Điểm tựa giúp người lầm lỡ

.

Ba năm qua, mô hình thí điểm “Hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy tại Đà Nẵng” đã trở thành điểm tựa tin cậy giúp người từng nghiện ma túy làm lại cuộc đời. Họ được tư vấn, động viên để rời bỏ ma túy, từng bước vượt qua mặc cảm, hòa nhập cộng đồng; được hỗ trợ sinh kế, việc làm để ổn định cuộc sống.

Đại diện lãnh đạo UBND phường Bình Thuận (quận Hải Châu) trao phương tiện sinh kế cho  đối tượng dự phòng nghiện và tái nghiện. Ảnh: Địa phương cung cấp
Đại diện lãnh đạo UBND phường Bình Thuận (quận Hải Châu) trao phương tiện sinh kế cho đối tượng dự phòng nghiện và tái nghiện. Ảnh: Địa phương cung cấp

Điểm tựa vững chắc

Ông Lương Vĩnh Thái, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (thuộc Sở Lao động,Thương binh và Xã hội thành phố) cho biết, trước thực tế số lượng người sử dụng ma túy ngày càng gia tăng, trẻ hóa và khó kiểm soát, năm 2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định thí điểm mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Năm 2019, Đà Nẵng triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy giai đoạn 2019-2021” tại 2 phường: Hải Châu 2 (quận Hải Châu) và Vĩnh Trung (quận Thanh Khê).

Đến năm 2020, mô hình mở rộng thêm 4 phường, gồm: Bình Thuận, Thuận Phước (quận Hải Châu) và Thanh Khê Đông, Tam Thuận (quận Thanh Khê). Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu thành phố ban hành quy định về các chế độ hỗ trợ giải quyết việc làm cho nhóm đối tượng khó khăn, gia đình chính sách, nhằm giúp người sử dụng ma túy, người đã cai nghiện ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ nguy cơ tái nghiện.

Qua 3 năm triển khai, mô hình có sự tham gia của hơn 280 người lầm lỡ. Hầu hết họ đều được tư vấn về tác hại của ma túy; các hình thức, biện pháp cai nghiện, hỗ trợ sinh kế, học nghề cho người sử dụng ma túy và người sau cai. Đồng thời, người sử dụng ma túy và sau cai được tư vấn, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ điều trị cai nghiện tại cộng đồng. Nhờ đó góp phần giảm tỷ lệ người sử dụng, người nghiện, giảm nguy cơ tái nghiện, tái phạm trong cộng đồng, ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước Lê Thanh Hùng nhìn nhận, dù là mô hình mới, vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm nhưng đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong cộng đồng. Qua đó giúp giảm tỷ lệ người đưa đi cai nghiện tập trung , giảm tội phạm và tệ nạn xã hội.

Vươn lên làm lại cuộc đời

Anh Phùng Văn A. (SN 1991, trú phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) từng trải qua 6 lần cai nghiện tập trung, 2 lần điều trị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy. Tháng 5-2019, anh hoàn thành cai nghiện về lại địa phương, được Công an phường Tam Thuận gửi tham gia mô hình để được tư vấn tâm lý, hỗ trợ sinh kế.

Thời điểm anh A. tham gia mô hình, chỉ sau thời gian ngắn, anh đã thay đổi, có nhiều tiến bộ, quyết tâm từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời. Anh A. xin tham gia công tác an ninh tại địa phương, được Công an phường Tam Thuận tín nhiệm cho tham gia Ban bảo vệ dân phố. Suốt 2 năm 2020-2021, nhất là thời gian giãn cách xã hội do Covid-19, A. rất nhiệt tình, xông xáo trong công tác phòng, chống dịch; tham gia tốt các phong trào phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương.

Tương tự, Võ Phước N. (SN 2001, trú phường Tam Thuận) có 1 lần cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và 4 lần cai nghiện tự nguyện tập trung. Tháng 5-2020 trở về địa phương, N. được giới thiệu tham gia mô hình để được giúp đỡ. Sau 1 năm, N. có nhiều tiến bộ, được hỗ trợ học nghề trang trí , tổ chức sự kiện. Đến nay, N. có công việc ổn định, không còn chơi bời, lêu lổng, quyết tâm từ bỏ con đường nghiện ngập.

Nguyễn Bá N. (SN 1997, trú phường Bình Thuận, quận Hải Châu) từng là đối tượng sử dụng trái phép ma túy, không có việc làm, ăn chơi lêu lổng. Từ khi tham gia mô hình, N. tiến bộ rất nhiều và quyết tâm làm lại cuộc đời. Tháng 11-2020, chính quyền phường tặng xe máy để N. đi làm.

Hiện nay, N. làm công việc giao hàng, thu nhập ổn định và đã chấp hành xong thời gian quản lý, không tái nghiện. Trần Hồng Q. (SN 1997, trú phường Bình Thuận) cũng là trường hợp có nhiều tiến bộ khi tham gia mô hình. Trước đây, Q. thuộc diện áp dụng biện pháp quản lý sau cai tại địa phương. Sau khi tham gia mô hình, Q. được tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Đồng thời được địa phương hỗ trợ xe máy để phục vụ cho công việc bán hàng ăn uống cùng gia đình, vươn lên hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Theo ông Lương Vĩnh Thái, trước thực tế số người sử dụng ma túy ngày càng gia tăng, trẻ hóa, gây ra nhiều hệ lụy trong cộng đồng, việc triển khai mô hình là rất cần thiết, giúp các địa phương thực hiện công tác dự phòng nguy cơ tái nghiện trong cộng đồng, giảm tỷ lệ cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đang kiến nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ cơ sở vật chất, nguồn lực, tạo điều kiện để tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình ra các địa phương khác trong giai đoạn 2022-2024.

Giai đoạn 2019-2021, mô hình thí điểm Hỗ trợ tư vấn và kết nối dịch vụ điều trị nghiện ma túy tại Đà Nẵng có 283 đối tượng tham gia. Trong đó, 213 đối tượng tiến bộ (chiếm 75,27%); 63 đối tượng chưa tiến bộ (chiếm 22,26%) và 7 đối tượng có nguy cơ tái nghiện cao (chiếm 2,47%). Đến nay, 185 đối tượng có việc làm (chiếm 65,37%); 74 đối tượng chưa có việc làm (chiếm 26,15%); 24 đối tượng sử dụng lại ma túy (chiếm 8,48%). Tổng kinh phí hỗ trợ các hoạt động của mô hình trong 3 năm cho 6 phường là 580 triệu đồng.

HUY HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.