Phát triển đất nước ta "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" theo di nguyện của Bác Hồ

.

Khi đánh giá tầm vóc - tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á- Thái Bình Dương Modagat Ahmet nói: “Chỉ có rất ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không chỉ là người anh hùng giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”. 

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960). Ảnh: Tư liệu TTXVN

1. Với tư cách đó, Di sản Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, dân tộc ta và nhân loại tiến bộ nói chung rất phong phú, sâu sắc, phản ánh cô đọng những giá trị tư tưởng nhân văn: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong đó, Di chúc là sự đúc kết cô đọng lý luận, thực tiễn và khẳng định thắng lợi tất yếu của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân ta; phản ánh khát vọng về một nước Việt Nam “sánh vai các cường quốc năm châu” mà trọn đời Người theo đuổi. Đó cũng là di nguyện cuối cùng Bác để lại cho các thế hệ con cháu chúng ta tiếp bước sự nghiệp của Người.

Khi trù tính cho tương lai đất nước, với tầm nhìn xa, trông rộng, Người yêu cầu: “Phải đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng từ giữ gìn sự đoàn kết, đến thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình…Mỗi đảng viên, cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch”… Để “lo cho dân, cho nước”, Người  chỉ rõ: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Khát vọng, điều mong ước cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

2. Bắt tay vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, Đảng ta đã kịp thời khởi xướng và thực hành đổi mới toàn diện và đồng bộ. Lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Nhờ đó, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn.

Đặc biệt, từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay, Đảng ta đã chọn đúng và giải quyết khá thành công cả hai vấn đề căn cốt: Hoàn thiện thể chế  phát triển, trong đó ưu tiên trong việc tạo nên sự tương thích giữa chính trị và kinh tế; đồng thời gắn với việc xây dựng nguồn nhân lực chất lương cao, đặc biệt là chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện phản ánh tầm vóc, bản lĩnh của Đảng trong việc tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Những nội dung các văn kiện được đại hội thông qua, cùng với việc lựa chọn được những đại diện ưu tú gánh vác sứ mệnh cao cả “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp đẹp hơn”, theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể thấy, nhờ quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, các quyết sách được thông qua đã thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng Dân”, hòa quyện cùng quyết tâm và ý chí phát triển quốc gia - dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những thành tựu đạt được là kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nó tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

3. Trong tầm nhìn và định hướng phát triển thời kỳ tiếp theo, với sự tiếp nối mạch nguồn triết lý phát triển Hồ Chí Minh, Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta đã xác định: “Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một phương diện hợp thành “Sức mạnh tổng hợp, tạo động lực mới cho phát triển bền vững đất nước”. Dĩ nhiên, hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng này là trách nhiệm của mọi cấp độ chủ thể hành động “của Nước, của Dân”. Trong đó, như Hồ Chí Minh đã xác định, trước hết là trọng trách của Đảng. Theo tinh thần đó, để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức, phải chăng cần:

Thứ nhất, tổ chức Đảng từ Trung ương đến các địa phương cần tiếp tục thể hiện tầm vóc trí tuệ, năng lực lãnh đạo qua việc dự báo các xu hướng biến đổi của thời đại, đánh giá đúng các nguồn lực có thể để xác lập và thiết kế mô hình phát triển của quốc gia, của từng địa phương, từng ngành một cách hài hòa, bền vững; từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế; tạo lập môi trường, điều kiện huy động tối đa các nguồn lực từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển theo lộ trình đã xác định.

Thứ hai, Đảng cần thể hiện sự sáng suốt, bản lĩnh trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ đức, đủ tài năng, đủ ý chí bản lĩnh “6 dám” để hoàn thành trọng trách lãnh đạo, quản lý và vận hành hệ thống xã hội, góp phần hiện thực hóa mô hình phát triển,  là tổ chức thực hiện tối ưu đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn.

Thứ ba, Đảng lãnh đạo Nhà nước từng bước hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia có hiệu lực, hiệu quả; tạo khả năng chống chịu hay sức đề kháng trước những “thất bại của thị trường”; đặc biệt ưu tiên tìm kiếm, thể nghiệm các mô hình khởi nghiệp trên lĩnh vực kinh tế tri thức, kinh tế số; nâng cao hiệu lực quản lý công nghiệp hóa, hiện đại hóa với việc bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Thứ tư, trên nền các kết quả đó, các nhân tố lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu mỗi hệ thống, khuyến khích, huy động trí tuệ, tâm huyết của các thành viên cùng nhau tạo lập thể chế, cơ chế cụ thể để một mặt, mỗi người, mỗi chủ thể có thể phát huy sự sáng tạo, khẳng định “cái tôi” trong “cái chúng ta”; mặt khác, đó cũng là cơ sở để mọi thành viên có thể tham gia xây dựng, góp ý, hơn nữa là giám sát, kiểm soát hoạt động thực thi quyền và trách nhiệm. Chỉ trên cơ sở thể chế hợp lý, tường minh, phẩm chất tài năng và đạo đức của người đứng đầu mới được thể hiện, thẩm định bởi sự trong sáng “vị công” và hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý.

Đây là cách thể hiện sinh động sự tiếp nối khát vọng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ta ngày một “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

PGS.TS HỒ TẤN SÁNG

;
;
.
.
.
.
.