quân đội  tích cực khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu vào quá trình giáo dục - đào tạo, thực tiễn huấn luyện, học tập và xây dựng cơ quan, đơn vị mình”, Thượng tướng Lê Huy Vịnh yêu cầu.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.