Bảo đảm an toàn thực phẩm mùa du lịch

.

Đà Nẵng đang bước vào mùa cao điểm du lịch. Vấn đề bảo đảm bữa ăn an toàn phục vụ du khách là điều được các ban, ngành, địa phương và các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu ý. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, an toàn thực phẩm (ATTP) là lĩnh vực đặc thù, khó trong vấn đề kiểm soát, kiểm nghiệm. Ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần chủ động lựa chọn dịch vụ, phối hợp với các đơn vị liên quan trong vấn đề phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực này.

Vấn đề an toàn thực phẩm luôn được các cơ sở kinh doanh, phục vụ ăn uống đặt lên hàng đầu. TRONG ẢNH: Nhân viên bếp tại khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng  chế biến thực phẩm phục vụ thực khách. (Ảnh chụp ngày 4-8)Ảnh: XUÂN DŨNG
Vấn đề an toàn thực phẩm luôn được các cơ sở kinh doanh, phục vụ ăn uống đặt lên hàng đầu. TRONG ẢNH: Nhân viên bếp tại khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng chế biến thực phẩm phục vụ thực khách. (Ảnh chụp ngày 4-8) Ảnh: XUÂN DŨNG

Chủ động kiểm soát chất lượng

Đường ven biển Võ Nguyên Giáp là nơi tập trung hàng chục nhà hàng hải sản lớn, phục vụ khách du lịch đến tham quan, tắm biển. Anh Nguyễn Văn An, quản lý nhà hàng hải sản Vua Tôm Hùm (quận Sơn Trà) cho biết, hiện mỗi ngày nhà hàng phục vụ từ 300-500 thực khách nên vấn đề bảo đảm vệ sinh ATTP luôn được đặt lên hàng đầu. Các mặt hàng hải sản tại nhà hàng luôn được giữ tươi sống, còn bơi trong hồ để thực khách lựa chọn. Nhà hàng cũng quán triệt nhân viên chế biến thực phẩm phải luôn giữ khu vực bếp sạch sẽ, mang đầy đủ găng tay. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát nên vấn đề ATTP đã đi vào nền nếp, nhà hàng luôn nghiêm túc thực hiện quy định, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm.

“Trong mùa du lịch, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, giá cả phù hợp, chúng tôi luôn ý thức phải bảo đảm vệ sinh ATTP. Điều này cũng khiến quảng bá hình ảnh nhà hàng, để lại ấn tượng cho du khách; đồng thời góp phần xây dựng môi trường du lịch Đà Nẵng an toàn, thân thiện và đáng đến”, anh An bày tỏ.

Tọa lạc gần bãi biển Mỹ Khê, vào mùa cao điểm du lịch, trung bình khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn) phục vụ khoảng 1.000 khách du lịch/ngày. Do đó, bên cạnh bảo đảm chất lượng các dịch vụ, vấn đề vệ sinh ATTP luôn được khách sạn đặt lên hàng đầu.

Anh Lê Cảnh Khiêm, bếp trưởng khách sạn cho biết, xác định vấn đề nguồn gốc thực phẩm là khâu quan trọng nhất trong việc bảo đảm ATTP nên khách sạn rất khắt khe trong việc lựa chọn nhà cung cấp. Tất cả thực phẩm đều được lấy từ những nhà cung cấp uy tín bảo đảm tươi, sạch, không có chất bảo quản và vận chuyển đến khách sạn bằng xe đông lạnh. Cùng với đó, khâu chế biến cũng được thực hiện theo quy trình rất nghiêm ngặt, chia thành 2 khu riêng biệt, bếp lạnh (rau, củ, quả) và bếp nóng (thịt, cá, hải sản). Ngoài ra, khách sạn cũng quán triệt toàn bộ nhân viên bếp phải mang đầy đủ găng tay, khẩu trang, mũ trùm đầu và bảo đảm thực hiện việc lấy mẫu, lưu mẫu đồ ăn theo đúng quy định.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Minh, Trưởng phòng Y tế quận Sơn Trà, bước vào mùa cao điểm du lịch và nắng nóng, thời gian qua quận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, kiến thức về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường kiểm tra, lồng ghép hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo phân cấp quản lý, đặc biệt là các cơ sở thức ăn đường phố thực hiện đảm bảo các quy định về ATTP.

“Vừa qua, quận đề nghị Trung tâm Y tế quận xây dựng phương án xử lý khi có sự cố mất ATTP. Trong đó, khi có trường hợp mất ATTP phải báo cáo về Ban quản lý (BQL) ATTP thành phố để phối hợp, xử lý theo quy định. Ngoài ra, quận thường xuyên xử lý kịp thời các thông tin từ đường dây nóng liên quan đến các dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn, nếu nhận phản ánh thông tin liên quan đến chất lượng thực phẩm thì địa phương sẽ tổ chức lực lượng tiếp nhận, kiểm tra, xử lý trong thời gian sớm nhất”, bà Minh thông tin.

Tăng cường truyền thông, xử phạt

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố, sau khi Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động, dịch vụ được mở cửa, đặc biệt là mở cửa đón khách du lịch nội địa, vấn đề ATTP đã được đặt lên hàng đầu. Để chuẩn bị cho mùa du lịch năm nay, ngay từ đầu tháng 4, BQL ATTP đã phối hợp với Sở Du lịch tổ chức kiểm tra, rà soát chất lượng ATTP các nhà hàng, cơ sở lưu trú phục vụ ăn uống. Ngoài việc yêu cầu các cơ sở, đơn vị đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất, cải thiện khu vực chế biến thức ăn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đều cử nhân viên tham gia các lớp tập huấn ATTP từ khâu bảo quản đến chế biến thực phẩm tạo uy tín, niềm tin đối với du khách.

Bên cạnh công tác tập huấn, lực lượng chức năng cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm về ATTP. Theo đó, mức xử phạt được căn cứ theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 và Nghị định 124/2021/NĐ-CP ngày 28-12-2021 của Chính phủ với mức phạt lên đến 200 triệu đồng. Tuy nhiên, theo BQL ATTP, hiện nay vẫn còn một số quy định gây khó khăn trong việc xác định hành vi xử phạt.

“Riêng việc lưu mẫu thực phẩm hiện nay chỉ duy trì trong vòng 24 giờ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Vì vậy, nhiều vụ việc, điển hình là vụ nghi ngộ độc thực phẩm gần đây, lực lượng chức năng không thể thu thập mẫu lưu thực phẩm để kiểm nghiệm, phân tích do đã quá thời gian 24 giờ, chủ cơ sở cũng đã hủy bỏ mẫu. Việc xác định nguyên nhân ngộ độc hay các sai phạm trực tiếp (nếu có) liên quan đến an toàn cho du khách trở nên khó khăn hơn”, ông Hải cho biết.

Xác định an toàn cho bữa ăn của du khách là một trong những vấn đề trọng tâm trong hoạt động du lịch mùa cao điểm, UBND thành phố cũng vừa yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm trên toàn thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, thành phố bước vào mùa du lịch cao điểm khi thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, dễ dẫn đến các sự cố mất an toàn và ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, vấn đề ATTP phải được bảo đảm tại các cơ sở lưu trú, khu du lịch, nhà hàng, quán ăn nơi người dân, du khách thường xuyên đến. “Để bảo đảm ATTP trong thời điểm này, BQL ATTP thành phố phối hợp Sở Du lịch, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho các cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, các nhà hàng, quán ăn phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Tập trung thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát theo chuyên đề và triển khai đánh giá, xếp hạng sao theo khung tiêu chí ATTP. Lồng ghép nội dung tuyên truyền về ATTP cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, hướng dẫn viên du lịch trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời ưu tiên giới thiệu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được đánh giá xếp hạng 4 sao và 5 sao đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, hướng dẫn viên du lịch”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến yêu cầu.

PHAN CHUNG – XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.