Sớm di dời dân, xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở đất

.

Trên địa bàn thành phố có 479 hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét, cần di dời. Bên cạnh đó, thành phố triển khai thi công các công trình chống sạt lở để bảo đảm an toàn, nhất là khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến mùa mưa bão. 

Khu vực đồi phía đông bắc Đài tưởng niệm liệt sĩ Hòa Vang đang được các đơn vị thi công kè, xử lý khẩn cấp để chống sạt lở. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Khu vực đồi phía đông bắc Đài tưởng niệm liệt sĩ Hòa Vang đang được các đơn vị thi công kè, xử lý khẩn cấp để chống sạt lở. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Người dân chờ được di dời

Tại huyện Hòa Vang có nhiều hộ dân sinh sống ở các chân núi, ven sông... có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất và lũ quét. Đặc biệt, tại địa bàn đồi núi cao như xã Hòa Bắc có 48 hộ dân (182 người) sinh sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở rất cao thuộc khu vực thôn Phò Nam (7 hộ), Tà Lang (7 hộ) và các thôn dọc tuyến đường ADB 5 như: An Định, Nam Yên, Lộc Mỹ (34 hộ). Nghiêm trọng nhất là tại khu vực tổ 3, thôn An Ngãi Tây 1, xã Hòa Sơn có nhiều nhà dân xây dựng sát chân núi Sọ, nơi được phát hiện có những vết nứt núi trong mùa mưa bão cuối năm 2020.

Trong đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 6 xảy ra vào ngày 11 và 12-10-2020, núi Sọ đã bị sạt lở khoảng 20m3 đất. Một số nhà dân ở sát vách núi đã có hiện tượng sụt lún, nứt, nghiêng mái, sàn và nền. UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo UBND xã Hòa Sơn hỗ trợ tiền thuê nhà cho 6 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở đất cao nhất để đến ở nơi an toàn, còn lại gần 40 hộ dân được sơ tán tập trung hoặc sơ tán tại các nhà dân ở các khu vực an toàn mỗi khi xảy ra bão, mưa lớn...

Trong mùa mưa bão năm 2020, UBND thành phố cũng đã có chỉ đạo UBND huyện Hòa Vang và UBND quận Cẩm Lệ lập phương án di dời những hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở đất, lũ quét và xử lý các vị trí sạt lở..., trong đó có khu vực dân cư ở dưới chân núi Sọ. Ngày 1-4-2022, tại chương trình đối thoại hai cấp huyện, xã giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân thôn An Ngãi Tây 1, UBND huyện Hòa Vang cho biết vào cuối tháng 2-2022, UBND thành phố đã thống nhất chủ trương di dời dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao tại xã Hòa Bắc và Hòa Sơn.

Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo di dời các hộ dân đang ở thực sự tại các khu vực trên; hỗ trợ, bồi thường về đất ở, không bồi thường hỗ trợ đất nông nghiệp và đất khác; chuyển mục đích sử dụng đất ở của các hộ dân di dời sang đất nông nghiệp và tiếp tục giao cho người dân canh tác hoặc giao cho UBND xã quản lý. Bên cạnh đó, bồi thường hỗ trợ nhà cửa, vật kiến trúc trên đất và các khoản hỗ trợ khác, thực hiện theo quy định; không bồi thường tường rào, cổng ngõ, cây cối hoa màu trên đất. Việc bố trí lại chỗ ở mới và thu tiền sử dụng đất theo quy định hiện hành tại các khu đất tái định cư đã có đất thực tế trong khu vực…

Bà Nguyễn Thị Phương Triêm (người dân thôn An Ngãi Tây 1, xã Hòa Sơn) cho hay: “Cứ khi có bão hoặc mưa lớn, cán bộ UBND xã đến vận động người dân đến sơ tán tập trung tại trường học để bảo đảm an toàn, nhất là vào ban đêm. Tuy nhiên, cứ sơ tán tập trung như vậy nhiều lần thì rất bất tiện cho người dân vì cứ buổi chiều đi làm về là phải lo dọn đồ đạc để đi sơ tán, rồi sáng sớm quay về nhà soạn đồ để đi làm. Người dân mong thành phố, huyện và xã triển khai bồi thường, hỗ trợ giải tỏa, di dời dân sớm, để người dân sớm có nơi ăn, chốn ở ổn định”. Ông Trần Duy Khánh (người dân thôn An Ngãi Tây 1, xã Hòa Sơn) kiến nghị: “Người dân chỉ mong được di dời sớm ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, đến nơi ở mới an toàn và tốt hơn”.

Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Nguyễn Duy Phương thông tin: “Xã triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho 6 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở cao nhất với số tiền 1,8 triệu đồng/hộ/tháng. Hằng ngày, các hộ này đi, về để chăm sóc cây trồng, hoa màu, chăn nuôi. Các hộ khác thì sơ tán tập trung mỗi khi có bão, mưa lớn. Các hộ dân nói trên chưa được di dời, chúng tôi cũng đang chờ UBND thành phố phê duyệt chủ trương bồi thường, hỗ trợ di dời... để triển khai”. Còn ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Hòa Vang cho biết: “Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định chủ trương bồi thường, hỗ trợ di dời các hộ dân có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất rồi mới trình UBND thành phố phê duyệt chủ trương”.

Xây kè, chống sạt lở

Trên địa bàn xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang có 41 hộ dân (168 người) đang sinh sống ở khu vực đồi núi cao có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất, đá, nhất là tại thôn Phú Túc. Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Văn Bửu thông tin, UBND thành phố đã thống nhất chủ trương thi công các công trình để chống sạt lở (bạt núi, hạ thấp mái dốc, làm thoải mái dốc, xây dựng các loại tường phản áp hay để các khối đá gia cố chân dốc núi...).

Còn tại khu vực đồi núi đã bị sạt lở và đã kè tạm bằng các rọ đá tại thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên có khoảng 17 hộ dân (54 người) đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng sạt lở đất, đá. Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên Ngô Thành Tâm cho hay sẽ triển khai bạt đồi, gia cố, làm mương thoát nước... để chống sạt lở.

Tại khu vực đồi có nguy cơ sạt lở ở phía đông bắc Đài tưởng niệm liệt sĩ Hòa Vang (thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) hiện có 22 nhà dân, trong đó có 5 nhà ở khu vực nguy hiểm, 15 nhà khác có nguy cơ bị ảnh hưởng (ngoài ra có 7 lô đất trống). Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cẩm Lệ đang triển khai thi công sửa chữa, kè khẩn cấp để chống sạt lở với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai thành phố.

“Việc sửa chữa và kè khẩn cấp để chống sạt lở, bảo đảm an toàn cho đài tưởng niệm liệt sĩ và các hộ dân ở chân đồi. Còn về lâu dài, quận đang phối hợp lập quy hoạch phân khu rồi tiến hành giải tỏa, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở”, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cẩm Lệ Lê Trùng Dương nói.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.