Đưa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển thành phố

.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa diễn ra tại thủ đô Hà Nội là sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị đất nước. Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: TTXVN
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: TTXVN

Đây là những vấn đề vừa mang tính cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa lâu dài, định hướng đất nước đi tiếp chặng đường mới trong nửa đầu thế kỷ XXI. Hội nghị diễn ra trong thời điểm chúng ta vừa cơ bản khống chế đại dịch Covid-19, đang từng bước khôi phục và phát triển kinh tế sau hơn 2 năm bị gián đoạn, vì vậy, những kết luận của hội nghị sẽ có tác động tích cực đến việc triển khai những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm 2022 và những năm tiếp theo trong điều kiện bình thường mới sau đại dịch.

Hơn nữa, hội nghị lần này tổng kết thực hiện nhiều lĩnh vực quan trọng: tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; 15 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; 20 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Đề án về xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên và về việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây đều là những nội dung quan trọng, cốt lõi, vì vậy hội nghị đã được sự quan tâm lớn của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân  cả nước, trong đó có thành phố Đà Nẵng.

Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của hội nghị Trung ương 5 khóa XIII là vấn đề quản lý và sử dụng đất đai. Xuất phát từ thực tiễn quản lý và sử dụng đất thời gian dài vừa qua, cả ở đô thị và nông thôn, miền núi, bên cạnh những thành tựu, còn có nhiều yếu kém, khuyết điểm, Trung ương khóa XIII đã thống nhất lại nhận thức và đề ra những chủ trương phù hợp nhằm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, những “điểm nghẽn” trong quản lý, sử dụng đất đai để khơi thông nguồn lực,  khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu kết luận hội nghị khi đề cập đến những chủ trương mới về đất đai, đã nhấn mạnh: “…cần phải kế thừa, bổ sung, phát triển Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) theo hướng tiếp tục khẳng định: đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, và Tổng Bí thư nhấn mạnh: phải “bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch” trong quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; và nhìn nhận vấn đề đất đai một cách toàn diện, “cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường” với mục đích “khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân”.  Như vậy, giải quyết tốt vấn đề đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng đã từng được hội nghị Trung ương 7 khóa X ban hành Nghị quyết chuyên đề. Lần này, đồng thời với việc nhấn mạnh lại vị trí, vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nghị Trung ương 5 khóa XIII cũng đề cao vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong việc  bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam.

Đặc biệt, tư duy mới về xu thế toàn cầu, hội nhập đã được thể hiện trong chủ trương đưa sản phẩm nông nghiệp Việt nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, điều mà trước đây chưa được đề cập cụ thể. Không những thế, trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0, Nghị quyết đã định hướng phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Xây dựng Đảng là vấn đề then chốt, đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Hầu như qua các nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương các khóa đều ban hành nghị quyết, chỉ thị hoặc kết luận về lĩnh vực quan trọng có tính sống còn này. Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII cũng đã dành thời gian - như phát biểu kết luận hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “thảo luận sôi nổi, tâm huyết và thống nhất cao về sự cần thiết phải tạo cho được sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ở nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở”.

Nghị quyết lần này tập trung nhấn mạnh vai trò “tổ chức cơ sở Đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân”, và xác định rõ “đội ngũ đảng viên có vai trò trực tiếp và là nhân tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng”. Chính vì vậy, công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh và nhiệm vụ nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên “là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, đảng viên, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Có thể nói, các nội dung chính của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đề ra cũng đồng thời là những nội dung thời sự nóng hổi trong quá trình hoạt động của cấp ủy và chính quyền các cấp ở thành phố Đà Nẵng chúng ta. Những tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương cụ thể về lĩnh vực quản lý sử dụng đất sẽ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thời gian dài, giúp cho lãnh đạo thành phố có những quyết sách mạnh dạn, minh bạch, cụ thể, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trên cơ sở lấy lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.

Với phương châm “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước”,  “Nhà nước cần phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn” mà nghị quyết đã nêu, vận dụng vào thành phố chúng ta, trên cơ sở chúng ta đã có nền tảng của thành quả xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang, cùng với việc đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào các khâu của quá trình sản xuất, chắc chắn khu vực nông nghiệp của thành phố chúng ta sẽ sớm thành công mục tiêu “phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Đối với công tác xây dựng Đảng, bên cạnh sự trưởng thành, lớn mạnh qua mỗi nhiệm kỳ của Đảng bộ thành phố, chúng ta cũng đã có những bài học đắt giá. Sau mỗi nghị quyết của Trung ương, nhiệm vụ của các đảng bộ các cấp ở địa phương là triển khai thực hiện; quán triệt nội dung, thống nhất nhận thức và xây dựng chương trình hành động phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương mình. Thành phố Đà Nẵng, với những kinh nghiệm đã tích lũy và một cơ sở hạ tầng khá khang trang, rộng mở, chắc chắn sẽ đón nhận Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII với một tâm thế mới, nhanh chóng đưa những chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống, quyết tâm xây dựng thành phố phát triển đồng bộ, nhanh và bền vững.

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.