Khuyến khích tái sử dụng nguồn nước

.

Cùng với việc bảo vệ và hạn chế khai thác nguồn nước ngầm, thành phố đang khuyến khích, vận động các doanh nghiệp đầu tư tái sử dụng nước thải sau khi xử lý đã đạt quy chuẩn. Bên cạnh đó, các đơn vị đang thúc đẩy các sáng kiến tái sử dụng nước trong các doanh nghiệp nhằm tiếp cận kinh tế tuần hoàn.

Một số khu nghỉ dưỡng ven biển, trong đó có khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn)  đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng phục vụ mục đích tưới cây, cỏ. Ảnh: PV
Một số khu nghỉ dưỡng ven biển, trong đó có khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn) đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng phục vụ mục đích tưới cây, cỏ. Ảnh: PV

Tại các khu nghỉ dưỡng, trữ lượng nước thải phát sinh từ các hoạt động của du khách và khu nghỉ dưỡng hằng ngày rất lớn (tắm, giặt, rửa, nước xả ra từ các hồ bơi...). Các khu nghỉ dưỡng đều có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm quy chuẩn rồi xả vào hệ thống thu gom nước thải của thành phố để dẫn về các trạm xử lý một lần nữa mới xả ra môi trường.

Các khu nghỉ dưỡng phải trả tiền để khai thác nước ngầm tưới cây nên mong muốn được tái sử dụng nước đã qua xử lý. Bên cạnh đó, có không ít doanh nghiệp sử dụng nhiều nước để sản xuất cũng mong muốn tái sử dụng nước thải đã qua xử lý để tưới cây, rửa sân nền, phun mưa làm mát mái nhà xưởng vào mùa nắng để chống nóng... 

Bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ, trong các khu nghỉ dưỡng, việc dùng nước thủy cục để tưới cây là không phù hợp và chi phí cao gấp 10 lần so với khai thác nước ngầm nên đa số doanh nghiệp chọn giải pháp khai thác nước ngầm để tưới cây. Những năm qua, thành phố khuyến khích và vận động doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải bảo đảm chất lượng nước sau xử lý có thể đáp ứng các quy định nhằm tưới cây được. Có không ít chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng ven biển ủng hộ chủ trương này và thực hiện rất tốt, trong đó có 7 doanh nghiệp đã nâng cấp hệ thống xử lý nước thải.

Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, muốn nâng cấp hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng nước vào mục đích tưới cây thì phải thay đổi báo cáo đánh giá tác động môi trường, đầu tư thêm các bể lọc sinh học để xử lý thêm một lần nữa và cần có người có trình độ chuyên môn về vận hành công trình xử lý nước thải... “Thời gian đến, khi du lịch được phục hồi, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại các khu nghỉ dưỡng để tái sử dụng vào mục đích tưới cây, thay thế dần việc khai thác nước ngầm”, bà Đặng Nguyễn Thục Anh nói.

Hiện nay, trong khuôn khổ dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), Mạng lưới bảo tồn nguồn nước Việt Nam (VIWACON), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đang phối hợp triển khai hợp phần thúc đẩy các sáng kiến tái sử dụng nước trong các doanh nghiệp nhằm tiếp cận kinh tế tuần hoàn.

Các đơn vị đã tiến hành khảo sát tại 25 khu nghỉ dưỡng, khách sạn; 26 nhà máy sản xuất, chế biến... trên địa bàn thành phố và nhận thấy, nhiều doanh nghiệp đã có các biện pháp tiết kiệm nước, hệ thống xử lý nước thải đáp ứng các quy định nhưng hoạt động tái sử dụng nước chưa được quan tâm và chưa được triển khai hiệu quả. Việc này chỉ mới nhận được sự quan tâm của chủ đầu tư các khu nghỉ dưỡng ven biển, khách sạn 5 sao có không gian rộng lớn, hệ thống vườn hoa và cây cảnh nhiều.

Trong quá trình khảo sát, một số doanh nghiệp đề xuất nguyện vọng xin được tham gia chương trình tái sử dụng nước và bày tỏ mong muốn được hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn, pháp lý cũng như kinh phí (thiết bị) để thực hiện tái sử dụng nước.

TS Nguyễn Đình Huấn, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho rằng, hiện có ít doanh nghiệp tái sử dụng nước vì pháp lý còn chưa ràng buộc. Do đó, để thực hiện thành công đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, trong quá trình xét duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, các cơ quan chức năng cần yêu cầu doanh nghiệp có giải pháp tiết kiệm, tái sử dụng nước. Điều này chắc chắn sẽ làm doanh nghiệp tìm cách đưa việc tiết kiệm, tái sử dụng nước vào dự án. “Việc tái sử dụng nước sẽ giúp các doanh nghiệp có được những lợi ích về kinh tế như: thanh toán tiền nước hằng tháng ít hơn, nộp tiền để xử lý nước thải ít hơn... và chung tay bảo vệ môi trường, góp phần giải tỏa áp lực thiếu nước sinh hoạt cho thành phố. Điều cần làm là trình diễn mô hình tái sử dụng nước cho doanh nghiệp biết để thực hiện. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn một số doanh nghiệp có diện tích lớn xây dựng hệ thống thu nước mưa từ mái nhà xưởng rồi lưu chứa, sử dụng...”, TS Nguyễn Đình Huấn nói.

Để thúc đẩy việc tái sử dụng nước ở các doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương cho biết đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tái sử dụng nước trong các dự án khi thẩm định phê duyệt hồ sơ môi trường; nghiên cứu đưa tiêu chí về tái sử dụng nước ở doanh nghiệp vào thể lệ của giải thưởng môi trường thành phố hằng năm.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.