Hỗ trợ gia đình chính sách thoát nghèo

.

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhiều năm qua, các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố luôn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho các gia đình chính sách ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, chị Nguyễn Thị Hoài (bên trái) mở cửa hàng buôn bán trái cây mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: P.N
Từ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, chị Nguyễn Thị Hoài (bên trái) mở cửa hàng buôn bán trái cây mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: P.N

Kịp thời hỗ trợ

Cửa hàng trái cây của chị Nguyễn Thị Hoài trên đường Lê Trọng Tấn (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) luôn nhộn nhịp người mua. Chị Hoài là cháu liệt sĩ. Năm 2021, được địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng, hai vợ chồng chị thuê căn nhà mặt tiền với giá 6 triệu đồng/tháng để buôn bán trái cây.

“Trước đây, hai vợ chồng tôi thuê một sạp trong chợ Bắc Mỹ An buôn bán. Tuy nhiên, xa nhà, sạp nhỏ nên thu nhập bấp bênh. Điều kiện khó khăn, để nuôi 3 con nhỏ tuổi ăn học, vợ chồng phải chạy vay nhiều nơi. Mừng là sau khi khảo sát, gia đình tôi được địa phương hỗ trợ vốn làm ăn. Nhờ việc buôn bán thuận lợi nên thu nhập của hai vợ chồng dần ổn định, điều kiện sống, học tập của các con cũng tốt hơn. Tôi rất biết ơn các cấp chính quyền đã quan tâm, hỗ trợ gia đình”, chị Hoài chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Cương (phường Hòa Phát) là con liệt sĩ. Hai vợ chồng ông bảo ban làm ăn nhưng không có nghề nghiệp ổn định, nên mãi không thoát được nghèo. Năm 2021, hai vợ chồng được bạn giới thiệu làm phụ hồ tại các công trình xây dựng. Công việc phải đi nhiều nơi xa nhưng ông không có phương tiện. Nắm bắt điều này, địa phương hỗ trợ ông 15 triệu đồng mua xe máy. “Từ ngày nhận được hỗ trợ, hai vợ chồng tôi đi lại dễ dàng. Chịu khó theo các công trình, đến nay, điều kiện kinh tế gia đình tôi được cải thiện hơn nhiều”, ông Cương thổ lộ.

Những ngày này, bà Trần Thị Xinh (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) bận rộn với công việc chăm sóc cây cảnh. Bà Xinh đang hưởng chế độ người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày. Cần cù làm ăn nhưng cuộc sống gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn, nhà cửa xuống cấp. Từ thực tế này, năm 2021, chính quyền các cấp hỗ trợ bà 30 triệu đồng sửa chữa nhà; phối hợp cùng Hiệp hội Cảnh quan hỗ trợ 10 triệu đồng trồng cây cảnh, tặng một máy bơm trồng rau sạch. “Tôi rất mừng khi nhận được sự hỗ trợ. Bên cạnh vườn rau cho thu nhập ổn định, hiện tôi trồng các loại cây chuối cảnh, lưỡi hổ... Sắp tới, Hiệp hội Cảnh quan sẽ mua lại số cây này. Sau khi bán hết số cây đợt đầu, tôi trồng thêm nhiều loại cây phù hợp khác để có thêm thu nhập”, bà Xinh bộc bạch.

Từng bước thoát nghèo

Bà Nguyễn Thị Thủy, cán bộ phụ trách lao động - thương binh - xã hội (LĐ-TB&XH) phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Đối với các trường hợp gia đình chính sách được hỗ trợ, chúng tôi luôn theo sát để động viên, khích lệ họ. Thực tế, các trường hợp nhận hỗ trợ đều sử dụng hiệu quả và dần dà cải thiện đời sống kinh tế gia đình”.

Theo ông Mai Xuân Linh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Ngũ Hành Sơn, hỗ trợ các gia đình chính sách vươn lên thoát nghèo là một trong những kế hoạch trọng tâm được quận đẩy mạnh triển khai thực hiện trong thời gian qua. Bằng nhiều hình thức khác nhau như: hỗ trợ vay vốn, tặng phương tiện mưu sinh, hỗ trợ sửa chữa nhà…, đến nay, có 30 hộ thuộc diện gia đình chính sách trên địa bàn quận đã vươn lên thoát nghèo.

Tại quận Cẩm Lệ, theo ông Lê Công Đông, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận, sau khi khảo sát, quận kêu gọi các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ cho các gia đình chính sách. Tùy vào nhu cầu, nguyện vọng của từng hộ, quận có các chính sách hỗ trợ khác nhau. Trong đó, chủ yếu hỗ trợ phương tiện để các gia đình làm “cần câu cơm”. 5 năm qua, quận hỗ trợ 30 gia đình chính sách cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với quyết tâm giảm nghèo bền vững, quận Sơn Trà cũng triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ gia đình chính sách. Theo ông Ngô Phú Vinh, Phó phòng LĐ-TB&XH quận, suốt nhiều năm qua, lãnh đạo từ quận đến phường, thậm chí ở các tổ dân phố đều quan tâm hỗ trợ người nghèo nói chung và người nghèo thuộc diện gia đình chính sách nói riêng. Địa phương thường xuyên tổ chức đối thoại với các gia đình chính sách, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có những hình thức hỗ trợ phù hợp nhất.

Bà Trương Thị Như Hoa, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ-TB&XH cho biết, từ đầu năm 2021, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các địa phương tiến hành khảo sát nhu cầu, xây dựng kế hoạch hỗ trợ gia đình chính sách thoát nghèo. Qua khảo sát thực trạng 121 hộ nghèo người có công với 582 khẩu, có 55 hộ người có công đang hưởng trợ cấp thường xuyên, 66 hộ hưởng trợ cấp một lần và là con liệt sĩ, 14 hộ không còn sức lao động, các hộ còn lại đều nằm trong diện đông người phụ thuộc và thiếu việc làm ổn định. Đa số các hộ có nhà ở ổn định, cá biệt một vài hộ chưa ổn định do đất thuộc diện di dời, giải tỏa, đất chưa đủ thủ tục pháp lý; 17 hộ có nguyện vọng được hỗ trợ cải thiện nhà ở.

Sở LĐ-TB&XH đề ra kế hoạch thoát nghèo với sự tham gia của gia đình người có công. Theo đó, giải quyết trợ cấp thường xuyên theo các nghị quyết của HĐND thành phố; hỗ trợ về nhà ở theo chính sách quy định chung; kết nối hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm; kết nối hỗ trợ học bổng từ các chương trình giảm nghèo và quỹ khuyến học các cấp; đặc biệt hỗ trợ sinh kế phù hợp nguyện vọng của gia đình (mua máy vi tính làm nghề thiết kế, hỗ trợ vật nuôi, trồng rau sạch, buôn bán nhỏ...), mức hỗ trợ 10-15 triệu đồng/1 hộ. Tổng kinh phí thực hiện 1,13 tỷ đồng, không tính kinh phí ngân sách thực hiện các chế độ trợ cấp thường xuyên. “Qua quá trình triển khai, bước đầu mang lại kết quả khả quan, đáp ứng mong đợi của đa số gia đình người có công. Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp các địa phương tiến hành rà soát, đẩy mạnh hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, bà Trương Thị Như Hoa cho biết.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.