Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Phó trưởng ban Nội chính Thành ủy Huỳnh Duy Phúc, Ủy viên Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo triển khai quyết liệt, mang lại kết quả tích cực, nhiều vụ việc gây bức xúc trong dư luận được chỉ đạo xử lý kịp thời, mang lại niềm tin trong nhân dân.

Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy do Trưởng ban Nội chính Thành ủy Võ Công Chánh (giữa) làm trưởng đoàn tiến hành rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại Ban Thường vụ Quận ủy Cẩm Lệ. Ảnh: N.P
Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy do Trưởng ban Nội chính Thành ủy Võ Công Chánh (giữa) làm trưởng đoàn tiến hành rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại Ban Thường vụ Quận ủy Cẩm Lệ. Ảnh: N.P

* Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thành phố trong những năm qua triển khai như thế nào, thưa ông?

- Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực luôn được Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy xác định là công tác trọng tâm, thường xuyên nên đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, đơn vị, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch công tác thực hiện nghiêm túc. Hằng năm, các đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch công tác PCTN với các giải pháp trọng tâm được Luật PCTN đề ra gắn với các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực và của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.

Đặc biệt, để cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết và chương trình hành động để chỉ đạo, lãnh đạo. Nổi bật là Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 5-1-2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí và tiêu cực; Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 23-5-2016 về thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23-3-2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ”. Đây là nghị quyết chuyên đề được ban hành ngay từ đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để thay thế các chỉ thị về PCTN trước đây, thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Ban Thường vụ Thành ủy để chuyển biến căn bản đối với công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới, trong đó đề ra các giải pháp, chỉ tiêu cụ thể hằng năm cho các đơn vị, địa phương thực hiện.

Bước đầu có thể đánh giá nghị quyết đã có tác động tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện công tác PCTN, một số vụ án, vụ việc đã được phát hiện, xử lý, kịp thời ổn định dư luận xã hội và niềm tin của nhân dân. Song song đó, Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý tài chính công, đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, kiên quyết không để thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, thi hành án mới chuyển và kịp thời triển khai các giải pháp phong tỏa tài sản, tài khoản của người có hành vi tham nhũng để bảo đảm thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có. Nhờ đó, tài sản bị chiếm đoạt trong nhiều vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng được thu hồi triệt để, hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực được nâng cao.

Đặc biệt, theo chỉ đạo của Trung ương về thành lập Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Ban Thường vụ Thành ủy kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Bí thư Thành ủy làm trưởng ban. Ban Nội chính Thành ủy - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, đang tham mưu ban hành quy chế làm việc; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác; chương trình công tác trọng tâm; phân công nhiệm vụ từng thành viên để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Ban Bí thư…

* Thanh tra về kinh tế-xã hội là một trong những giải pháp để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực góp phần ổn định sự phát triển kinh tế- xã hội, công tác này thời gian qua ở thành phố tiến hành như thế nào?

- Thanh tra kinh tế - xã hội là một hoạt động thường xuyên, quan trọng, là một khâu không thể thiếu trong công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, qua đó phát hiện, kiến nghị khắc phục kịp thời các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, kiến nghị xử lý các vụ việc có sai phạm. Thời gian qua, công tác thanh tra kinh tế-xã hội được thực hiện khá tốt, nhiều vụ việc đã được kiến nghị xử lý, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc hành vi vi phạm, nhất là tội phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế, chức vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số trường hợp cơ quan thanh tra đã chỉ ra dấu hiệu sai phạm nhưng việc xử lý còn kéo dài, hiệu quả kiến nghị sau thanh tra không triệt để. Để khắc phục tình trạng này, thực hiện Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW của Ban Nội chính Trung ương về rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, từ năm 2015 đến nay, Ban Nội chính Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành 35 văn bản chỉ đạo, trong đó có 3 kế hoạch rà soát, giao Ban Nội chính Thành ủy ban hành 12 văn bản và đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát 884 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội, trong đó có các kết luận của Thanh tra Chính phủ và kiến nghị Kiểm toán Nhà nước trên địa bàn thành phố.

Qua đó, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với các cá nhân có vi phạm một cách nghiêm túc, kịp thời, nhiều nội dung kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán được đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nhiều vụ việc thực hiện dứt điểm; nhiều vướng mắc, khó khăn, nhất là lĩnh vực tài chính, đất đai được đề cập trong các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán, bản án được tháo gỡ, thực hiện với các giải pháp hợp lý, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội của thành phố.

* Để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các lĩnh vực nhạy cảm, công tác kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền chú trọng vào đối tượng nào, thưa ông?

- Bộ Chính trị xác định tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, lựa chọn nhà đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt… Do đó, trong chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp, kế hoạch công tác thanh tra của UBND và ngành thanh tra luôn có nội dung về công tác PCTN, tiêu cực tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như đã nêu ở trên.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Nội chính Thành ủy đã phối hợp Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy thành lập 1 đoàn giám sát về công tác PCTN, tiêu cực, 2 đoàn giám sát về công tác cải cách tư pháp, 2 đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực và công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực đối với một số cơ quan chức năng; cử lãnh đạo tham gia 8 đoàn kiểm tra, giám sát tại các đơn vị, địa phương.

Qua nhiệm vụ được phân công, Ban Nội chính Thành ủy đã kết hợp xem xét các nội dung liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực và kiến nghị kịp thời khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chưa triển khai đầy đủ các giải pháp PCTN, tiêu cực ở các đơn vị, địa phương, đồng thời tổng hợp, nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án và chỉ đạo các giải pháp PCTN, tiêu cực hiệu quả hơn, bảo đảm yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trên địa bàn thành phố, từ năm 2012-2022, qua tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra đã khởi tố 14 vụ án/33 bị can nhóm tội tham nhũng; Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã truy tố và chuyển Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý và xét xử sơ thẩm 7 vụ, với 28 bị cáo về tội phạm tham nhũng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, một số vụ việc gây bức xúc dư luận đã được chỉ đạo xử lý kịp thời. 

NGỌC PHÚ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.