"Dân vận khéo" trong giải phóng mặt bằng: Kinh nghiệm từ Đà Nẵng

Bài 2: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

.

Xác định công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời rất khó khăn, phức tạp, các địa phương luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với các chủ trương của thành phố.

Đoàn giám sát về công tác vận động giải phóng mặt bằng do Ban Dân vận Thành ủy tổ chức phối hợp với quận Liên Chiểu triển khai giám sát thực tế tại dự án tuyến đường trục 1 Tây Bắc (đoạn qua phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Ảnh: LAM PHƯƠNG
Đoàn giám sát về công tác vận động giải phóng mặt bằng do Ban Dân vận Thành ủy tổ chức phối hợp với quận Liên Chiểu triển khai giám sát thực tế tại dự án tuyến đường trục 1 Tây Bắc (đoạn qua phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu). Ảnh: LAM PHƯƠNG

Công tác chỉ đạo xuyên suốt đến cơ sở

Toàn quận Liên Chiểu hiện có 45 dự án trong diện giải tỏa, gồm: 26 dự án cũ đang thực hiện công tác GPMB, 10 dự án mới đang triển khai và 9 dự án đang tạm dừng. Tổng số hồ sơ cần GPMB là 4.100, trong đó 2.196 hồ sơ cần GPMB trong năm 2022. Đầu năm 2021, Quận ủy tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác GPMB trên địa bàn; qua đó, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp, kiến nghị thay đổi về chính sách, quy định liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư… Sau hội nghị, Quận ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB các dự án trên địa bàn quận trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Theo Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy, để công tác vận động hiệu quả, các địa phương có dự án đã làm tốt việc công khai cho nhân dân về quy hoạch dự án, tiến độ thực hiện phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư; tổ chức họp, lấy ý kiến của người dân có đất bị thu hồi; niêm yết công khai tất cả văn bản về thủ tục hành chính, số điện thoại của chủ tịch UBND phường, duy trì lịch tiếp dân định kỳ, tạo điều kiện để nhân dân phản ánh công việc khi cần thiết.

Tại huyện Hòa Vang, từ năm 2020 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện công tác GPMB. Riêng 3 dự án gồm: tuyến đường ĐH2, tuyến đường ĐT601, tuyến đường vành đai phía Tây 2, đi qua các xã Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Hòa Liên và Hòa Bắc, ảnh hưởng đến 2.234 hộ dân, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành 26 văn bản chỉ đạo.

Bên cạnh đó, HĐND huyện tổ chức giám sát chuyên đề về công tác GPMB; Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy giám sát thường xuyên trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, thực hiện công tác GPMB. Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tích cực tham gia vận động nhân dân vùng giải tỏa chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bàn giao mặt bằng.

Huyện công khai các quy trình, chính sách giải tỏa bồi thường và pháp luật của Nhà nước đến với người dân, vận dụng linh hoạt nhiều hình thức để vận động, thuyết phục nhân dân bàn giao mặt bằng theo hướng bàn giao từng phần, thi công đến đâu bàn giao tới đó nhằm tạm thời giải quyết vấn đề nhà ở của nhân dân, tạo điều kiện cho người dân có thời gian làm nhà tại nơi ở mới.

Ông Bùi Nam Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hòa Vang cho rằng, huyện xác định giải tỏa, triển khai các dự án mới phát triển được, nhưng không phải bằng mọi giá. Chính quyền các cấp luôn lắng nghe một cách khách quan tâm tư nguyện vọng của người dân. “Huyện có hơn 250 dự án, di dời hơn 5.000 hộ dân, số trường hợp ra quyết định thực hành cưỡng chế rất nhỏ so với số hộ di dời. Vì chúng tôi ra quyết định rồi vẫn tiếp tục vận động, để hài hòa lợi ích của cả 3 bên: Nhà nước - người dân - cộng đồng”, ông Dũng nói.

“Đến từng ngõ, gõ từng nhà”

Ông Huỳnh Cự, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy, nguyên Trưởng ban Dân vận Quận ủy Ngũ Hành Sơn chia sẻ: “Ngoài vận động người dân có liên quan đến các dự án, với những trường hợp chưa đồng ý chủ trương ngay từ đầu, chúng tôi áp dụng phương châm “mưa dầm, thấm lâu”.

Ban vận động của Quận ủy, Mặt trận quận và các phường, ban công tác Mặt trận khu dân cư và các chi hội, đoàn thể đến gặp gỡ, tiếp xúc từng cá nhân, tổ chức, cơ sở tôn giáo, tộc họ để tuyên truyền, giải thích, vận động chấp hành chủ trương, cơ chế chính sách đối với việc bồi thường, giải tỏa”.

Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể địa phương đã tổ chức thành các đoàn đến từng hộ để hỗ trợ di dời, nhất là những gia đình neo đơn, khó khăn trong việc kiểm kê, tháo dỡ, di dời, tái định cư, ổn định cuộc sống, bảo đảm thời gian, tiến độ của dự án.

Đặc biệt, ban vận động luôn động viên và phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, người cao tuổi có uy tín ở khu dân cư, các chức sắc tôn giáo, trưởng tộc họ..  để tuyên truyền, vận động thuyết phục nhân dân. Nhờ đó, riêng trong năm 2021, quận Ngũ Hành Sơn hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 11 dự án (tăng 5 dự án so với số dự án đăng ký tiến độ với thành phố)/51 dự án trên địa bàn quận.

Bà Lê Thị Lợi, Bí thư Chi bộ khu dân cư Hải An, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) kể, ngay trước thời điểm Tết Nhâm Dần 2022, bà nhận được chỉ đạo từ quận phải vận động gấp nhân dân bàn giao mặt bằng của dự án Làng Đại học Đà Nẵng.

Vậy là ròng rã 2 tuần liền, ngày cũng như đêm, bà cùng đại diện tổ dân phố, ban công tác Mặt trận đến gần 150 hộ thông báo chủ trương, vận động di dời. “23 năm nằm trong vùng quy hoạch, giờ mới được nhận đất đến nơi ở mới, nên không thể họp dân thông báo là xong. Khu dân cư có 392 hộ, gần một nửa di dời, giờ ai cũng muốn bố trí đất tái định cư nơi ở mới phải tập trung theo làng, theo khối trước đó. Chúng tôi cần lắng nghe kỹ tâm tư của bà con để kiến nghị lên cấp trên”, bà Lợi nói.

Khu dân cư Quang Thành 3B1 (phường Hòa Khánh Bắc) hiện có 66 hộ nằm trong vùng dự án Trục 1 Tây Bắc phải di dời, trong khi đó chỉ có 34 hộ đủ điều kiện để bố trí tái định cư, những hộ còn lại không tránh khỏi lo lắng sau khi bàn giao mặt bằng. Bí thư Chi bộ Quang Thành 3B1 Lê Thanh Hùng cho biết, cuối tháng 5-2022, chi bộ đã ban hành nghị quyết chuyên đề tháng 6-2022 về công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân giải tỏa trong dự án Trục 1 Tây Bắc (tổ 12, 13) bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định.

Theo đó, hằng tháng, thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các hội, đoàn thể và họp tổ dân phố, khu dân cư lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách của thành phố về GPMB, đền bù giải tỏa để bà con nhân dân hiểu rõ quy định. Mỗi cán bộ, đảng viên nằm trong diện di dời, giải tỏa cần chủ động đi trước, nêu gương cho quần chúng nhân dân, bàn giao mặt bằng đúng thời hạn.

Tổ trưởng Tổ dân phố 12 (phường Hòa Khánh Bắc) Phạm Công Bằng cho biết, trong những buổi gặp mặt bà con ở khu dân cư, ông rỉ rả phân tích, vận động những hộ dân đã được đền bù thỏa đáng sớm nhận tiền, nhận đất, bàn giao mặt bằng cho dự án. Với những trường hợp còn vướng mắc, tổ dân phố ghi nhận đầy đủ và đề xuất cấp trên để giải quyết vì đây là quyền lợi của nhân dân.

Từng là địa bàn “nóng” của quận Cẩm Lệ nói riêng, thành phố nói chung về công tác giải tỏa đền bù, đến nay, phường Hòa Xuân đã vươn mình mạnh mẽ. Chủ tịch Mặt trận phường Hòa Xuân Đỗ Thị Nhung kể, còn nhớ thời điểm năm 2008, thành phố triển khai trên địa bàn phường 11 dự án, tổng diện tích quy hoạch 1.100ha, với 5.168 hộ dân, 1 nhà thờ Thiên Chúa giáo (Cồn Dầu), 2 chùa Phật giáo (Trung Lương và Hòa Xuân), 7 đình làng, 87 nhà thờ tộc, họ, chi, phái, 5 nghĩa địa nhân dân và 1 nghĩa địa tôn giáo với gần 17.000 ngôi mộ, 1 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 400 ngôi mộ nằm trong diện di dời, giải tỏa.

Những năm đầu, công tác vận động nhân dân bàn giao mặt bằng hết sức thuận lợi bởi hầu hết người dân đều hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương phát triển đô thị. Tuy nhiên, một bộ phận người dân thuộc dự án Khu Đô thị sinh thái Hòa Xuân chưa thông suốt nên công tác vận động gặp nhiều khó khăn, kéo dài.

Trước tình hình đó, Mặt trận phường Hòa Xuân tập trung đổi mới trong cách nghĩ, cách làm trong công tác vận động. Cán bộ Mặt trận từ phường đến khu dân cư tăng cường về cơ sở, nắm tình hình đời sống, tư tưởng, nguyện vọng của từng hộ dân; gõ cửa từng nhà, rà từng người; thông qua tộc họ, tôn giáo, những người có uy tín để tiếp cận và cùng thuyết phục theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

Bên cạnh đó, cán bộ Mặt trận chủ động bám sát các quy định về bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, các thông báo mới nhất để có cơ sở tiếp tục vận động. Sau rất nhiều khó khăn, đến nay, dự án Khu Đô thị sinh thái Hòa Xuân đã cơ bản hoàn thành sau gần 14 năm triển khai. Những hộ dân trong diện di dời, giải tỏa nay đã có cuộc sống mới ổn định.

HOÀNG NHUNG - LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.