Chung tay chăm sóc những mầm xanh

.

Công tác chăm sóc trẻ em, thiếu niên nhi đồng đã trở thành việc làm thường xuyên của Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố. Đặc biệt, từ khi có cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào này càng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của chị em hội viên với tấm lòng “Thương người như thể thương thân” theo tấm gương của Bác.

Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố trao tiền đỡ đầu nuôi dưỡng đến năm 18 tuổi cho cháu Nguyễn Đoàn Ánh Dương (thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), là trẻ em mồ côi do ảnh hưởng Covid-19. Ảnh: H.H
Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố trao tiền đỡ đầu nuôi dưỡng đến năm 18 tuổi cho cháu Nguyễn Đoàn Ánh Dương (thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), là trẻ em mồ côi do ảnh hưởng Covid-19. Ảnh: H.H

Cùng với các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” các gia đình chính sách, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố luôn quan tâm đến việc chăm sóc trẻ em, học sinh nghèo, nhất là những trường hợp trẻ em bất hạnh, khuyết tật, mồ côi, nạn nhân chất độc da cam chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống. Từ năm 2004 đến nay, hội đã tham mưu lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố nhận nuôi dưỡng suốt đời 4 cháu là nạn nhân chất độc da cam của hai gia đình anh Mai Tính và chị Trần Thị Hoa ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). Từ sự quan tâm, thăm hỏi và hỗ trợ kịp thời, hai gia đình có con là nạn chất độc da cam ở phường Hòa Hải đã phần nào ổn định cuộc sống và đặc biệt hơn là có sự động viên về tinh thần để vượt qua nghịch cảnh. Nhân ngày chất độc da cam 10-8 và Tết Nguyên đán, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Trung thu hằng năm, hội đã đến thăm, cùng vui chơi, sinh hoạt giao lưu và tặng hàng trăm suất quà cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam đang học tập, sinh sống tại các Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố.

Nhân Tháng hành động vì trẻ em và các đợt thực hiện công tác dân vận - vận động quần chúng hằng năm, hội cùng Đoàn Thanh niên lực lượng vũ trang thành phố tặng quà gồm áo quần, sách vở cho trẻ em, học sinh nghèo các xã miền núi Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh (huyện Hòa Vang); phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu). Hội phối hợp Hội Phụ nữ chợ Hàn hỗ trợ học bổng cho hai sinh viên  người Cơ tu xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) mỗi em 9 triệu đồng/năm.

Em Phan Văn Thái, xã Hòa Bắc cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, cháu có điều kiện vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt việc học tập và tốt nghiệp đại học, chuẩn bị nghề nghiệp cho tương lai. Cháu cảm ơn các cô rất nhiều”. Tháng 3 vừa qua, hội nhận chăm sóc nuôi dưỡng 1 trẻ mồ côi đến năm 18 tuổi do ảnh hưởng Covid-19, với tổng số tiền 48 triệu đồng tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Hoạt động này nằm trong chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội Phụ nữ Quân khu 5 và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phát động.

Đối với lực lượng vũ trang thành phố, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố hằng năm tổ chức tuyên dương, khen thưởng, trao quà cho hàng trăm học sinh giỏi con em cán bộ, thường xuyên chăm sóc các cháu con cán bộ bị bệnh hiểm nghèo, khuyết tật, động viên các cháu vươn lên học giỏi, chăm ngoan. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho hội viên phụ nữ và cán bộ, sĩ quan về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc; học tập các luật và chỉ thị của Nhà nước, Chính phủ về quyền trẻ em; chủ động, tích cực chăm sóc và bảo vệ trẻ em… Chính vì thế, nhiều năm qua, 100% gia đình hội viên phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đạt tiêu chí gia đình văn hóa ở địa phương, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, không có trẻ em hư, nghiện hút hoặc bỏ học, hầu hết con em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến.

Thiếu tá Lê Thị Thanh Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cho biết: “Để có nguồn kinh phí cho hoạt động chăm sóc thiếu niên nhi đồng mỗi năm gần 100 triệu đồng, bên cạnh sự quan tâm của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, hội đã vận động chị em học tập theo tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, yêu thương con người của Bác, đóng góp tích cực bằng việc nuôi heo đất, ủng hộ mỗi chị 500.000 đồng/năm, thể hiện sự đồng cảm, sẵn sàng sẻ chia, chăm lo cho các em thiếu nhi nghèo có thêm niềm tin, cơ hội vươn lên hòa nhập cuộc sống”.

Bằng những hành động cụ thể, thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc, việc quan tâm chăm sóc thiếu niên, nhi đồng không chỉ là trách nhiệm mà thực sự trở thành phong trào thi đua tự nguyện, tự giác của mỗi hội viên phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, chung tay góp một phần nhỏ bé cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân thành phố làm tốt việc bảo vệ, nuôi dưỡng những mầm xanh của đất nước như mong muốn, ước nguyện của Bác lúc sinh thời.

HỒNG HẠNH

;
;
.
.
.
.
.