Phóng viên "đa phương tiện"

.

Những năm gần đây, Báo Đà Nẵng chủ trương đẩy mạnh phát triển Báo Đà Nẵng điện tử thông qua các hình thức: phóng sự ảnh, video, multimedia... Đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của báo, nhất là lực lượng trẻ chủ động đổi mới để đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh nâng cao kỹ năng chụp ảnh, viết tin, bài cho báo giấy, còn chủ động tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu cách quay phim, dựng phim, thu âm để sản xuất video cho báo điện tử.

Tác giả bài viết (bên phải) trong một lần phỏng vấn nhân vật. Ảnh: X.S
Tác giả bài viết (bên phải) trong một lần phỏng vấn nhân vật. Ảnh: X.S

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin kể những câu chuyện, trải nghiệm thực tế của bản thân và một số kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện các video.

Những câu chuyện dở khóc, dở cười

Bên cạnh báo giấy phát hành hằng ngày từ thứ Hai đến thứ Bảy và ấn phẩm Đà Nẵng cuối tuần, Báo Đà Nẵng còn có Báo Đà Nẵng điện tử tại địa chỉ: https://baodanang.vn. Những năm gần đây, với xu hướng phát triển của báo điện tử đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của độc giả, Đảng ủy, Ban Biên tập chủ trương đẩy mạnh phát triển Báo Đà Nẵng điện tử. Bên cạnh nâng cao chất lượng bài viết, phóng sự ảnh, chùm ảnh cho báo điện tử, đội ngũ phóng viên tăng cường sản xuất video nhằm cung cấp thông tin sinh động, hấp dẫn đến độc giả. Nhờ đó, Báo Đà Nẵng điện tử ngày càng được đông đảo độc giả trong và ngoài thành phố biết đến và đón đọc. Bên cạnh phần lớn độc giả biết và đón xem các video, trong quá trình tác nghiệp ở cơ sở, thi thoảng chúng tôi cũng gặp một số trường hợp nhân vật, độc giả tỏ ra khá bất ngờ vì Báo Đà Nẵng thực hiện qua video.

Còn nhớ, tháng 4-2022, tôi và phóng viên Xuân Sơn cùng thực hiện phóng sự “Phụ nữ Đà Nẵng chăm lo an sinh xã hội”. Sau khi quay xong các hoạt động ở cơ sở, chúng tôi liên hệ phỏng vấn một nhân vật (không tiện nêu tên) để có cái nhìn bao quát hơn về các hoạt động của phụ nữ thành phố. Dù đã liên hệ và trao đổi trước qua điện thoại, rằng chúng tôi thực hiện video cho báo điện tử và nhân vật đã đồng ý, nhưng khi chúng tôi đến gặp và mang theo máy quay, chân máy, micro, nhân vật tỏ ra khá bất ngờ và đặt câu hỏi: “Báo thì cần gì phải quay phim?!”. Trước tình huống dở khóc dở cười ấy, tôi và phóng viên Xuân Sơn phải giải thích, phân tích, làm rõ câu hỏi khó đỡ trên của nhân vật trước khi thực hiện cuộc ghi hình phỏng vấn.

Lần khác, khi đi ghi hình ở cơ sở, trước lúc phỏng vấn, chúng tôi đã trao đổi trước câu hỏi và nhân vật tỏ ra khá tự tin, sẵn sàng trả lời phỏng vấn. Thế nhưng khi chúng tôi đặt máy quay, đưa micro, đặt câu hỏi và ra hiệu bắt đầu, nhân vật trở nên bối rối, lúng túng, không thể nhìn thẳng vào máy quay hay người phỏng vấn và trả lời lắp bắp. Thấy thế, chúng tôi phải tạm dừng ghi hình và làm “công tác tư tưởng” để nhân vật cảm thấy thoải mái, tự tin trước khi bắt đầu lại.

Linh hoạt tác nghiệp “đa phương tiện”

Bản thân tôi xuất phát điểm học chuyên ngành báo chí. Suốt 4 năm đại học, tôi được học đầy đủ các loại hình báo chí, gồm: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Dù học đầy đủ nhưng sau khi ra trường, hầu như tôi chỉ tác nghiệp ở loại hình báo in. Sau khi về công tác tại Báo Đà Nẵng, nhất là khoảng hai năm trở lại đây, cùng với xu thế phát triển của tờ báo, tôi dần “đa phương tiện hóa” chính mình. Song song viết tin, bài cho báo in theo kế hoạch và phân công, tôi chủ động tìm kiếm những đề tài phù hợp để xây dựng bài viết, chùm ảnh, video cho Báo Đà Nẵng điện tử; đồng thời linh hoạt sử dụng các máy móc, thiết bị, phần mềm sẵn có để thực hiện tác phẩm video cơ bản, bảo đảm chất lượng.

Tháng 5-2021, tôi thực hiện tác phẩm đa phương tiện đầu tiên cho Báo Đà Nẵng điện tử với tiêu đề “Ấm lòng những suất ăn khuya”. Tác phẩm gồm video và hình ảnh kể câu chuyện về một nhóm thiện nguyện tại thành phố với hoạt động nấu suất ăn hằng đêm gửi tặng các điểm chốt chặn trong thời gian phòng, chống Covid-19. Thời điểm đó, trong điều kiện thiếu thốn máy móc, thiết bị chuyên dụng, tôi linh hoạt chụp ảnh bằng máy ảnh cá nhân; quay phim, ghi âm bằng điện thoại thông minh và dựng phim bằng phần mềm Wondershare Filmora9 trên máy tính. Sản phẩm đầu tay tuy không đạt mức chuyên nghiệp, chỉn chu nhất nhưng đó là sản phẩm của sự nỗ lực, cố gắng và linh hoạt tác nghiệp trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Sau sản phẩm đa phương tiện đầu tiên, tôi mạnh dạn thực hiện thêm nhiều video, chùm ảnh khác trên Báo Đà Nẵng điện tử. Qua đó truyền tải những câu chuyện, nhân vật theo cách sinh động, hấp dẫn đến đông đảo độc giả.

Một điều đáng nói, trước khi cơ quan mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ tác nghiệp đa phương tiện, một số phóng viên chủ động “móc” hầu bao để mua máy quay phim cầm tay, chân máy, micro, flycam… phục vụ công việc. Song song đó, mỗi phóng viên không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi lẫn nhau để nâng cao hiểu biết, kỹ năng xây dựng tác phẩm báo chí đa phương tiện.

Để có tác phẩm chất lượng

Để có một tác phẩm đa phương tiện cơ bản gồm: nội dung, hình ảnh, video, người thực hiện phải trải qua quá trình dài từ việc tìm đề tài, lên kịch bản, ý tưởng quay phim cho đến quay phim, dựng phim, chỉnh sửa hậu kỳ,… Đặc biệt ở khâu quay phim, nếu có những thước phim càng “sạch sẽ”, chỉn chu thì việc dựng hậu kỳ càng thuận lợi. Tuy nhiên, không phải lúc nào tác nghiệp, nhất là khi đi cơ sở và nhân vật là người dân lao động, phóng viên cũng “gặp may”, có những khuôn hình đẹp. Những lúc đó, đòi hỏi phóng viên phải linh hoạt xử lý, điều chỉnh để có những thước phim tốt.

Đơn cử, trước khi bắt đầu ghi hình cuộc phỏng vấn, người quay phim cần bố trí nhân vật đứng ở vị trí phù hợp, ánh sáng tốt, không lẫn “tạp hình”. Người cầm micro và đặt câu hỏi phỏng vấn cần đứng cách nhân vật một khoảng vừa phải để bảo đảm lấy âm thanh đầy đủ. Trong một số trường hợp, phóng viên có thể trao đổi trước câu hỏi phỏng vấn để nhân vật chuẩn bị tinh thần và nội dung trả lời; cần chỉnh sửa quần áo, tóc tai cho nhân vật trước khi ghi hình để bảo đảm có hình ảnh chỉn chu nhất.

Đặc biệt, nếu nhân vật trả lời phóng vấn là người dân, người lao động, phóng viên cần trao đổi, trò chuyện, tạo không khí thoải mái, cởi mở trước khi phỏng vấn để nhân vật không bị áp lực, mất tự nhiên trước máy quay. Trường hợp phóng viên chọn nhân vật phỏng vấn nhưng nhân vật không cảm thấy thoải mái, tự tin và từ chối, phóng viên không nên “ép” nhân vật, tránh việc nhân vật trả lời qua loa, sơ sài cho xong, mà nên tìm nhân vật khác để phỏng vấn, ghi hình…

Trong xu thế phát triển của báo chí hiện đại và đòi hỏi ngày càng cao của độc giả, mỗi phóng viên, nhất là đội ngũ phóng viên trẻ cần không ngừng đổi mới chính mình; luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi, nâng cao hiểu biết, kỹ năng tác nghiệp và xây dựng tác phẩm báo chí đa phương tiện. Qua đó chuyển tải sinh động, hấp dẫn mọi thông tin đến độc giả và để bản thân không tụt hậu trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin
hiện nay.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.