Quốc hội tiếp tục thảo luận một số dự án luật quan trọng

.

Ngày 3-6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra: dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Tiếp theo Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì thảo luận tổ. Ảnh: VŨ HƯNG
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chủ trì thảo luận tổ. Ảnh: VŨ HƯNG

Đánh giá bổ sung hiệu quả tổ chức lao động, dạy nghề ngoài trại giam

Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ với các Báo cáo của Bộ Công an, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về dự án, nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam với chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong xử lý người phạm tội và trong công tác thi hành án phạt tù, đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) cho rằng, đó là kết hợp lao động giáo dục nhằm cảm hóa, giúp đỡ phạm nhân yên tâm cải tạo, cố gắng lao động, học tập để sửa đổi lỗi lầm, trở thành người có ích tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tối đa tình trạng tái phạm tội sau khi chấp hành án.

Đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) khẳng định: Việc tổ chức lao động học tập phù hợp cho phạm nhân là nhằm tạo cơ hội để họ tự cải tạo, trở thành người có ích cho xã hội, tạo thuận lợi chuẩn bị cho việc tái hòa nhập cộng đồng của phạm nhân sau khi hoàn thành việc chấp hành án.

Để tạo điều kiện tổ chức cho phạm nhân thường xuyên có môi trường lao động tiêu chuẩn, có dây chuyền sản xuất sát với yêu cầu thị trường, đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu nhận thấy, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành thí điểm mô hình tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Qua đó, tạo hành lang pháp lý, huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác thi hành án hình sự là phù hợp với định hướng cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta. Đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu đề nghị cân nhắc đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên lao động hướng nghiệp và học nghề ngoài trại.

Thảo luận và nêu ý kiến cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho phạm nhân tìm được việc làm ổn định sau khi chấp hành xong án phạt tù, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng, được học nghề trong trại giam nhưng khi chấp hành xong án phạt tù thì tìm việc làm là một thách thức lớn đối với phạm nhân trong quá trình nỗ lực hoàn lương. Nhiều người sau khi mãn hạn tù rơi vào cảnh vô gia cư hoặc hoàn cảnh đặc biệt. Trong quá trình đi tìm việc làm họ vấp ngay phải tình trạng các doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào sự phục thiện của họ nên không sẵn sàng tiếp nhận. Do đó đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, các cơ quan nên quan tâm hơn đối với công tác đào tạo, dạy nghề cho phạm nhân không chỉ ngoài trại giam mà cả trong trại giam.

Tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lý giải: Để phù hợp với trình độ của phạm nhân, ngành nghề được tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân được lựa chọn các ngành nghề phổ thông có tính tương đồng với mặt bằng chung của xã hội, ưu tiên các ngành nghề sản xuất hàng hoá tiêu thụ trong nước. Các ngành nghề tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề không thuộc danh mục các ngành, nghề có mức độ lao động độc hại, nguy hiểm theo quy định. Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, việc cấp giấy chứng chỉ nghề trong thời gian phạm nhân đang tham gia lao động, học tập, học nghề đã có quy định cụ thể trong Luật Thi hành án hình sự.

Dự án luật thiết thực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Chiều 3-6, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng chủ trì thảo luận tổ số 3. Dự thảo luận tổ có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trần Chí Cường, Phó Cục trưởng Cục an ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) Trần Đình Chung, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bắc Kạn, Tây Ninh, Bình Thuận.

Các đại biểu đánh giá cao dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Liên quan đến dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Trần Chí Cường đồng tình việc sửa đổi luật bởi phù hợp với điều kiện hiện nay khi xu thế chung của thế giới đặc biệt quan tâm đến nguồn an ninh năng lượng, nhất là dầu mỏ, khí đốt. Việc sửa đổi luật sẽ giúp khai thác, quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên dầu mỏ quốc gia, bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo. Tuy nhiên, đại biểu Trần Chí Cường cho rằng dự thảo luật phải tính đến việc khai thác được nguồn dầu thô và phải vào được nhà máy, qua đó phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là bảo đảm được nguồn an ninh năng lượng cho quốc gia, bảo đảm mục tiêu lớn mà Đảng, Nhà nước đặt ra, hoàn thiện, nâng cao hoạt động khai thác dầu khí.

Đại biểu Trần Chí Cường thống nhất cao việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhưng đề nghị ban soạn thảo luật quan tâm tại điểm a, khoản 3, Điều 1, trong đó cần có quy định chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng một chủ doanh nghiệp nắm nhiều băng tần. Bên cạnh đó cần có quy định cụ thể về cơ chế, công cụ cũng như cơ quan chủ quản kiểm tra giám sát, bảo đảm tính minh bạch.

Đại biểu Trần Đình Chung cũng đánh giá cao việc bổ sung khoản 4, Điều 45 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, trong đó có nội dung sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ riêng cho phục vụ quốc phòng - an ninh kết hợp với phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt. Theo đại biểu Trần Đình Chung, việc này phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về quan điểm xuyên suốt là xây dựng nền công nghiệp quốc phòng - an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - bảo vệ an ninh Tổ quốc; tạo ra kênh thông tin liên lạc di động dự phòng trong trường hợp xảy ra trường hợp phức tạp về an ninh quốc gia, đồng thời là kênh sử dụng để phòng ngừa đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao.

Chất vấn 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng và giao thông vận tải
Trên cơ sở kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất 4 nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, gồm: lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải. Theo chương trình, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, bắt đầu từ chiều 7-6 đến hết ngày 9-6-2022.

NGỌC PHÚ - VŨ HƯNG - BT (TTXVN/BáoTin tức/quochoi.vn)

;
;
.
.
.
.
.