Rà soát hệ thống cảnh báo động đất, sóng thần tại các địa phương

.

Ngày 19-4, tại cuộc họp khẩn trực tuyến với các đơn vị, địa phương về ứng phó với động đất liên tiếp trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Viện Vật lý địa cầu rà soát hệ thống cảnh báo động đất, sóng thần tại các địa phương trong nước, nhất là 54 điểm tự động giám sát và theo dõi động đất, sóng thần; đồng thời, phối hợp với các địa phương tăng cường cung cấp thông tin nhanh chóng khi xảy ra hiện tượng động đất.

Các địa phương của tỉnh Kon Tum thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất và chủ động ứng phó, kiểm soát thông tin, tránh có những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người dân. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai phối hợp với Viện Vật lý địa cầu khẩn trương tìm ra nguyên nhân và nguy cơ xảy ra động đất để cắm biển, cảnh báo kịp thời; xây dựng và cung cấp tài liệu hướng dẫn ứng phó tới người dân, đặc biệt là sớm đánh giá đúng nguy cơ động đất trong thời gian đến để có phương án, kịch bản ứng phó cụ thể nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.

Theo Viện Vật lý địa cầu, từ đầu năm 2022 đến nay, tại tỉnh Kon Tum đã xảy ra hàng chục trận động đất. Viện Vật lý địa cầu đã thiết lập thêm một trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn về hiện tượng này. 18 trận động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum trong tháng 4-2022 đều là động đất kích thích. Khu vực xảy ra động đất nằm trên đới đứt gãy đang hoạt động có tên là Rào Quán - A Lưới, một đới đứt gãy mạnh, kéo dài từ Lào qua A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đến Quy Nhơn (Bình Định). Trên đới đứt gãy này từng ghi nhận động đất kích thích xảy ra tại một số địa phương, nhất là tại Quảng Nam khi các hồ thủy điện tích nước.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.