Nâng niu "nghề tay trái"

.

Đôi khi, tình yêu dành cho nghề báo của những người không-phải-nhà-báo khiến chúng tôi - những người làm nghề phải ngạc nhiên, thán phục. Bởi lẽ, viết báo chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nhưng với họ, khi đã phải lòng với con chữ thì mỗi bài báo là một thông điệp, là sự kết nối bền chặt giúp họ đi xa hơn, vui hơn với “nghề tay trái”.

GS.TS Trần Văn Nam (bên phải) chụp ảnh cùng GS. Prof.Adam Duong trong một lần đến thăm DuongLab của ông tại Canana.  Ảnh: Facebook nhân vật
GS.TS Trần Văn Nam (bên phải) chụp ảnh cùng GS. Prof.Adam Duong trong một lần đến thăm DuongLab của ông tại Canana. Ảnh: Facebook nhân vật

Gần hơn với nghề viết

Bạn đọc Báo Đà Nẵng hẳn sẽ thắc mắc tác giả Như Hạnh (tên thật Lê Thị Như Hạnh) là ai, bởi chị là cây bút ghi chép gắn với tờ báo từ những năm 90. Những bài viết của chị đọng lại ở câu từ nhẹ nhàng, ý tứ sâu xa và giàu sức gợi. Một tâm hồn rung cảm cộng một tính cách “ham vui”, thích tìm hiểu giúp chị gom nhặt nhiều đề tài thú vị.

Chị Như Hạnh kể, lần thứ nhất gặp nghệ nhân Alăng Đợi (thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) tại Liên hoan Văn hóa - Thể thao và phục dựng lễ hội người Cơ tu năm 2017, do huyện Hòa Vang tổ chức tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, chị mê như điếu đổ. Vẻ hoang dại, bí ẩn của người đàn ông Cơ tu khiến chị nôn nao, ấn tượng. Đến lần thứ hai gặp lại Alăng Đợi ở Suối Hoa (nay là Làng Tom Sara), xã Hòa Phú, chị đã không bỏ lỡ cơ hội chuyện trò. Lần ấy, chị ngồi cả đêm cùng Alăng Đợi dưới mái nhà Moong (dạng nhà sàn truyền thống của người Cơ-tu, không có cột cái, chỉ có 16 cột phụ chung quanh và một cửa ra vào đơn giản, nhỏ gọn - PV), lắng nghe câu chuyện của anh. Cảm xúc thăng hoa giữa núi rừng Hòa Phú, giữa những câu chuyện không đầu không cuối, giữa men say rượu cần, ngọn lửa và điệu nhảy Tung tung - Da dá được chị trải dài trong bài ký Chim phượng hoàng đậu dưới mái nhà Moong đăng trên Báo Đà Nẵng: “Mái tóc xoăn đen nhánh rủ dài hai bên vai, đôi mắt to và sâu hun hút như cánh rừng pơ-mu thượng ngàn, Alăng Đợi đi đầu đoàn múa cồng chiêng, đẹp tựa một vị thần của núi rừng hùng vĩ”.

Là cô giáo dạy Văn, mỗi con người, mỗi cảnh sắc, mỗi câu chuyện đều mang lại cho Như Hạnh những cảm xúc nhất định. Như Hạnh kể, ngày trẻ, chị mê làm báo nhưng cơ duyên đưa chị đến nghề giáo và gắn bó tới ngày về hưu. Rời bục giảng, chị thỏa sức sáng tạo, đến gần hơn nghề viết, trở thành cộng tác viên thân thiết của Báo Đà Nẵng. Đôi khi, chị gắn bó với Báo Đà Nẵng như người trong nhà và không nề hà bất kỳ đề tài nào. Còn nhớ, đầu năm 2019, khi thực hiện chuyên đề “Chợ Tết” trên Đà Nẵng Cuối tuần, đề cương có 4 bài nhưng phòng thiếu người thực hiện, chúng tôi nghĩ ngay đến Như Hạnh. Sau cuộc điện thoại kết nối, chị nhận lời và triển khai bài viết Đi chợ Tết xưa. Giọng văn giản dị, đan xen giữa ký ức và hiện tại, hôm qua và hôm nay, giúp bài viết của chị trở thành mảnh ghép thú vị trong chuyên đề này. “Nhiều khi tòa soạn đặt bài gấp, yêu cầu 2-3 ngày phải có nhưng tôi vẫn vui vẻ nhận lời vì thích được sống trong không khí gấp gáp, nóng hổi của con chữ”, chị Như Hạnh cho hay.

Luôn sẵn lòng cộng tác

Những câu chuyện tài trợ cho giáo dục, Không phải tương lai mà là hôm nay, Đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao, GS Hoàng Tụy - nhà khoa học, nhà giáo dục xuất sắc, Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực… là những bài viết chuyên sâu về vấn đề giáo dục, con người mà GS.TS Trần Văn Nam (nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng) đã gửi đến Báo Đà Nẵng thời gian qua. Là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, ngoài thông tin hữu ích, bài viết của ông luôn khuyến khích, động viên và mang lại những giải pháp mới cho nền giáo dục. Đơn cử, trong bài Không phải tương lai mà là hôm nay đăng trên Báo Đà Nẵng ngày 10-2-2021, ông phân tích: “Ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng phải xác định chuyển đổi số là con đường tất yếu, cần xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu của việc chuyển đối số, từ đó có chiến lược, lộ trình cụ thể, tạo nền tảng để kết hợp nguồn lực công-tư. Chúng ta cần thúc đẩy một số nền tảng cơ bản quan trọng phục vụ giáo dục như hạ tầng kết nối (5G, mạng lưới viễn thông...) và hành lang pháp lý về an toàn thông tin; chính sách về giáo dục hướng đến đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực số; tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái các công ty đầu tư về công nghệ giáo dục (EdTech). Sự tập trung vào việc sử dụng công nghệ trong giáo dục như AI, ML, Blockchain… sẽ mang lại thành công lớn trong việc giải quyết những thiếu sót đang ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục hiện nay ở Việt Nam”.

Được biết, phần lớn những bài báo trên được GS.TS Trần Văn Nam viết theo “đặt hàng” của Báo Đà Nẵng và bao giờ cũng vậy, ông luôn sẵn lòng hỗ trợ, đồng hành với tờ báo nhằm mang đến những thông tin hữu ích.

Ông Bùi Văn Tiếng phát biểu tại hội nghị Cộng tác viên Báo Đà Nẵng năm 2021.   Ảnh: TIỂU YẾN
Ông Bùi Văn Tiếng phát biểu tại hội nghị Cộng tác viên Báo Đà Nẵng năm 2021. Ảnh: TIỂU YẾN

Am tường lịch sử, vùng đất, văn hóa, con người Đà Nẵng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Bùi Văn Tiếng là cây bút thân quen của Báo Đà Nẵng trong nhiều năm. Những bài viết của ông mang hơi hướng nghiên cứu, phân tích, viện dẫn, mở ra không gian văn hóa thú vị trên các ấn bản Báo Đà Nẵng. Tại hội nghị Cộng tác viên Báo Đà Nẵng năm 2021, ông Tiếng một lần nữa khẳng định mỗi khi Báo Đà Nẵng cần, ông luôn sẵn lòng hỗ trợ. “Bản thân tôi rất hạnh phúc khi có bài đăng trên Báo Đà Nẵng và luôn cố gắng để các bài viết đáp ứng tiêu chí, yêu cầu của báo. Không ít lần dù đang rất bận nhưng báo liên hệ đặt bài vẫn cố gắng làm, vì với tôi, mỗi bài viết là một tấm lòng gửi đến báo và người dân thành phố”, ông Bùi Văn Tiếng chia sẻ.

Có thể nói, ngoài những bài báo đều đặn đăng trên các ấn bản Báo Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng còn là một nhân vật báo chí tuyệt vời khi luôn nhiệt tình hỗ trợ chúng tôi thông tin, tư liệu cho những đề tài viết về văn hóa, đời sống. Chưa kể, nhiều ý kiến ông chia sẻ rất hay và gợi mở, giúp bài báo đa dạng về nội dung, phong phú các góc nhìn và trở nên đáng đọc.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.