Chung tay bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại

.

Việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em được cấc cấp, ngành trên địa bàn thành phố đặc biệt quan tâm, nhất là đối với công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (Sở LĐ, TB&XH) thành phố về vấn đề này.

Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (thứ 3, trái sang, hàng sau) cùng đại diện Tổ chức Cứu tế Thế giới - Úc (AOGWR) và Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hòa Vang trao sinh kế cho các gia đình và phương tiện học tập cho trẻ em. Ảnh: DIỆU HÀ
Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (thứ 3, trái sang, hàng sau) cùng đại diện Tổ chức Cứu tế Thế giới - Úc (AOGWR) và Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hòa Vang trao sinh kế cho các gia đình và phương tiện học tập cho trẻ em. Ảnh: DIỆU HÀ

* Hiện nay, vấn đề phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em đang được nhiều người dân quan tâm. Vậy thực trạng này trên địa bàn thành phố như thế nào, thưa ông?

- Theo thống kê, toàn thành phố có hơn 299.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm tỷ lệ 25,5% dân số; trong đó, có 3.174 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm tỷ lệ 1,03% dân số trẻ em; có 11.504 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (bao gồm trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em sống trong gia đình có vấn đề xã hội, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ…).

Hiện nay, số trẻ em bị xâm hại, bạo lực có chiều hướng tăng. Nếu như năm 2020, trên địa bàn thành phố có 13 em bị xâm hại thì đến năm 2021 có 14 em bị xâm hại. Và đây chỉ là con số bề nổi, là số liệu trẻ em bị xâm hại do cơ quan chức năng và các địa phương thống kê, ghi nhận. Thực tế, vẫn còn những trường hợp trẻ bị xâm hại  nhưng chưa được tố giác, phát hiện, thống kê kịp thời.

* Sở LĐ, TB&XH đã làm gì trong công tác phòng ngừa, giảm tình trạng xâm hại trẻ em?

- Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố, Sở LĐ, TB&XH đã tham mưu UBND thành phố ban hành các quyết định, kế hoạch và văn bản chỉ đạo thực hiện công tác trẻ em. Bên cạnh đó, sở cũng đã thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức ký kết kế hoạch phối hợp liên ngành thực hiện công tác trẻ em năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 với Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố.

Sở LĐ, TB&XH đã tham mưu trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 34/2021/NQ-HĐND ngày 12-8-2021 về thông qua mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố. Cụ thể: nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cao hơn so với Trung ương (mức 400.000 đồng) và mở rộng đối tượng xã hội được hưởng chính sách (gồm trẻ em dưới 16 tuổi mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có nguồn nuôi dưỡng thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ cận nghèo).

Hiện thành phố hỗ trợ cho hơn 2.200 trẻ em gồm: trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo, trẻ em khuyết tật được hưởng chính sách xã hội hằng tháng. Chúng tôi đã phối hợp các địa phương rà soát, lập danh sách 15 trường hợp trẻ em mồ côi do cha tử vong vì Covid-19 và kịp thời hỗ trợ cho các em và gia đình; đồng thời, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do ảnh hưởng Covid-19.

Sở LĐ, TB&XH cũng đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em bằng nhiều hình thức: tuyên truyền trên báo đài, pano, áp phích, tờ rơi...; đồng thời phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn nghiệp vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên và cho chính trẻ em. Qua đó, góp phần bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Sở tiếp tục duy trì mô hình điểm Công tác xã hội tại huyện Hòa Vang và quận Hải Châu; triển khai các hoạt động hỗ trợ tham gia Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tài trợ; dự án Bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng tại 3 quận: Hải Châu, Sơn Trà và Cẩm Lệ; dự án Xây dựng năng lực và duy trì bền vững mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật trẻ em từ 0-6 tuổi tại quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, do tổ chức VietHealth tài trợ...

Thông qua các hình thức vận động trực tiếp các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và thực hiện các chương trình, dự án của Tổ chức Cứu tế Thế giới - Úc (AOGWR), Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố đã triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho hơn 22.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng (trong đó tiếp nhận thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hơn 760 triệu đồng).

Nhìn chung, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn thành phố được các cấp, các ngành, hội, đoàn thể, địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em thành phố đến xã, phường tiếp tục kiện toàn. Các hoạt động nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em được chú trọng thực hiện.

* Theo ông, bên cạnh sự vào cuộc của cộng đồng cần làm gì để giải quyết nguy cơ trẻ em bị xâm hại?

- Chúng ta cần tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em và kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại cho trẻ em. Ngoài ra, các gia đình nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân. Cha mẹ thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ với con, trang bị cho con biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi xấu.

Chúng ta cần xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời quan tâm phát triển hệ thống ý tế, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Ngoài ra, kịp thời giải quyết và xử lý nghiêm các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em, tránh để tồn đọng, kéo dài các hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

* Cảm ơn ông!

DIỆU HÀ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích